Báo Công An Đà Nẵng

“Điểm nóng” phá rừng phòng hộ sông Tranh (Kỳ cuối: Chủ rừng nói gì?)

Thứ sáu, 22/03/2019 18:00

Rời “điểm nóng” phá rừng phòng hộ (RPH) Sông Tranh, chúng tôi xuôi nguồn về lại hạ lưu đập thủy điện. Lúc này đã xế chiều, gió bắt đầu thổi mạnh, những cơn sóng lớn đánh vào mạn khiến chiếc ghe tròng trành, dập dềnh như chiếc lá đang trôi. Vượt qua những giờ phút hiểm nguy trên sông nước, cuối cùng chúng tôi cũng cập bến an toàn để đưa vụ phá RPH nghiêm trọng trên đến với độc giả.

Xe tải BKS 92K-7867 do chở 30 phách gỗ bị lực lượng CA tỉnh Quảng Nam bắt tại đập TĐST 2.

Sau chuyến thâm nhập thực tế trên, chiều 19-3, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lê Văn Trường- Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My kiêm Phó Giám đốc phụ trách BQL RPH Sông Tranh (chủ rừng), ông Trường cho biết, từ Tết đến nay, lực lượng Kiểm lâm của Hạt tăng cường chốt chặn tất cả các ngả đường mà “lâm tặc” thường hay hoạt động. Qua đó tình trạng vi phạm lâm luật giảm đáng kể.

“Trong dịp Tết vừa qua, chúng tôi đã tổ chức 14 đợt kiểm tra, theo đó phát hiện và lập biên bản 16 vụ vi phạm, tạm giữ 3  ô-tô, 1 xe máy, tổng khối lượng gỗ tạm giữ hơn 13m3. So với những năm trước thì năm nay tình trạng vi phạm lâm luật giảm đáng kể”, ông Trường thông tin.

Đường đi của “lâm tặc” vận chuyển gỗ đưa xuống lòng hồ Sông Tranh.

Khi chúng tôi đề cập đến vụ phá rừng ở đầu nguồn thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2) đã và đang diễn ra quy mô như vậy, trên cương vị Hạt phó phụ trách kiêm chủ rừng ông có nắm được không? Vấn đề này ông Trường cho rằng lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuần tra, chốt chặn nhưng vụ phá rừng trên ông chưa nắm được.

Theo ông Trường lý giải: “Bắc Trà My là địa bàn rộng, các tuyến giao thông đi lại trên địa bàn huyện khó khăn. Hiện nay, các phương tiện giao thông đường thủy khu vực lòng hồ TĐST 2 hoạt động tự do nên khó kiểm soát việc các đối tượng khai thác gỗ và săn bắn động vật rừng trái phép. Đa số các vụ việc xảy ra nằm ở khu vực xa khu dân cư nên việc tổ chức kiểm tra, truy quét và đưa các tang vật vi phạm về nơi tạm giữ rất khó khăn. Diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn quá lớn, lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng, cùng một lúc phải thực hiện nhiều công việc nên việc tập trung thực hiện chiến dịch đôi lúc chưa được chủ động và kịp thời”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phá rừng ở khu vực trên xảy ra kéo dài nhiều năm qua chứ không phải mới. Hiện trường cho thấy những đường mòn do trâu kéo gỗ để lại hằn sâu xuống đất hàng mét, lối mòn trong rừng lớn đến nỗi xe máy có thể lưu thông được. Và như người dân địa phương phản ánh, có cả đường dây tổ chức phá rừng và bảo kê nên “lâm tặc” mới hoạt động rầm rộ, kéo dài như vậy. Bởi vụ việc diễn ra thường xuyên và kéo dài nên điểm tập kết gỗ của “lâm tặc” ở khu vực đập chính và phụ của TĐST 2 nhiều lần bị cơ quan chức năng mai phục, bắt giữ gỗ lậu. Cụ thể, trước đó ngày 29-5-2018, từ tin báo của người dân, tại khu vực đập chính TĐST 2, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Quảng Nam đã tiến hành kiểm tra, phát hiện xe ô-tô tải BKS 92K - 7867 do đối tượng Vũ Duy Vĩnh (1989, trú xã Trà Giác, H. Bắc Trà My) điều khiển chở 30 phách gỗ xẻ gồm dổi, gõ (nhóm 1 đến nhóm 7, khối lượng gỗ quy tròn 8,96m3) không có dấu búa kiểm lâm, không có giấy tờ hợp lệ. Nguồn gốc số gỗ trên sau đó được xác định cũng từ thượng nguồn RPH Sông Tranh.

P.V Báo Công an TP Đà Nẵng trục vớt gỗ do “lâm tặc” tập kết nơi thượng nguồn Sông Tranh.

“Lâm tặc thường khai thác vài ngày rồi tập kết vận chuyển ra một lần. Khi ghe kết bè kéo ra thì đã có người của chúng ở khu vực đập. Nếu chúng thấy có lực lượng chức năng hoặc có điều gì đó bất ổn chúng sẽ điện thông báo cho người vận chuyển gỗ lái ghe quay trở lại thượng nguồn hoặc tập kết vào một điểm nào đó, khi nào thấy an toàn mới tiếp tục vận chuyển ra. Gỗ khi đến bờ đập đã có xe ô-tô đợi sẵn, bốc lên và chở về xuôi”, một người dân địa phương tiết lộ.

Chiều 20-3, sau khi nhận được thông tin từ Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh, ông Thái Hoàng Vũ- Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My, cho hay: “Qua những hình ảnh Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh cho thấy những gốc cây bị cưa còn rất mới. Tuy nhiên, theo phản ánh thì đây là khu vực giáp ranh giữa hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Do vậy sau khi xác minh cụ thể, nếu đúng nằm trên lâm phận địa phương quản lý chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra vào xác minh, làm rõ”.

Cùng ngày, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã nắm được thông tin về vụ phá RPH đầu nguồn Sông Tranh mà báo đã phản ánh. “Sau khi tiếp nhận thông tin vụ phá rừng trên, tôi đã chỉ đạo cho lực lượng kiểm lâm xác minh, làm rõ vấn đề báo nêu. Ngay sau khi có kết quả xác minh tôi sẽ thông tin đến P.V”, ông Thanh cho hay. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này.

BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG