Điểm qua giải thưởng văn học Đà Nẵng 2021
Vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19 gây tác động ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực trong sinh hoạt hội, trong năm qua, các Nhà văn hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng đã có nhiều tác phẩm bám thơ, văn, lý luận phê bình thiết thực, bám sát thực tế đời sống đã ra mắt bạn đọc.
Những tác phẩm tham gia Giải thưởng văn học Đà Nẵng năm 2021.
Qua đề xuất của Hội đồng nghệ thuật, Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Đà Nẵng đã công bố hai tác phẩm được trao tặng giải thưởng Hội Nhà văn Đà Nẵng 2021: Tạp văn - Nguyễn Đông Nhật (NXB Đà Nẵng, 2021); Ngày sinh của gió - thơ Hồ Sĩ Bình (NXB Hội Nhà văn, 2021).
Trong số 11 tác phẩm tham dự Giải thưởng văn học Đà Nẵng năm 2021, có những tác giả có 2 tác phẩm. Nhà thơ Trần Văn Thọ với tác phẩm Giọt mặn, (Nxb Đà Nẵng, tháng 1-2021), gồm 75 bài thơ 4 câu, nội dung bao gồm hơn một nửa là thơ tình, phần còn lại là các chủ đề về cha mẹ, quê hương, triết lý nhân sinh… Thơ anh thường dùng nghệ thuật so sánh, liên tưởng, ngôn ngữ lung linh đa nghĩa, đa chiều và đầy ắp xúc cảm nhớ thương. Điển hình như những câu: Một đêm ta ngước nhìn vũ trụ/ Cơ man tinh tú sáng trên trời/ Chợt thương than phận vì sao rụng/ Cháy cạn kiệt mình mới đổi ngôi.
Áo thời gian, thơ tình Trần Trúc Tâm (Nxb Hội Nhà văn, tháng 6-2021), gồm hơn 120 bài thơ. Trong đó, theo cảm nhận của những người yêu thơ, mỗi bài thơ nơi đây gần như một câu chuyện tình đi qua năm tháng của cuộc đời thi nhân: "Ta về trong tiềm thức/ Gom mùa xa nắng trải lụa hoa cà/ Cứ mỗi độ màu thu phai vừa chớm/ Mắt đa tình thức dậy với thiết tha" (Tạ lỗi tình em)
Gió miền lục bát thi phẩm thứ 11 của nhà thơ Vạn Lộc ( NXB Hội Nhà văn, tháng 5-2021), tập hợp 110 bài thơ lục bát. Cũng như nhiều thi tập trước đây, tập thơ Gió miền lục bát vẫn nằm trong mạch cảm xúc lâu nay của Vạn Lộc, bao gồm những bài viết gần gũi về thiên nhiên, con người, về những vùng đất mà nhà thơ đã đi qua và để lại những cảm xúc sâu đậm nét lãng mạn đáng yêu, mang nhiều cảm xúc, đầy tính tự sự bằng ngôn ngữ trong sáng và rất giản dị vốn có của Vạn Lộc. Tập thơ Gió miền lục bát được Hội đồng nghệ thuật đề xuất tham dự Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương năm nay.
