Báo Công An Đà Nẵng

Dịch bệnh Corona - bài toán khó của WHO

Thứ sáu, 31/01/2020 14:39

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đối mặt những thách thức chưa từng có tiền lệ khi đang xem xét có tuyên bố dịch bệnh do virus corona gây ra có phải tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không trong bối cảnh phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì không hành động đủ nhanh trong đại dịch lần này.

Số người chết do nhiễm virus corona đã tăng lên 170 trong  khi 7.819 người nhiễm bệnh, trong đợt bùng phát virus mới nhất ở Trung Quốc hôm 30-1, ngày được đánh giá là “chết chóc nhất” của đại dịch virus corona ở nước này.

Theo AP, thông tin này được đưa ra khi những công dân nước ngoài sống ở Vũ Hàn được di tản đã bắt đầu trở về nhà dưới sự giám sát chặt chẽ, trong khi đó, các quan chức của WHO đã có những tuyên bố quan ngại lớn về căn bệnh này.

Mọi người xếp hàng để mua khẩu trang từ một Cty cung ứng y tế ở Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Ảnh: AP

Người Hàn biểu tình phản đối đưa hơn 700 công dân từ Vũ Hán trở về

Trong ngày 30-1, tại Hàn Quốc, cư dân của hai thành phố Asan và Jincheon, nơi lập các cơ sở cách ly dịch bệnh corona, ném trứng và chai nước nhựa vào các quan chức chính phủ để phản đối kế hoạch đưa 700 công dân nước này ở Vũ Hán về nước.

Chính phủ đã đề xuất đưa các công dân sơ tán từ Vũ Hán về các cơ sở đó trong ít nhất 2 tuần - khoảng thời gian cách ly cần thiết để chắc chắn họ không nhiễm bệnh. Các cơ sở này vốn thường được dùng làm trung tâm đào tạo cho các công chức. Theo AP, người biểu tình dùng máy kéo chặn các cơ sở cách ly này vì lo ngại những người này sẽ làm bùng phát dịch bệnh tại đây. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã cố gắng trấn an người dân và yêu cầu họ không để sự sợ hãi chi phối. Hàn Quốc có 4 ca nhiễm virus corona, tất cả đều từng đến Vũ Hán. Chuyến bay đầu tiên trong 4 chuyến bay dự kiến đến Vũ Hán rời Hàn Quốc vào tối 30-1.

T.N

Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc do lo ngại virus corona

Ngày 30-1, chính phủ Nga tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.  

Các hãng thông tấn Nga dẫn phát biểu của Thủ tướng Mikhail Mishustin tại một cuộc họp chính phủ khẳng định, sắc lệnh đã được ký “nhằm triển khai các biện pháp để đóng cửa biên giới (với Trung Quốc) ở khu vực Viễn Đông”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ tạm ngừng cấp thị thực điện tử cho các công dân Trung Quốc kể từ ngày 30-1 để đối phó với tình trạng bùng phát của virus corona. Trước đó, nhà chức trách Nga cho biết sẽ hạn chế hoạt động đường sắt giữa nước này với Trung Quốc kể từ ngày 31-1, và chỉ cho phép các chuyến xe lửa trực tiếp duy nhất giữa Moscow và Bắc Kinh hoạt động.

T.V

Trung Quốc nỗ lực đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho khu vực bị cách ly

Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trấn an thế giới rằng, nước này chắc chắn đánh bại virus corona, chính phủ nước này cũng mạnh mẽ kêu gọi nông dân đẩy mạnh sản xuất rau, mở đường cho xe tải giao hàng để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho cư dân của thành phố Vũ Hán đang bị cách ly.

Theo các nguồn tin, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ngày 30-1 ra thông báo, kêu gọi các bộ liên quan phối hợp để duy trì nguồn cung rau quả và giá cả ổn định cho Vũ Hán. Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết, các nhu yếu phẩm như thịt, gạo, dầu ăn được dự trữ đủ đảm bảo cung cấp trong vòng 15 ngày. Trong khi đó, thịt heo và trứng đủ cung cấp trong vòng 10 ngày và rau xanh là 5 ngày. Hiện, Cty nông nghiệp và thực phẩm lớn nhất Trung Quốc COFCO Group và cty dự trữ ngũ cốc Sinograin cũng đã tăng cường cung cấp gạo, thịt và dầu ăn cho tỉnh Hồ Bắc. Những xe tải chở thực phẩm được miễn trừ lệnh hạn chế đi lại nếu lái xe có giấy phép của chính phủ. Ngoài ra, các giới chức xử lý kiên quyết những trường hợp tăng giá trong đợt dịch này để cảnh báo những người khác.

