Báo Công An Đà Nẵng

Điểm mặt những “cao thủ” lừa đảo qua mạng xã hội

Thứ bảy, 29/12/2018 10:40

Với sự phát triển và phổ quát như  hiện nay, mạng xã hội đã đem lại nhiều tiện ích cho mọi người trong việc kết nối với nhau. Nhưng, bên cạnh sự tiện ích đó cũng kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là tình trạng kẻ xấu lợi dụng “chìa khóa công nghệ” để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Một trong những địa phương có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo đó là H. Duy Xuyên (Quảng Nam), nhiều đến nỗi nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ” lừa đảo qua mạng. Ngoài những đối tượng bị bắt tại các tỉnh thành khác, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) CATP Đà Nẵng liên tục phát hiện, bắt nhiều đối tượng tham gia lừa đảo. Điển hình như vụ khởi tố, bắt giam Nguyễn Trường Xuân (1998, trú khối phố Châu Hiệp, TT Nam Phước, H. Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Một trinh sát Phòng CSKT kể: Xuân vốn là sinh viên một trường cao đẳng, nhưng thời gian “ăn dầm nằm dề” ở quán Internet nhiều hơn đến giảng đường. Từ đây, Xuân học được “chiêu” lập và quản trị nhiều website giả mạo để lừa đảo. Xuân lập một website có giao diện giống với website của một Cty giải trí rồi đăng thông tin: “Nếu nạp thẻ card điện thoại qua website này sẽ nhận được khuyến mãi gấp 10 lần giá trị thẻ card vào điện thoại cá nhân và nhận được các gói quà trong game online của hệ thống…”. Khi người chơi đăng nhập website giả mạo bằng tài khoản của mình lập tức thì bị Xuân chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản. Do đó, khi người chơi nạp thẻ cào điện thoại tại trang website này để hưởng khuyến mãi thì website sẽ tự động nạp vào các tài khoản điện tử của Xuân. Trong quá trình đấu tranh, Xuân khai nhận đã lừa đảo chiếm đoạt được hơn 1.400 thẻ cào điện thoại các loại với hơn 66.000 tài khoản game garena, tổng số tiền thiệt hại ước tính hơn 140 triệu đồng.



Lực lượng CS Kinh tế CATP Đà Nẵng bắt rất nhiều đối tượng tại Duy Xuyên tham gia lừa đảo qua mạng xã hội thời gian gần đây.

Tương tự, trong Chuyên án CNC916, Phòng CSKT đã bắt 2 đối tượng: Hồ Tấn Linh (1992) và Huỳnh Văn Trung (1996, cùng trú H. Duy Xuyên) về hành vi lừa đảo với thủ đoạn như trên. Linh và Trung lập ra các trang web rồi đăng thông tin trúng thưởng kèm theo số điện thoại để mọi người liên lạc. Khi bị hại nhận được tin nhắn đã làm theo chỉ dẫn trên trang web và liên hệ với các đối tượng cách làm thủ tục nhận thưởng. Thông thường, nhóm đối tượng này hướng dẫn mọi người mua thẻ cào điện thoại các mệnh giá khác nhau nạp trực tiếp vào các trang web hoặc gửi số seri, mã thẻ cào để chúng “hỗ trợ” hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Do trang web chúng lập ra rất tinh vi, gây sự chú ý cao nên hầu như bị hại tham gia kết bạn đều sập bẫy. Khi “con mồi” cắn câu, chúng lập tức quy đổi các thẻ cào thành tiền mặt bằng cách chuyển qua các tài khoản tại trang web như vippay.vn, gamebank.vn và megacard.vn… rồi kích hoạt thao tác chuyển tiền về tài khoản ngân hàng của chúng. Trong chuyên án này, Phòng CSKT xác định Linh và Trung đã lừa tổng cộng hơn 100 bị hại, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng…

Theo lãnh đạo Phòng CSKT CATP Đà Nẵng, bên cạnh hành vi lập web ảo lừa thẻ cào, hàng loạt đối tượng khác có hộ khẩu thường trú tại H. Duy Xuyên đã sử dụng chiêu lừa thông qua các chương trình “tri ân khách hàng”, “tuần lộc vàng” của mạng zalo, facebook để đưa hàng trăm khách hàng vào tròng chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Hình thức chúng đưa ra là trúng xe các loại xe mô-tô giá trị lớn, nhưng sau khi bị hại chuyển tiền làm hồ sơ nhận thưởng, chúng lập tức tắt máy. Ví dụ như vụ bắt giữ đối tượng Phạm Thanh Lam (1993, trú xã Duy Hải, H. Duy Xuyên) về hành vi lừa đảo mua bán tiền giả qua mạng xã hội. Để thực hiện hành vi, Lam lập một tài khoản zalo sau đó đăng quảng cáo với nội dung “mua bán tiền giả y như thật” với tỷ lệ 1 ăn 6,5 (tức 1 triệu đồng tiền thật đổi lấy 6,5 triệu tiền giả). Khi có khách, Lam điện thoại hẹn địa điểm cụ thể giao tiền rồi dùng 2 tờ tiền thật kẹp bên ngoài cọc tiền âm phủ sau đó bọc vào bao ni-lông trong suốt. Lúc đến điểm “giao hàng”, Lam nhận tiền thật rồi phóng xe tẩu thoát.

Trong vòng 4 năm trở lại đây, Phòng CSKT CATP Đà Nẵng đã khám phá thành công khoảng 15 vụ, chuyên án với hàng chục đối tượng có liên quan tham gia lừa đảo. Trong tháng 12-2018, Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng đã lật tẩy chiêu lừa của 3 đối tượng Lê Ngọc Minh Hoàng (1998), Phạm Thanh Hải (1998) và Lương Thành Quốc Huy (1998, cùng trú H. Duy Xuyên). Kết quả điều tra ban đầu, từ đầu năm 2018 đến nay, Hoàng và Hải lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội zalo, facebook, viber… đăng thông tin bán xe máy do công ty thanh lý, như: SH, Liberty, Lead, Air Blade… với giá rẻ để lừa hơn 300 bị hại, chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng. Đường dây lừa đảo này khá tinh vi khi làm giả giấy tờ xe máy, “đặt mua” tài khoản ATM của sinh viên để nhận tiền chuyển khoản của các bị hại. 

Bài viết này một lần nữa cảnh báo thêm với tất cả mọi người nên cẩn trọng với những “siêu phẩm khuyến mãi” qua mạng xã hội. Không chỉ cảnh giác trước những thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, khi người dân phát hiện có hành vi lừa đảo qua mạng Internet cần báo ngay cho cơ quan CA để kịp thời ngăn chặn.

CÔNG HẠNH