Điểm mặt những “nữ quái” lừa đảo siêu hạng (Bài cuối: Đổi niềm tin chiếm tiền tỷ)
Những vụ lừa đảo do các nữ “cao thủ” thực hiện với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau khiến nhiều người điêu đứng. Trong số đó, đa phần các bị hại vì quá tin người nên đã rơi vào cảnh mất tiền. Nhiều người vì muốn vớt vát lại tiền bạc với niềm hy vọng mong manh nên đành “phóng lao thì phải theo lao”.
Võ Thị Sóc lúc bị bắt.
Tin người, mất của
Lê Thị Kim Khánh (1982, tạm trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) từng là Giám đốc quan hệ khách hàng của một ngân hàng có trụ sở tại quận Liên Chiểu nên có mối quan hệ với nhiều khách hàng. Lợi dụng điều này, Khánh đã đi “cửa sau” để huy động vốn đầu tư từ những “thượng đế” này kèm lãi suất hấp dẫn. Khi mất khả năng chi trả, Khánh viện lý do trên trời để bào chữa.
Dáng người mảnh khảnh, giọng điệu ngon ngọt, Khánh lợi dụng lòng tin để lừa tiền của khách hàng kiểu: “Em hỗ trợ cho khách để vay bên ngân hàng em mua đất, trong vòng 1 tuần đến 10 ngày, ngân hàng em giải ngân sẽ trả lại cho chị” hay “Em có người nhà và người quen mua đất nhưng thiếu tiền, anh cho Khánh mượn đỡ mấy ngày, Khánh làm thủ tục hồ sơ cho họ vay ngân hàng rồi Khánh chịu trách nhiệm trả lại cho anh. Khi ngân hàng giải ngân, Khánh sẽ trả liền”. Để khách hàng tin tưởng, Khánh đã thỏa thuận với lãi suất cao hơn ngân hàng và trả lãi theo chu kỳ 10 ngày/lần. Với thủ đoạn đó, Khánh lừa nhiều người và chiếm đoạt tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.
Thời gian đầu, Khánh trả lãi đều đặn cho các bị hại. Thế nhưng đến khoảng tháng 10-2019, Khánh mất khả năng chi trả tiền cho các bị hại nên bị tố cáo. Quá trình làm việc tại Cơ quan điều tra, Khánh không thành khẩn khai báo, luôn thay đổi về lời khai của mình. Để đối phó, Khánh cho biết đầu tư bất động sản ở Hồng Kông và giao tiền cho người phụ nữ ở Cộng hòa Czech. Cơ quan CSĐT phải rất khó khăn để xác minh các thông tin do Khánh đưa ra và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với nhiều cơ quan liên quan trong và ngoài ngành Công an để điều tra, xác minh thông tin. Đến tháng 5-2021, bằng tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an xác định Lê Thị Kim Khánh đã có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên khởi tố và bắt tạm giam.
Lê Thị Kim Khánh bị bắt về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Những “thánh nổ” giở chiêu lừa
Cũng lợi dụng lòng tin của người khác, Võ Thị Sóc (1974, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sử dụng tên giả rồi “nổ” là quen biết Công an và có khả năng giải quyết giúp việc đòi nợ. Khi lừa được hơn 500 triệu đồng, bà Sóc cắt đứt liên lạc với bị hại. Đây không phải là chiêu thức mới, song vì tâm lý cần sự giúp đỡ lúc cùng đường nên nhiều người sa vào bẫy.
Khoảng tháng 4- 2020, thông qua người quen, bà V. tìm gặp người phụ nữ có tên Dung Hà (trú Đà Nẵng) để nhờ bán nhà. Qua tâm sự, bà Hà biết bà V. đang bị ông B. (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nợ số tiền gần 9,5 tỷ đồng. Lúc này, Hà “nổ” mình có người quen làm trong ngành Công an có thể lấy lại được số tiền trên cho bà V. Phí lo liệu công chuyện mà bà Hà đưa là 500 triệu đồng. Những lần sau, bà Hà luôn miệng kể về mối quan hệ với ông này, bà kia đang công tác trong ngành Công an, Tòa án và cam kết chỉ sau 25 ngày sẽ đem số tiền ông B. nợ về trả cho bà V. Tin lời Hà, bà V. nhiều lần đưa tiền cho Hà tổng cộng 530 triệu đồng. Tuy nhiên sau thời gian dài, bà V. không thấy khả quan và biết mình bị lừa nên tố cáo. Về phần mình, bà Hà lặng lẽ âm thầm bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Tiếp nhận thông tin Cơ quan CSĐT xác định người phụ nữ tên Dung Hà có tên thật là Võ Thị Sóc. Đến tháng 6-2021, bà Sóc bị bắt. Thời điểm công bố lệnh bắt tạm giam, bà Sóc không chịu hợp tác và cho rằng mình không lừa. Tuy nhiên trước các tài liệu, chứng cứ thu thập được, bà Sóc bị khởi tố hình sự và tạm giam 4 tháng để phục vụ điều tra. Thời gian trong Trại tạm giam, bà Sóc sẽ có đủ thời gian suy ngẫm, nhận ra lỗi lầm của mình.
Niềm tin đặt nhầm chỗ, nhiều bị hại chỉ còn biết trách mình khi quá tin người. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã và đang xử lý nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản các đối tượng nữ thực hiện. Có thể nhắc đến như vụ bà Đào Thị Như Lệ lừa đảo chiếm đoạt hơn 41 tỷ đồng. Hay trước đó, vào tháng 5-2021, TAND TP Đà Nẵng cũng đã tuyên án chung thân đối với bà Bùi Thụy Thùy Trang (1972) khi lừa đảo nhiều bị hại với số tiền hơn 26 tỷ đồng. Bản án thích đáng sẽ dành cho kẻ phạm tội. Nhưng trước hết, người dân cần cảnh giác, tỉnh táo trước các thủ đoạn lừa đảo, tránh rơi vào bẫy rồi tiền mất, gia đình cũng tan hoang vì nợ nần.
MAI VINH
>>Điểm mặt những “nữ quái” lừa đảo siêu hạng (Bài 1: Lời ngon ngọt hóa cạm bẫy)