T.L

24 giờ, thêm  38 người chết

Số liệu của ngày 30-1 cho thấy, thêm 38 trường hợp tử vong và 1.737 trường hợp mới nhiễm virus corona. Trong số này, 37 người thiệt mạng ở ngay tâm dịch thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc và một người ở tỉnh phía Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc xác nhận, tính đến 12 giờ ngày 30-1 có 170 người chết, tăng 38 người so với con số 132 của ngày 29-1. Số người nhiễm bệnh là 7.819 trong khi số ca nghi nhiễm là hơn 12.000. Những con số này được cho là sẽ còn tăng cao hơn nữa trong vòng 24 giờ tới. Khu tự trị Tây Tạng cũng ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trong sáng 30-1 khiến tất cả tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục đều có người nhiễm bệnh. Trong khi đó, dịch bệnh này cũng lây nhiễm ở 15 nước và vùng lãnh thổ ở ngoài Trung Quốc. Số ca bệnh mới cũng đang tăng lên bên ngoài Trung Quốc.

Trong ngày 30-1, một nhóm gồm 210 công dân Nhật Bản được di tản từ Vũ Hán, đã về đến sân bay Tokyo, trên chuyến bay thứ hai của chính phủ. Các báo cáo cho biết, 9 trong số những người trên chuyến bay có dấu hiệu ho và sốt. Trong khi đó, 3 trong số 206 người Nhật trở về nước hôm 29-1 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết trong một phiên họp quốc hội sáng 30-1. Hai người trong số họ không có triệu chứng của bệnh. Bộ Y tế Nhật Bản trước đó xác nhận một nữ hướng dẫn viên - làm cùng xe với tài xế bị phát hiện nhiễm bệnh hôm 28-1 - có kết quả dương tính với virus corona. 2 trường hợp bệnh nhân này không đến Trung Quốc, làm gia tăng lo lắng về việc lây nhiễm từ người sang người. Việc 2 trong số 3 trường hợp mới được xác nhận ở Nhật Bản không cho thấy bất cứ triệu chứng nào đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Tại Mỹ, các công dân vừa được sơ tán trở về nước, đang được cách ly tại một căn cứ quân sự ở California, xem xét có nhiễm bệnh hay không trước khi trở về nhà. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump tương đối kín tiếng về cuộc khủng hoảng. Các trợ lý của ông chủ Nhà Trắng nói rằng, cách tiếp cận cẩn thận của ông Trump, là một phần của chiến lược chính trị nhằm tránh làm đảo lộn thị trường chứng khoán hoặc chọc giận Trung Quốc khi nói quá nhiều đến virus corona.

Philippines, Ấn Độ hôm 30-1 đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona.  Pháp, New Zealand, Australia, Singapore và các quốc gia khác cũng đang gấp rút di tản công dân của họ hoặc lập kế hoạch để làm điều đó.

Có tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu  hay không?

WHO đang đối mặt những thách thức chưa từng có tiền lệ khi đang xem xét có tuyên bố dịch bệnh do virus corona gây ra có phải tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không trong bối cảnh phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì không hành động đủ nhanh trong đại dịch lần này.

Theo AFP, Ủy ban Khẩn cấp của WHO tiếp tục nhóm vào ngày 30-1, lần thứ ba trong vòng một tuần, để bỏ phiếu lần nữa xem có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch virus corona hay không, động thái có thể dẫn đến những hạn chế về du lịch hoặc thương mại. Các quan chức y tế thế giới cũng bày tỏ về mối lo ngại khi căn bệnh này đang bắt đầu lây lan giữa những người bên ngoài Trung Quốc.

Trên thực tế, kể từ khi WHO đưa ra hướng dẫn về tình trạng y tế cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) năm 2005, chưa bao giờ một nền kinh tế quan trọng như Trung Quốc lại trở thành trung tâm của đại dịch toàn cầu như hiện nay. WHO cũng chưa từng phải quyết định có tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với một quốc gia có nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc. Vì chưa có hướng dẫn nào để ứng xử với virus xuất phát từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các quan chức y tế thế giới đối mặt với sức ép lớn khi cân nhắc có tuyên bố cảnh báo khẩn cấp toàn cầu hay không, nhằm tránh gây tổn hại về kinh tế toàn cầu.

Dù Trung Quốc không cần hỗ trợ tài chính như các nước từng có PHEIC trước đây, nhưng việc cảnh báo sẽ khiến mọi người ý thức rằng dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. “Trung Quốc chắc chắn không muốn bị gọi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu mà không kiểm soát được”, chuyên gia Michael Osterholm nhận định. Ủy ban Khẩn cấp, bao gồm 16 chuyên gia độc lập, hồi tuần trước đã 2 lần từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Hiện nay, giới chức Trung Quốc thực hiện các biện pháp chưa từng có để khống chế sự lây lan của virus, bao gồm việc cách ly hơn 50 triệu người ở Vũ Hán và các thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả, khi chính phủ báo cáo 38 trường hợp tử vong mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ, tính đến sáng 30-1. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất cho đến nay. Điều này càng khiến WHO đối mặt với bài toàn khó nhằn hơn nữa.

 KHẢ ANH