Báo Công An Đà Nẵng

Dịch tả lợn hoành hành, người nuôi vẫn chủ quan

Thứ hai, 05/08/2019 14:01

Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) ở TT-Huế vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Thay vì tích cực tham gia phòng chống dịch thì trái lại nhiều người chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan khiến mầm bệnh lây lan nhanh.

Số lượng lợn chết trên địa bàn tỉnh TT - Huế tăng cao khiến việc tìm chỗ chôn lấp rất khó khăn.

Dịch lây lan nhanh

Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, tính đến ngày 4-8, DTLCP diễn ra ở 9/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Số lợn tiêu hủy 51.858 con với tổng trọng lượng tiêu hủy  2.936.824 kg. Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh có 4 xã có dịch bệnh qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh gồm: Phong Sơn (H. Phong Điền); Phú Dương, Phú Vang (H. Phú Vang) và Vinh Hiền (H. Phú Lộc).

Tại xã Phú Dương, một trong những địa bàn tập trung nhiều hộ chăn nuôi lợn ở TT-Huế, người chăn nuôi "đứng ngồi không yên" trước tình trạng DTLCP hoành hành. "Hầu hết người dân ở đây đều trông cậy vào nguồn thu nhập từ việc làm ruộng và nuôi lợn. Gần 3 tháng nay, khi dịch bùng phát, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây khoảng 2 tuần, khi nghe cán bộ thú y xã thông báo dịch đã qua 30 ngày nên các hộ chăn nuôi cứ nghĩ là dịch ở xã mình đã hết nhưng không ngờ, dịch bùng phát trở lại. Con cái sắp nhập học, đủ thứ tiền phải trang trải nhưng tình trạng này kéo dài thì nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn"- bà Trần Thị Tranh (trú xã Phú Dương) ngao ngán.

Ông Nguyễn Khai - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hương Thủy thông tin, tính đến ngày 2-8, TX Hương Thủy có 12/12 xã, phường mắc DTLCP. Hơn 1.100 hộ chăn nuôi ở thị xã có lợn bị nhiễm dịch, làm chết và tiêu hủy 4.899 con khiến rất nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Theo ông Khai, ước tính thiệt hại hơn 9 tỷ đồng. "Ngoài chưa có thuốc đặc trị khiến khó khăn trong việc khống chế dịch, vẫn còn một số hộ chăn nuôi vứt xác lợn chết ra môi trường khiến DTLCP đang có xu hướng bùng phát mạnh"- ông Khai nhận định.

Nguồn thức ăn dư thừa tại một nhà hàng được hộ chăn nuôi mang về cho lợn ăn.

Tuyệt đối không sử dụng thức ăn dư thừa

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh TT-Huế, trên cơ sở xác định cơ chế lây lan của dịch thì 40% nguy cơ xuất phát từ việc vận chuyển và tiếp xúc với người, sinh vật trung gian mang mầm bệnh và 60% nguy cơ từ "nước mã"- nguồn thức ăn dư thừa. Mặc dù, thời gian qua, cán bộ thú y cơ sở đã liên tục tuyên truyền đến người chăn nuôi không nên cho lợn ăn thức ăn dư thừa từ các hộ gia đình, quán ăn và nhà hàng nhưng người chăn nuôi vẫn chủ quan. Bà Nguyễn Thị Kim S. (trú xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy)- người chăn nuôi lợn cho biết: "Tôi có nghe nói không nên cho lợn ăn thức ăn thừa vì rất dễ xảy ra dịch tả nhưng bao đời nay người chăn nuôi đều cho ăn như vậy. Ngày nào tôi cũng đến các nhà hàng, quán ăn lấy nước mã về cho lợn ăn".

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Hưng khẳng định, thức ăn tận dụng từ các nhà hàng, hộ gia đình chính là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu. "Người chăn nuôi nên tự phối trộn thức ăn, đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung men để tăng tiêu hóa và giảm mùi hôi. Nguyên liệu sử dụng phối trộn phải khô, không ẩm mốc, ngũ cốc phải còn nguyên hạt, không dập vỡ. Nếu phải mua thức ăn ngoài, người chăn nuôi phải lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có uy tín, thức ăn thơm ngon, còn hạn sử dụng, tơi xốp, không ẩm mốc..."- ông Hưng khuyến cáo.

Cũng theo ông Hưng, trong lúc chờ các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra vaccine, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Người chăn nuôi phải xây dựng tách biệt các chuồng, trại chăn nuôi với nhau và giữa khu vực chăn nuôi với khu vực sinh sống. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn sinh học, các trang trại cần kiểm soát con giống, tốt nhất nên sử dụng con giống tại chỗ để hạn chế việc di chuyển vật nuôi từ vùng này sang vùng khác, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu phải nhập lợn từ ngoài khu vực chăn nuôi phải chọn mua con giống khỏe mạnh từ cơ sở an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ. Không nên nhập giống mới ngay vào đàn đang nuôi mà phải nuôi cách ly đàn mới mua về ít nhất 2 tuần, càng xa chuồng đang nuôi càng tốt. Đối với những chuồng, trại chăn nuôi mới xảy ra dịch bệnh hạn chế tái đàn nếu không đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi có dịch chưa qua 30 ngày không được tái đàn. Đối với các ổ bệnh đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn bệnh thì người chăn nuôi mới được tái đàn nhưng với quy mô bằng khoảng 10% so với ban đầu để theo dõi, tuyệt đối không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu bệnh không phát sinh mới thực hiện tái đàn tiếp.

H.LAN