Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ bùng phát mạnh
Tính đến ngày 22-5, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại TT-Huế đã bùng phát thêm ở địa bàn TX Hương Thủy. Như vậy, trong số 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh thì có đến 1/3 số địa phương có dịch. Trong khi đó, để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, Đà Nẵng cũng đang căng mình phòng chống.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe chở lợn lưu thông trên QL1A qua địa bàn TT-Huế. |
Nguy cơ lây lan rất cao
Ngày 19-5, tại hộ bà Dương Thị Thưởng (77 đường Nguyễn Khoa Văn, P. Phú Bài) có nhiều con lợn chết không rõ nguyên nhân. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đến lấy mẫu máu gửi xét nghiệm, đồng thời hướng dẫn hộ bà Thưởng tiêu hủy những con lợn chết bằng cách chôn lấp và rắc vôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh. Đến tối 21-5, kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy, số lợn trên dương tính với virus DTLCP. Ngay lập tức, lực lượng chức năng thị xã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy đàn lợn còn lại của hộ bà Thưởng và triển khai các biện pháp dập dịch, khoanh vùng, tăng cường tiêu độc khử trùng các vùng lân cận. Ông Nguyễn Đăc Tập - Phó Chủ tịch UBND TX Hương Thủy thông tin, thị xã đã tiến hành họp khẩn với các địa phương trên địa bàn để có phương án ngăn ngừa lây lan, đồng thời, chỉ đạo UBND P. Phú Bài bố trí địa điểm chôn lấp phù hợp và hướng dẫn hộ bà Thưởng kê khai để hỗ trợ. Ông Đồng Sỹ Toàn - Trưởng phòng Kinh tế TP Huế cho biết, tại địa bàn TP Huế, sau khi hộ bà Nguyễn Thị Huệ ở P. An Tây xuất hiện ổ dịch đầu tiên, TP Huế đã trích ngân sách hỗ trợ thiệt hại cho gia đình bà Huệ với mức hỗ trợ là 38 ngàn đồng/kg lợn hơi. TP Huế đang tập trung tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc "năm không", đồng thời chỉ đạo 27 phường trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, tiêu độc khử trùng tại các hộ nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về sức khỏe và kinh tế cho người dân. Ông Nguyễn Xuân Ty - Chủ tịch UBND TX Hương Trà cho biết, tính đến sáng 22-5, Hương Trà có 13 hộ ở 5 xã, phường (Hương Chữ, Hương Văn, Hương Phong, Hương An và Hương Vinh) có lợn chết dương tính với DTLCP; số lợn tiêu hủy gồm cả lợn nái và lợn thịt. Do việc chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu trong các hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, mật độ dày nên nguy cơ dịch lây lan là rất cao.
Chủ tịch UBND TX Hương Trà Nguyễn Xuân Ty cho rằng, hiện đang là thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" của công tác phòng chống dịch. Do đó, ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý, chôn lấp, vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực ổ dịch và vùng lân cận, Chủ tịch UBND TX Hương Trà cũng yêu cầu các địa phương có phương án dự phòng chống dịch: chuẩn bị các vị trí chôn lấp, lực lượng, thiết bị, phương tiện vận chuyển tránh bị động khi thực hiện. Ngoài ra, thị xã cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí phòng chống dịch ngoài kinh phí của địa phương.
Hiện, tỉnh TT-Huế đang duy trì 10 chốt kiểm dịch (chưa bao gồm các chốt kiểm dịch nhỏ của địa phương có dịch) chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành, công an, quân đội, thị trường phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển; giám sát xử lý nhanh kể cả những trường hợp nghi ngờ bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng. Tại các điểm giết mổ gia súc, lực lượng thú y làm việc 24/24 giám sát việc xuất nhập, không để lợn bệnh đưa vào lò mổ và phun tiêu độc khử trùng khi phương tiện vào ra trong suốt quá trình nhốt, giết mổ.
