Báo Công An Đà Nẵng

"Điểm nóng" nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Thứ sáu, 30/06/2017 10:10

(Cadn.com.vn) - Ngoài Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan là những nơi được xem là có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân cao nhất, trang tin Nationalinterest.org (NIO) của Mỹ nhận định.

Pakistan hiện có khoảng 110-130 vũ khí hạt nhân các loại.

Tiềm năng vũ khí hạt nhân Ấn Độ: "kẻ nửa cân"

Ấn Độ và Pakistan từng là đối thủ của nhau kể từ năm 1947, khi cả hai được tách ra từ sự đô hộ của đế quốc Anh. Từ đó, hai quốc gia này từng 4 lần chiến tranh, năm 1947, 1965, 1974, 1999, và suýt xảy ra vụ thứ 5 hồi năm 2008. Trong số này có cuộc chiến Kargil 1999 được xem là đặc biệt nguy hiểm, bởi cả hai đều chuẩn bị dùng tới sức mạnh hạt nhân.

Ấn Độ từng thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên có tên "Đức Phật mỉm cười" vào tháng 5-1974. Quốc gia này đã hoãn các cuộc thử nghiệm hạt nhân đến tháng 5-1998, sau đó mới tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, 4 vụ thử sự phân hạt nhân và một quả bom nhiệt hạch (nhưng không thành công hoàn toàn). Đến nay, Ấn Độ có khoảng 90-110 đầu đạn hạt nhân. Kho vũ khí này giúp Ấn Độ phản ứng linh hoạt trước nguy cơ tấn công phủ đầu của một quốc gia hạt nhân khác. Quốc gia Nam Á này hiện đang có chính sách "Không sử dụng hạt nhân trước", cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong trường hợp xảy ra xung đột với nước khác.

Lực lượng tấn công hạt nhân trên không của Ấn Độ gồm 272 máy bay tiêm kích hai động cơ Su-30MK1 mua từ Nga, 66 phi cơ MiG-29 và 55 máy bay chiến đấu Mirage 2000. Ít nhất, một số máy bay nói trên đã được nâng cấp mang được cả vũ khí hạt nhân. Tên lửa đất liền gồm cả tên lửa đạn đạo chiến thuật Prithvi. Với tầm bắn tuy ngắn, gần 150km nhưng có thể chống lại các mục tiêu chiến thuật của đối phương, chẳng hạn như căn cứ không quân, pháo binh tập trung, trụ sở hoặc kho tàng.... Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngắn, trung bình và tên lửa liên lục địa Agni 1-5 đại diện cho cả kho vũ khí chiến thuật và hệ thống tầm xa của Ấn Độ đều có khả năng tấn công các mục tiêu vũ khí hạt nhân, các thành phố, cảng biển và các tiền đồn có giá trị khác của Pakistan.

Cuối cùng, Ấn Độ hiện đang bắt tay xây dựng hải đội gồm 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo do tàu INS Arihant, "kẻ hủy diệt" của Hải quân dẫn đầu. Được hỗ trợ bởi hải quân, các tàu ngầm lớp Arihant sẽ tạo ra gọng kìm tấn công thứ hai, có khả năng tạo ra cuộc trả đũa cực kỳ khốc liệt, với sức tàn phá khủng khiếp.

Pakistan: "Người 8 lạng"

Theo NIO, Pakistan ước tính có từ 110-130 vũ khí hạt nhân, một số đang được phát triển. Không giống Ấn Độ, Pakistan dường như không có tiềm năng mạnh về vũ khí này, và không có chính sách "Không sử dụng hạt nhân trước". Năm 2015, Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie và Trung tâm Stimson ước tính, khả năng chế tạo bom hạt nhân của Pakistan vào khoảng 20 quả mỗi năm. Với tốc độ nói trên, Pakistan có thể dễ dàng trở thành quốc gia năng lượng hạt nhân lớn thứ 4 hoặc thậm chí thứ 3 thế giới trong tương lai gần.

Và cũng như Ấn Độ, Pakistan cũng đang phát triển "bộ ba" vũ khí hạt nhân, gồm máy bay tấn công hạt nhân, tên lửa đất liền và tàu ngầm. Islamabad được cho là có cả máy bay chiến đấu F-16A do Mỹ chế tạo và máy bay chiến đấu Mirage của Pháp để ném bom hạt nhân. Hệ thống tên lửa trên đất liền có hàng loạt các tên lửa di động Hatf, kể cả tên lửa nhiên liệu rắn Hatf-III. Thậm chí cả tên lửa tầm xa Hatf VI đã được đưa vào hoạt động mới đây. Nhằm đối phó với các mối đe dọa trên quần đảo Nicobar và Andaman, Pakistan đang phát triển tên lửa tầm xa IIIintermediate Shaheen, khả năng tấn công các mục tiêu ngoài cự ly hơn 2.730km.

Nam Á sẽ ra sao nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra?

Cuộc chiến hạt nhân ở Nam Á sẽ bắt đầu như một cuộc chiến tranh bình thường, được khơi mào bằng những xung đột trên biên giới.

Việc leo thang không kiểm soát có thể dẫn tới xung đột giữa lực lượng không quân và hải quân của cả hai bên. Đặc biệt, khi những chiếc xe tăng tràn sang, tiến vào các thành phố lớn, lúc này việc dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật là điều khó tránh. Mặc dù vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể ổn định mặt trận, nhưng nó sẽ tạo ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn diện. Khi chiến tranh hạt nhân bùng nổ, áp lực leo thang, trả thù sẽ là hậu quả đánh đổi sinh mạng của hàng triệu người người dân. Ví dụ, một thiết bị nhiệt hạch nặng 100 kiloton (loại mà Ấn Độ đã từng thử nghiệm năm 1998) nhằm vào Islamabad, nó có thể giết chết tới 225.000 người và khiến ít nhất 442.000 người khác bị thương.

Trong khi đó, vũ khí hạt nhân Pakistan sử dụng để tấn công Ấn Độ, dù công suất thấp, nhưng thiệt hại cũng không hề nhỏ. Ví dụ, một quả bom 50 kiloton rơi xuống New Delhi sẽ giết chết 468.000 người và làm bị thương 1,5 triệu người khác. Nếu rơi vào Mumbai cũng có  thiệt hại tương tự, còn rơi vào Jaipur sẽ khiến ít nhất 1,3 triệu người thương vong. Thực tế, không bên nào muốn chiến tranh nhưng mối nguy tiềm ẩn vẫn đang chực chờ.

KIM HÙNG (Theo Nationalinterest)