Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Iran
Các ổ dịch mới bùng phát ở nhiều nơi, trong đó đáng chú ý nhất là ở Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản và Iran, đang từng giờ dập tắt các tia sáng hy vọng kiểm soát dịch Covid-19 trên toàn thế giới.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viện ở Chuncheon. Ảnh: AFP |
Hàn Quốc đã báo cáo con số nhảy vọt các trường hợp nhiễm Covid-19 vào ngày 23-2, trong khi Italia và Iran đã thực hiện các bước ngăn chặn quyết liệt khi nỗi lo sợ trên toàn thế giới về dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.
Vì sao dịch bệnh lây lan nhanh ở Hàn Quốc?
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc đã báo cáo 123 trường hợp mới vào ngày 23-2 nâng tổng số các ca nhiễm lên tới 556 sau khi Thủ tướng Chung Sye-kyun nói rằng, quốc gia phải đối mặt với tình hình "nghiêm trọng".
Số người bị nhiễm tăng hơn gấp đôi chỉ trong một ngày 22-2, với hầu hết số ca nhiễm tập trung quanh giáo phái Tân Thiên Địa và một bệnh viện ở thành phố Daegu và một bệnh viện ở Cheongdo. Cơ quan Y tế Hàn Quốc chiều 23-2 thông báo ca tử vong thứ 5 do dịch Covid-19. Đó là một nữ bác sĩ ở độ tuổi 50. Bệnh nhân này qua trung tâm y tế công cộng, không phải trường hợp từ bệnh viện Daenam, nơi có các trường hợp tử vong do Covid-19 trước đây, chuyển tới.
Nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu - được nhiều giáo phái coi là tà đạo – là điểm nóng của dịch bệnh với hàng trăm thành viên bị nhiễm bệnh. Giới chuyên gia cho rằng, chính sự che đậy, bất chấp của giáo phái này đã làm dịch bệnh lây lan ở Hàn Quốc. Theo các nguồn tin, các tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa buộc phải đi lễ dù đang bị bệnh. Tại nhà thờ, họ ngồi sát nhau, cấm đeo khẩu trang; sẵn sàng nói dối khi bị điều tra về Covid-19. Sau các buổi lễ, họ chia thành các nhóm nhỏ tỏa ra khắp nơi, bắt chuyện để chiêu dụ các tín đồ.
Trước tình hình phức tạp hiện nay, giới chức y tế Hàn Quốc đang điều tra hoạt động của giáo phái này nhằm kiểm soát dịch bệnh đang lây lan đáng lo ngại. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết chính quyền đã nâng mức cảnh báo lên cao nhất (mức đỏ) ở nước này. Ông Moon tuyên bố các biện pháp mạnh mẽ sẽ được thực hiện để chống dịch bệnh.
Các biện pháp kiểm soát chưa từng có
Các ổ dịch mới bùng phát ở nhiều nơi, trong đó đáng chú ý nhất là ở Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản và Iran, đang từng giờ dập tắt các tia sáng hy vọng kiểm soát dịch Covid-19 trên toàn thế giới.
Các nước đang nỗ lực đưa ra biện pháp mạnh tay khẩn cấp để kiểm soát dịch. Trong đó, Italia và Iran bắt đầu đưa ra các biện pháp ngăn chặn mà trước đây chỉ thấy tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi hàng chục triệu người đã bị cách ly để kiểm soát dịch bệnh. Chính quyền kêu gọi hơn 50.000 người ở hàng chục thị trấn phía bắc Italia gần trung tâm thương mại của Milan ở nhà, trong khi các cửa hàng và trường học đóng cửa. Trong số hàng chục trường hợp nhiễm bệnh, Italia đã trở thành quốc gia Châu Âu đầu tiên báo cáo những trường hợp tử vong do Covid-19. Với hơn 100 người nhiễm bệnh, Italia hiện là quốc gia Châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh. Sự bùng phát dịch tại vùng Lombardy khởi phát từ thị trấn Codogno, nơi một phụ nữ 77 tuổi đã qua đời ngày 22-2 vì nhiễm bệnh - bệnh nhân thứ hai tại Italia tử vong liên quan tới virus gây chết người này. Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết chính phủ đang cân nhắc "các biện pháp phi thường" để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, Iran cũng chứng kiến ca tử vong thứ 7 vì Covid-19. Cho đến nay, 29 công dân nước Cộng hòa Hồi giáo được xác nhận nhiễm bệnh. Hầu hết những người bị nhiễm đến từ thành phố Qom ở miền Trung, trong khi những người khác đến từ Tehran và Rasht. Nhật Bản ghi nhận thêm một trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 775 người, trong đó chủ yếu đến từ du thuyền Diamond Princess. Điều gây lo ngại hơn nữa là Tokyo ngày 23-2 xác nhận rằng một người phụ nữ đã xét nghiệm âm tính và rời khỏi tàu du lịch Diamond Princess sau đó đã lại có kết quả dương tính với Covid-19. 23 hành khách của du thuyền Diamond Princess cũng đã rời đi mà chưa được xét nghiệm Covid-19.