Tiêu độc, khử trùng ở các tuyến đường gần khu vực có dịch. |
Đà Nẵng họp khẩn
Trước tình hình xuất hiện ổ DTLCP tại địa phương giáp ranh là Quảng Nam và TT - Huế, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã tổ chức họp khẩn để triển khai các biện pháp phòng chống, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn. Bà Trần Thị Tài - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP cho biết, hàng ngày có khoảng 15-18 xe vận chuyển từ 2.700-3.300 con lợn các tỉnh phía Bắc vào phía Nam đi qua TP, đồng thời Quảng Nam là tỉnh mới phát sinh DTLCP nên nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn Đà Nẵng là rất lớn. Theo bà Tài, hiện Chi cục đang tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn trên địa bàn; tổ chức triển khai cho các cơ sở giết mổ lợn thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ, các khu vực xung quanh cơ sở giết mổ, cống rãnh, khu chăn nuôi nhốt động vật, khu thu gom xử lý chất thải. Chi cục cũng phân công cán bộ thú y thường xuyên giám sát, kiểm tra vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các cơ sở giết mổ. Bên cạnh đó, Chi cục bổ sung cán bộ thú y tại Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước, đảm bảo trực 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn lưu thông qua trạm và nhập vào TP, thực hiện tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển lợn. Đồng thời, Chi cục xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Bà Tài cho biết thêm, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP cấp gần 7.500 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh DTLCP. Hiện Chi cục đang đôn đốc các địa phương tiếp tục nhận hóa chất và giám sát việc vệ sinh tiêu độc khử trùng. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành có liên quan triển khai phương án ứng phó khẩn cấp ban đầu khi dịch xảy ra đối với DTLCP trên địa bàn TP, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, xử lý khoanh vùng, tiêu hủy theo đúng quy trình khi phát hiện lợn bị bệnh, nghi bị bệnh theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch.
Chia sẻ về công tác phòng, chống bệnh DTLCP, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, H. Hòa Vang Nguyễn Kế Hiệp cho biết, hiện trên địa bàn xã có hơn 4.000 con lợn, chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, cán bộ thú y xã Hòa Khương đã hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tổ chức tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nơi kinh doanh giết mổ; đồng thời phổ biến, tuyên truyền, cấp phát tờ rơi để người chăn nuôi và người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch và thực hiện các biện pháp chủ động ngăn chặn dịch bệnh. Theo ông Hiệp, hiện nay, DTLCP đã xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, do đó, những ngày tới, xã Hòa Khương sẽ phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP thành lập chốt kiểm dịch tại cửa ngõ giáp ranh với xã Đại Hiệp, (H. Đại Lộc, Quảng Nam) nhằm kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn lưu thông, nhập vào TP.
Ông Lý Hồng Ý, nhân viên thú y cơ sở xã Hòa Châu, (H. Hòa Vang) cho hay, hiện trên địa bàn xã có 1.200 con lợn; trong đó tập trung tại thôn Giáng Đông với tổng số 900 con, chủ yếu nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Hầu hết hộ nuôi đều tận dụng thức ăn thừa để nuôi lợn nên nguy cơ xảy ra DTLCP là rất lớn. Thời gian tới, xã Hòa Châu sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch như tổ chức vãi vôi bột, phun thuốc sát trùng cho hộ chăn nuôi để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại...
Giám đốc Sở NN&PTNT TP Nguyễn Phú Ban đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền, thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ; huy động nhân lực tại chỗ; huy động vật lực tại chỗ; huy động phương tiện tại chỗ); thường xuyên theo dõi đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, lợn ốm và chết không rõ nguyên nhân phải báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh để xử lý kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Ban yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Công an TP kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các cửa ngõ giao thông vào TP cũng như các trục giao thông từ TP đi các tỉnh. Bên cạnh đó, các lực lượng tăng cường giám sát, yêu cầu tất cả cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, đơn vị kinh doanh thịt lợn chỉ tiếp nhận, phân phối lợn và thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
H. LAN - H.N