Báo Công An Đà Nẵng

“Điểm nóng” phá rừng phòng hộ sông Tranh (Kỳ 1: Thâm nhập “điểm nóng”)

Thứ năm, 21/03/2019 22:00

Rừng phòng hộ (RPH) Sông Tranh thuộc địa phận H. Bắc Trà My (Quảng Nam) từng là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng sau khi thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2) tích nước. Việc di dời người dân vào giữa RPH để sống được các ngành chức năng ví như “thả chuột vào lọ mỡ”. Bởi tại đây, thiếu đất canh tác, không nghề nghiệp, người dân không còn con đường nào khác là phá rừng để mưu sinh. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc, những năm gần đây, “điểm nóng” phá rừng do người dân địa phương gây ra phần nào đã giảm. Tuy nhiên vẫn còn các đối tượng ngoài địa phương móc nối tổ chức khai thác rừng tại đây quy mô lớn. Điều đáng nói, sự việc trên diễn ra trong thời gian dài, người dân biết, báo chí biết nhưng chủ rừng và cơ quan chức năng địa phương... chưa biết (!?). Hậu quả, hàng chục héc-ta rừng tự nhiên ít ỏi còn lại ở khu vực đầu nguồn này bị triệt hạ không thương tiếc.

Khu vực Hang Đá, nơi rừng đang bị phá.

Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng biết thông tin về tình trạng phá rừng quy mô lớn tại khu vực RPH này từ năm 2018, tuy nhiên thời điểm đó đã là mùa khô, nước lòng hồ TĐST 2 cạn, việc di chuyển vào địa điểm phá rừng là không thể nên chúng tôi đành đợi đến mùa nước lớn sẽ quay lại. Ra Tết, khi lòng TĐST 2 đã tích đầy nước, việc di chuyển bằng ghe thuận lợi nhưng để có người đồng ý chở chúng tôi đi không phải dễ. Bởi đa số những người có ghe hoạt động trên lòng hồ này đều quen biết với “lâm tặc”. Họ ngại va chạm và sợ bị trả thù.

Sau nhiều lần kết nối, chúng tôi mới liên hệ được một người chấp nhận chở đi, nhưng giá tiền họ đưa ra cho chuyến đi trên là 2 triệu đồng. Chấp nhận tốn kém để thâm nhập điểm phá rừng, chúng tôi quyết định chọn thời điểm thích hợp để lên đường.

Lán trại của “lâm tặc” mọc lên khắp rừng.

Sau khi hẹn thời gian và địa điểm, chúng tôi để xe máy bên bờ hồ TĐST 2 rồi xuống chiếc ghe máy mà người đàn ông tên B. đã đợi sẵn. Chiếc ghe cũ kỹ, dập dềnh lướt trên mặt hồ dợn sóng thẳng tiến vào thượng nguồn Sông Tranh. Sau gần 2 giờ di chuyển bằng ghe máy, chúng tôi bắt đầu thấy dấu vết của “lâm tặc” khi những đường mòn xuất hiện bên triền hồ. “Khu vực này không có nương rẫy, không dân cư ở nhưng lại có những đường mòn trên đó chính là đường vận chuyển gỗ của lâm tặc”, ông B. bật mí. Cạnh đó, nhiều con trâu không người trông coi thong thả gặm cỏ ven triền đồi. Càng đi, đường mòn càng xuất hiện nhiều. Song song với đó là những chiếc ghe nhỏ được neo đậu bên bờ sông.

Quyết định tấp vào một bến nhỏ nơi có 2 chiếc ghe máy neo đậu mà không có người, chúng tôi thẳng theo đường mòn để vào “điểm nóng”. Địa điểm này người dân gọi là khu vực Đá Hang, giáp với địa phận H. Nam Trà My. Từ bờ sông này, dấu vết của “lâm tặc” càng hiện rõ khi những con lăn bằng gỗ được lót dưới đất để “lâm tặc” thuận tiện trong việc di chuyển gỗ. Những chiếc ách dùng cho trâu kéo gỗ nằm ngổn ngang. Dưới bến sông, nhiều phách gỗ được tập kết chờ đưa về xuôi tiêu thụ.

Tiếp tục di chuyển vào bên trong rừng khoảng nửa giờ, tiếng máy cưa gầm rú inh ỏi cả góc rừng. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận gần đến nơi thì tiếng máy cưa bất ngờ tắt, những “lâm tặc” nhanh chóng lẩn trốn vào rừng. Hiện trường để lại cho thấy, chỉ một điểm nhỏ nhưng có khoảng 30 cây gỗ chuồn (thuộc nhóm III) đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang, mỗi cây dài hơn 30m, có cây đường kính 2 người ôm không xuể. Ngoài ra còn có nhiều loại cây gỗ khác đã bị lâm tặc chặt hạ, thân cây chưa ráo nhựa. Nhiều cây gỗ vừa mới cắt khúc 2 - 3m chưa kịp xẻ đưa ra khỏi rừng...



Chỉ một khoảnh nhỏ nhưng có đến hàng chục cây cổ thụ bị triệt hạ.

Dọc theo khu vực RPH có nhiều địa điểm khác cũng bị tàn phá không thương tiếc. Di chuyển theo dòng sông dễ dàng bắt gặp những cây gỗ lớn ven rừng đã bị lâm tặc “tỉa”, cành lá vẫn còn ngổn ngang. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài các con đường mòn để kéo gỗ còn có hàng chục lán trại được dựng lên ngay trong RPH trong thời gian dài. Trước khi rời khu vực Đá Hang, chúng tôi bắt gặp 2 ghe máy chở theo gần 10 người đáp vào một khe suối để lên bờ. Trên lưng mỗi người cõng những ba-lô nặng trĩu lầm lũi tiến vào trong rừng.

“Tình trạng phá rừng phòng hộ Sông Tranh diễn ra nhiều năm nay. Các đối tượng dùng trâu kéo gỗ từ nơi khai thác xuống bìa rừng, rồi tập kết ở sông. Sau đó dùng ghe máy loại lớn để kẹp gỗ 2 bên, vận chuyển vượt sông Tranh theo hướng đập chính ra QL40B và có ô-tô chở đi ngay trong đêm. Một chiếc ghe lớn có thể vận chuyển được 10- 20m3 gỗ. Trước đây các đối tượng có chở gỗ qua đập phụ, nhưng giờ người dân vận chuyển gỗ keo nhiều quá nên lâm tặc chuyển hướng, chỉ tập kết ở đập chính. Những chiếc ghe lớn ban ngày thường thấy neo ở đó đa số là ghe phục vụ việc chở gỗ lậu”, ông B. tiết lộ cho chúng tôi biết.

Việc rừng bị phá kéo dài như vậy cơ quan chức năng không biết hay sao? Chúng tôi hỏi, ông B. cho rằng có sự bảo kê nên “lâm tặc” mới lộng hành trong thời gian dài như vậy. “Việc bảo kê phá rừng ở đây hầu như người dân ai cũng biết. Nhưng chỉ biết thế thôi chứ không ai dám nói cả. Chuyện điều tra, làm rõ đường dây đó do ai tổ chức, ai bảo kê là chuyện của cơ quan chức năng”, ông B. chia sẻ.   

BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG

(còn nữa)