Báo Công An Đà Nẵng

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 11/5: Thế giới có 4.174.751 người mắc bệnh, số ca tử vong giảm mạnh tại hầu hết các nước

Thứ hai, 11/05/2020 07:25

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 76.472 trường hợp mắc COVID-19 và 3.387 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên 4.174.751 người. Đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới. Dù số ca mắc bệnh trong ngày vẫn khá cao ở Mỹ, Brazil và Nga, song các ca tử vong đã giảm đáng kể so với tuần trước.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 4.174.751 ca, trong đó có 283.611 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.483.147 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 47.016 và 2.407.993 ca đang điều trị tích cực.

Tín hiệu đáng mừng đó là xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Trong vòng 24 giờ tính tới sáng 11/5 theo giờ Việt Nam, chỉ còn 4 quốc gia ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 200 người/ngày, gồm: Mỹ (695), Brazil (467), Ecuador (410) và Anh (268).

Mỹ, Nga và Brazil là ba nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh

 Lực lượng phản ứng nhanh chuyển một người nghi nhiễm COVID lên xe cứu thương ở khu Brooklyn, New York, Mỹ ngày 8/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về hầu hết các chỉ số liên quan tới dịch COVID-19. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 18.223 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 695 người tử vong. Song đây là tín hiệu cho thấy đại dịch đang thuyên giảm tại "xứ sở cờ hoa", khi số người mắc bệnh và tử vong đều giảm mạnh so với mấy ngày trước. Tới nay, Mỹ có tổng cộng 1.365.532 ca mắc COVID-19 và 80.732 ca tử vong.

Tâm dịch COVID-19 của Mỹ, tiểu bang New York, chứng kiến số ca tử vong giảm đột ngột với chỉ 41 trường hợp được ghi nhận trong ngày, dù vẫn đứng đầu toàn quốc về số ca mắc. New Jersey (với 142 ca) và Massachusetts (với 139 ca) là hai tiểu bang có số ca tử vong cao nhất tại Mỹ trong vòng 1 ngày qua.

Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo cho biết chính quyền có thể sẽ cho phép những khu vực có tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn, chủ yếu là vùng nông thôn, mở lại hoạt động vào cuối tháng này. Còn "điểm nóng" thành phố New York, ông cho rằng hiện không ai có thể khẳng định khi nào có thể mở lại các hoạt động.

Chú thích ảnh 

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 5/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thống đốc Andrew Cuomo cho biết thêm ngày 10/5 bang New York đang nghiên cứu, điều tra 85 ca bệnh có hội chứng viêm liên quan tới một loại virus khiến ít nhất 3 trẻ em tại đây vừa tử vong. Bệnh này, được biết đến với tên gọi Hội chứng Viêm Đa hệ Trẻ em, cho thấy một khía cạnh đáng lo ngại nữa của đại dịch COVID-19 mà cho đến nay người ta vẫn nghĩ rằng hầu như không ảnh hưởng tới trẻ em.

Hai trong số 3 trẻ em đã tử vong đang ở tuổi học sinh tiểu học và một em ở tuổi vị thành niên. Cả 3 em sống ở các địa phương khác nhau và không hề có bệnh nền. Bệnh Hội chứng Viêm Đa hệ Trẻ em mới được nhắc tới lần đầu tiên trong tuần qua sau khi sở y tế thành phố New York ngày 1/5 thông tin tới đội ngũ y bác sĩ của thành phố về sự xuất hiện của bệnh này tại Anh. Trẻ em mắc bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, mẩn đỏ, đau bụng dữ dội, tim đập nhanh và lưỡi chuyển màu đỏ. Hiện bệnh đã được ghi nhận cả ở những bang khác của Mỹ như Louisiana, Mississippi và California.

Trong diễn biến mới nhất, Thư ký Báo chí của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã bác bỏ thông tin ông Pence đang phải tự cách ly, sau khi một thư ký thân cận được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo nguồn tin này, Phó Tổng thống Mỹ sẽ có mặt tại Nhà Trắng trong ngày 11/5.

Chú thích ảnh 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Với 11.012 ca dương tính trong ngày 10/5, Nga là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ hai thế giới trong vòng 24 giờ qua, chỉ đứng sau Mỹ.

Thông báo từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga cho biết tính tới hết ngày 10/5 (theo giờ địa phương), nước này đã ghi nhận tổng cộng 209.688 người mắc bệnh. Cơ quan trên cho hay có tới 42,4% trong tổng số ca nhiễm mới ở Nga không có các biểu hiện lâm sàng.

Trong 1 ngày qua, Nga có thêm 2.390 ca bình phục, đưa tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 34.306 người. Bên cạnh đó, có thêm 88 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.915 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 5.551 ca, đưa tổng số ca tại thủ đô của nước Nga lên 109.740 ca.

Trung tâm báo chí Bộ Y tế Ukraine cho biết, tính đến rạng sáng 11/5 (giờ Việt Nam), nước này đã ghi nhận thêm 522 ca nhiễm, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Ukraine lên 15.232 người, trong đó có 391 ca tử vong (tăng 15 ca so với 1 ngày trước đó), và 3.060 bệnh nhân đã bình phục.