Giới chức Nhật Bản đã bị chỉ trích gay gắt về cách xử lý dịch bệnh trên con tàu này. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản đã xin lỗi trước toàn dân vì để xảy ra những vụ việc này. “Chúng tôi xin lỗi sâu sắc về tình hình này. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết như kiểm tra hai lần để ngăn ngừa tái phát”, ông Katsunobu Kato nói. Hiện, hơn 1.000 thành viên thủy thủ đoàn vẫn còn ở lại trên tàu và sẽ tiếp tục bị cách ly trong 14 ngày.
Những nỗi sợ cho Châu Phi
Iran đã ra lệnh đóng cửa các trường học, trường đại học và trung tâm văn hóa trên khắp 14 tỉnh từ ngày 23-2 sau 6 trường hợp tử vong – những ca tử vong đầu tiên ở Trung Đông. Sylvie Briand, Giám đốc bộ phận phòng chống rủi ro bệnh truyền nhiễm toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Mối lo ngại là... chúng tôi đã thấy... sự gia tăng số ca nhiễm rất nhanh ở Iran trong vài ngày qua”. Chính phủ Iran cũng đã ra lệnh hủy bỏ tất cả "sự kiện nghệ thuật và điện ảnh" trên toàn quốc cho đến cuối tuần tới, cũng như đình chỉ hoạt động hành hương tôn giáo tới Iraq.
Sự lây lan lần này của Covid-19 đã khiến WHO cảnh báo, các hệ thống y tế còn yếu kém của Châu Phi khiến lục địa này dễ bị Covid-19 hoành hành sau khi dịch bệnh này đã đang hoành hành ở nhiều nước sau khi đã gây lây nhiễm tại hơn 25 quốc gia. Mặc dù cho đến nay Ai Cập là quốc gia Châu Phi duy nhất có trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19, WHO cảnh báo, các hệ thống y tế của lục địa này không được trang bị đầy đủ để đối phó với một ổ dịch lớn và thúc giục các hoạt động hợp tác nhiều hơn giữa các nước Liên minh Châu Phi (AU). Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các thiết bị điều trị cần thiết như máy hỗ trợ hô hấp đang "thiếu hụt ở nhiều nước Châu Phi và đó là một nguyên nhân gây lo ngại”.
KHẢ ANH
Iran cáo buộc truyền thông nước ngoài lợi dụng virus “cản trở” cử tri bầu cử Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 23-2 cáo buộc truyền thông nước ngoài cố tình lợi dụng đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Iran để “ngăn cản” các cử tri bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia Trung Đông. Cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 21-2, hai ngày sau khi Iran thông báo về sự bùng phát COVID-19. Trên trang mạng chính thức của mình, ông Khamenei cho rằng: "Sự tuyên truyền tiêu cực này đã bắt đầu một vài tháng trước và tăng cường mạnh hơn khi gần tới cuộc bầu cử và đặc biệt là trong hai ngày qua, với chiêu bài dịch bệnh, các hãng truyền thông nước ngoài đã không bỏ lỡ cơ hội dù là nhỏ nhất để ngăn cản người dân đi bỏ phiếu. Ông Khamenei cũng hoan nghênh "sự tham gia đông đảo" của người dân trong cuộc bỏ phiếu, với kết quả sơ bộ cho thấy các chính khách, chính đảng theo đường lối dân tộc của ông Khamenei dường như sẽ giành được thế đa số đáng kể. T.NGUYÊN Các chuyên gia Mỹ bác bỏ thuyết âm mưu về nguồn gốc của Covid-19 Nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ tại Đại học California, Berkeley (UC Berkeley), ông Arthur Reingold nhận định, chủng mới của virus Corona “truyền tự nhiên từ động vật sang người” chứ không phải được tạo ra trong một số nghiên cứu vũ khí sinh học", bác bỏ thuyết âm mưu về nguồn gốc Covid-19 để ủng hộ các chuyên gia y tế Trung Quốc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Reingold nhấn mạnh: “Tôi thực sự không nghĩ rằng virus được tạo ra trong một số nghiên cứu vũ khí sinh học. Tôi nghĩ rằng nó truyền tự nhiên từ động vật sang người”. Ông William Schaffner, Giám đốc y tế thuộc Quỹ quốc gia về bệnh truyền nhiễm, một tổ chức có trụ sở tại Washington - cũng có ý kiến tương tự. Trong khi đó, Ria Novosti ngày 23-2 dẫn báo cáo của các nhà khoa học ở Trung Quốc lưu ý rằng, nguồn nCoV không phải từ chợ thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán như kết luận trước đây. Virus có thể tới đó bằng cách lây truyền từ người sang người, và nguồn bệnh là một bệnh nhân nào đó đến từ nơi khác. Sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém đã trở thành môi trường thuận lợi để nCoV lây lan trong người dân. T.VĂN Chủ tịch Tập Cận Bình họp để phối hợp kiểm soát dịch bệnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23-2 tham dự cuộc họp tại Bắc Kinh nhằm thúc đẩy công tác phối hợp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 cũng như phát triển kinh tế và xã hội. Tại cuộc họp này, ông Tập đã có bài phát biểu quan trọng. Cuộc họp diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì và có sự tham dự của các quan chức cấp cao Trung Quốc gồm các ông Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, đã có thêm 97 ca tử vong trong ngày 22-2 tại Trung Quốc Đại lục, nâng tổng số ca tử vong lên thành 2.442 người. Có thêm 648 trường hợp mới nhiễm, nâng tổng số người bị nhiễm tại Đại lục lên 76.936 người. T.LINH |