Báo Công An Đà Nẵng

Điểm nóng tranh chấp đất rừng tại thôn Thạch Kiều

Thứ tư, 13/11/2013 10:23

* Kỳ 1: Khi dân “nói lý”

(Cadn.com.vn) - Do có nhiều bất cập trong công tác giao đất, quản lý sử dụng đất rừng tại xã Tam Xuân 2 (H. Núi Thành, Quảng Nam) nên gần 6 năm qua, địa phương này luôn là điểm nóng về tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân. Do đó đã xảy ra nhiều vụ kiện tụng, khiếu nại, thậm chí mâu thuẫn, ẩu đả đến chết người...

Năm 2008, Cty Lâm nghiệp Quảng Nam bàn giao lại hơn 20ha đất tại khu vực rẫy Ông Ký (thôn Thạch Kiều) cho UBND xã Tam Xuân 2 quản lý. Trong lúc UBND xã đo đạc, phân định ranh giới cắm mốc để làm thủ tục cấp đất cho người dân thì 18 hộ dân gần đó đã tự ý chiếm đất, trồng cây lâm nghiệp. Khi chính quyền xã phát hiện thì cây cối người dân đã trồng khắp rẫy. Trước tình hình trên, để người dân không chịu thiệt, chính quyền xã có văn bản cho phép những hộ dân chiếm đất tự chăm sóc cây trồng đến khi thu hoạch xong phải trả lại đất. Tuy nhiên, đến nay một số hộ dân vẫn không muốn giao lại đất cho xã.

Đặc biệt sau cơn bão số 11 vừa qua, diện tích rừng của những hộ dân này bị gãy ngã nên họ khai thác để hạn chế thiệt hại. Lúc này, chính quyền xã yêu cầu các hộ này sau khi khai thác xong phải hoàn trả đất lại cho chính quyền nhưng một số hộ dân không đồng tình. Trong đó, hộ ông Huỳnh Xuân Thạch (1980, trú thôn Thạch Kiều) đã có đơn “Tố cáo khẩn cấp” đối với Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 gửi nhiều nơi. Trong đơn, ông Thạch cho rằng: Cty Lâm nghiệp Quảng Nam bàn giao đất cho UBND xã Tam Xuân 2 chỉ trên giấy tờ, còn thực tế các hộ dân đang quản lý sử dụng. Việc bàn giao trên không được rà soát, kiểm tra thực tế là không đúng theo quy định của pháp luật, từ năm 2008 đến nay các hộ dân chúng tôi vẫn quản lý sử dụng diện tích trên...

Ông Trần Thanh Xuân- Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2
làm việc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng.

“Sau cơn bão số 11, rẫy keo của gia đình tôi bị ngã gãy, nếu không khai thác kịp thời sẽ bị thiệt hại nên sáng 29-10, tôi đến UBND xã Tam Xuân 2 để xin khai thác. UBND xã Tam Xuân 2 hứa kiểm tra cho khai thác nhưng sau đó lại yêu cầu tôi viết giấy giao lại đất cho xã thì mới cho khai thác cây. Tôi không đồng ý, vì tôi nhận thấy hai quan hệ pháp luật trên hoàn toàn khác nhau. Bởi vì tôi là chủ sở hữu vườn keo trên đang bị hư hại nặng nề thì UBND xã Tam Xuân 2 phải cho tôi khai thác, còn về đất đai nếu UBND xã có cơ sở lấy lại đất để giao cho các hộ dân thì UBND xã phải tiến hành theo trình tự, thủ tục khác do pháp luật quy định”, ông Thạch lý giải.

Về việc này, qua trao đổi với ông Trần Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, được biết: Theo cam kết bằng văn bản năm 2008 giữa UBND xã và các hộ dân, khi nào 18 hộ dân lấn chiếm đất khai thác đợt keo đó xong phải có trách nhiệm bàn giao đất lại cho xã. Đến nay đã có 4 hộ dân giao đất lại cho xã quản lý. Tuy nhiên do lợi nhuận, một số hộ dân vẫn viện cớ không chịu bàn giao đất khi keo đã được khai thác. Còn việc hộ ông Huỳnh Xuân Thạch tố cáo, khiếu kiện là không có cơ sở.

Ngày 28-3-2008, ông Thạch đã có bản cam kết giao lại đất cho xã quản lý khi keo được khai thác. Nhưng đến nay thay vì làm việc đó ông Thạch đã cố tình tìm cách né tránh. UBND xã rất tận tình hướng dẫn để ông Thạch khai thác cây bị ngã gãy, cụ thể ngày 29-10 ông Thạch có đơn thì ngày 30-10 xã đã đề nghị kiểm lâm lập biên bản kiểm kê cây để tạo điều kiện cho ông Thạch khai thác, tiêu thụ. Nhưng khi chưa có giấy phép khai thác theo luật định thì hôm sau ông Thạch đã tự ý khai thác. Hành vi trên của ông Thạch bị kiểm lâm xử phạt hành chính. Trong lúc mọi việc đang được giải quyết thì ông Thạch lại có đơn khiếu nại, tố cáo. Do đó, việc ông Thạch phản ánh chính quyền xã “ngâm hồ sơ” không cho khai thác cây là không đúng.


Biên bản họp dân (trên) và cam kết của các hộ dân (năm 2008) sẽ trả lại đất
sau khi khai thác rừng trồng.

Ngoài việc tranh chấp trên, gần đây CA tỉnh Quảng Nam nhận được nhiều đơn báo cáo về tình trạng một số hộ dân ngang nhiên đốt phá rừng để lấn chiếm đất. Cụ thể, theo Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam, ngày 18-7-2013, lực lượng bảo vệ phát hiện cháy rừng tại các lô A1, A2, A3 và A5, A6, khoảnh 8, tiểu khu 592, rừng trồng đang khai thác gỗ do Xí nghiệp quản lý, có một số đối tượng cố ý đốt rừng. Qua kiểm tra diện tích rừng trồng năm 2008 bị đốt cháy hơn 15ha, trong đó gần 2ha của các hộ dân nhận khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Tình hình trên đã gây mất ANTT tại địa phương.

 (còn nữa)

 Bài, ảnh: Bão Bình