Lê Anh Dũng đến với bạn đọc hai tập Trường ca: Sóng Cổ Cò vỗ nhịp (NXB Hội Nhà văn, tháng 10-2021) và Có một Bình Dương (NXB Hội Nhà văn, tháng 2-2021). Có lẽ Lê Anh Dũng là một trong rất ít tác giả có thế mạnh về trường ca. Trước đó, anh cũng đã có nhiều tập trường ca như: Thưa mẹ, phía trăng lên; Giữa xanh thẳm đại ngàn; Dòng sông di sản: Về xứ Đồng Long; Giữa mùa đại dịch… Thơ anh luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với đời sống dân dã, nên được nhiều người dân các miền quê xứ Quảng yêu chuộng…
Làng xứ Quảng của Trương Điện Thắng (NXB Trẻ, tháng 1-2021). Tác phẩm gồm hơn 30 bài viết, chia làm 3 phần: Làng Quảng, Nhật ký ở làng, Không gian sống ở làng. Tương tự nhiều tập sách đến với bạn đọc trước đây, tác phẩm mới Làng xứ Quảng của Trương Điện Thắng gần như bám sát chủ đề quanh quẩn trong những câu chuyện ở mảnh đất quê hương xứ Quảng thân thiết của mình, qua những ghi chép về những cổng làng, đình miếu, quan hệ họ hàng, tục lệ, đời sống văn hóa xưa và nay… Bên cạnh đó, còn là những câu chuyện thú vị chỉ có thể gặp gỡ được ở "văn hóa làng" như: Con diều đứt dây và hai bộ gia phả, Đầu năm ở sân đình, Mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người, Cà phê… ruộng, Khúc hồi niệm Tết nghèo…
Nguyễn Đông Nhật tham dự Giải thưởng với hai tác phẩm: Thơ Nguyễn Đông Nhật (NXB Hội Nhà văn 2021) và Tạp văn Nguyễn Đông Nhật (NXB Đà Nẵng 2021). Nhiều năm qua, Nguyễn Đông Nhật vốn là tác giả được biết nhiều về thơ qua các thi tập: Trong hoàng hôn gió (1995), Trăng của ngày (1999), Bài ca của gió (2002), Phía sau tôi (2003)... Tuy nhiên, lần này tác phẩm anh được đề xuất lại là tạp văn. Nội dung tập sách này gồm những bài viết tập hợp từ nhiều năm về những cảm xúc chung quanh đời sống. Đó là những nhát cắt chớp nhoáng, cảm xúc nhanh. Đó là những con đường phố cũ, bạn bè, thầy giáo, không gian chùa chiền, suy ngẫm về con chữ, sự sống và cái chết… với những so sánh bất ngờ và tạo chữ khá mới lạ.
Phạm Duy và lời ca lắng đọng tập sách tiểu luận, phê bình và tạp bút của Phan Trang Hy (NXB Hội Nhà văn 2021). Nội dung tập sách không chỉ bao gồm các biên khảo, giới thiệu, phê bình mà còn là những dòng tạp bút chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc của tác giả về ca từ trong âm nhạc Phạm Duy. Tập sách chia làm hai phần. Phần đầu bao gồm hơn 20 bài viết tiểu luận, phê bình đưa ra những nhận định chuyên sâu của tác giả về các chủ đề lớn trong âm nhạc Phạm Duy. Phần hai là phần tạp bút, bao gồm những bài viết mang nặng cảm xúc về những ca khúc Phạm Duy mà tác giả yêu thích.
Hồ Sĩ Bình cũng là tác giả góp mặt một lúc hai tác phẩm: Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện, Tiểu luận và bút ký (NXB Hội Nhà văn, tháng 12-2020), và Ngày sinh của gió (NXB Hội Nhà văn, tháng 10-2021). Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện vốn mượn ý từ một câu thơ nổi tiếng trong bài thơ "Không đề" của Tuệ Sĩ. Thế nhưng, thật ra, tác giả Hồ Sĩ Bình chẳng nói gì nhiều về bài thơ này, mà đó chỉ là cái cớ để anh nói chuyện này, chuyện nọ, nơi này, nơi khác, kẻ đấy, người đây qua cảm nhận của mình… Tác giả đã dẫn dắt người đọc bước đi không mệt mỏi, từ trang sách này, sang trang sách khác. Có thể đó là Luang Prabang, một thành phố cổ kính trên đất Lào, được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1975…
Trong khi đó, Ngày sinh của gió, thi phẩm mới nhất của Hồ Sĩ Bình với gần 70 bài thơ, theo nhận định của nhà phê bình Hoàng Dục: "Gió trong Ngày sinh của gió mang trong mình phẩm chất và cá tính sáng tạo cái đẹp. Cho nên, tâm hồn gió luôn phập phù suy tư về sự tồn sinh của thi ca. Những suy tư này rải ra, loang thấm trong nhiều bài thơ và rồi hội tụ tạo thành cao trào trong bài thơ mà Hồ Sĩ Bình lấy tên làm tiêu đề của cả tập thơ. Vũ trụ uyên nguyên đã tồn tại cái đẹp. Từ cõi thẳm sâu huyền nhiệm ấy ngọn gió thơ ra đời. Nhưng để cho thơ thật sự có hình hài, có linh hồn, có sự sống riêng, phải cần có những nhà thơ mẫn cảm với cái đẹp, thực tài và có cá tính nghệ thuật". Đó có lẽ cũng là lý do để Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn TP Đà Nẵng tán thành dành Giải thưởng về Thơ năm nay cho tác phẩm Ngày sinh của gió.
TRẦN TRUNG SÁNG