Chú thích ảnh 

Cảnh sát đạp xe tuần tra tại London, Anh, ngày 11/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa tại nước này do dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 tới, trong bối cảnh ông công bố các kế hoạch dỡ bỏ một cách thận trọng các hạn chế đi lại vốn được áp dụng cách đây 7 tuần.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Johnson nói: "Tuần này không phải là lúc dễ dàng để chấm dứt phong tỏa", tuy nhiên ông nói thêm rằng một số trường tiểu học có thể đón học sinh và một số cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cho hay một số địa điểm công cộng có thể mở cửa lại từ ngày 1/7, song cảnh báo các hành khách đáp máy bay tới Anh sẽ phải thực hiện các biện pháp cách ly.

Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải vạch ra kế hoạch để dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này đã chứng kiến gần 32.000 người chết do mắc COVID-19 - mức cao nhất châu Âu và thứ 2 thế giới (sau Mỹ). 

Trong vòng 24 giờ qua, đảo quốc sương mù ghi nhận 3.923 ca dương tính và 268 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì đại dịch tại Anh lên lần lượt 219.183 và 31.855 ca.

Chú thích ảnh 

Người dân đi làm bằng xe đạp tại London, Anh, ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp bối cảnh Anh đang vượt qua đỉnh dịch song Thủ tướng Johnson cho rằng sẽ là "dại dột" khi uổng phí những hy sinh mà người dân đã bỏ ra kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa. Những chi tiết khác của cái mà ông Johnson gọi là "một kế hoạch có điều kiện" sẽ được nêu ra tại Quốc hội Anh trong ngày 11/5.

Cùng ngày, Điện Elysee thông báo Thủ tướng Anh Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí rằng hiện không có biện pháp cách ly nào đối với hành khách từ Pháp đến Anh.

Trước đó cùng ngày, ông Johnson nói rằng Anh sẽ sớm cách ly những hành khách từ nước ngoài tới nước này bằng đường hàng không do đại dịch COVID-19. Một số thông tin cho rằng London dự định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với mọi hành khách tới từ bên ngoài Quần đảo Anh.

Chú thích ảnh 

Một xưởng may khẩu trang ở Lille, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Pháp, tính đến 6 giờ sáng 11/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì bệnh dịch COVID-19 là 26.380 người, tăng 70 ca trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ khi nước này bắt đầu các biện pháp phong tỏa hôm 17/3.

Thống kê cho thấy, Pháp hiện có 22.569 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 45 ca so với một ngày trước), trong đó 2.776 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 36 ca).

Pháp bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5, tuy vẫn tỏ ra thận trọng đối với 4 vùng xếp loại nguy cơ cao là Ile-de-France, Hauts-de-France, Bourgogne-Franche-Comté và Grand-Est.

Chú thích ảnh

Điểm du lịch Tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp. Ảnh: AFP

Tại 4 vùng trên, công viên và vườn hoa tiếp tục đóng cửa. Các cửa hàng không thiết yếu được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo giãn cách và vệ sinh, trừ những trung tâm thương mại lớn hơn 40.000 m2.

Trên các phương tiện giao thông công cộng, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các trường mẫu giáo và tiểu học, nếu đủ điều kiện, có thể tiếp đón tối đa 15 học sinh/lớp. Các trường trung học cơ sở được phép hoạt động từ ngày 18/5 trong các vùng ít nguy cơ. Việc mở cửa trở lại các trường trung học phổ thông sẽ được quyết định vào cuối tháng 5.

Chú thích ảnh 

Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo nước này ghi nhận 1.083 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 219.070 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong hiện là 30.560 trường hợp (tăng 165 ca) và số ca hồi phục là 105.186 ca (tăng 2.155 ca).

Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh: “Sẽ là những tháng ngày rất khó khăn và chúng ta đang phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất kể từ thời hậu chiến. Sự sụt giảm mạnh về GDP và hậu quả kinh tế sẽ rất nghiêm trọng. Chính phủ đang làm tất cả và sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất để đảm bảo sự ổn định xã hội và kinh tế của đất nước”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Conte khuyến cáo, nếu người dân không tuân thủ khoảng cách an toàn, nguy cơ mọi nỗ lực đã thực hiện sẽ bị phá hủy, đất nước sẽ bị phong tỏa trở lại, và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Italy.

Chú thích ảnh 

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 9/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày giảm. Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 10/5, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 143 ca tử vong, giảm so với 179 ca của ngày trước đó.

Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Tây Ban Nha kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Như vậy, tính đến nay, Tây Ban Nha xác nhận 26.621 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 224.390 ca mắc bệnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 9/5 đã lên tiếng cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện vẫn là mối đe dọa rình rập khi quốc gia Nam Âu này dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Trong bài phát biểu tại thủ đô Madrid, Thủ tướng Sanchez kêu gọi người dân Tây Ban Nha thể hiện tinh thần cảnh giác và thận trọng cao nhất. Ông đánh giá đại dịch COVID-19 chưa đi qua và mối đe dọa vẫn tồn tại.

Chú thích ảnh 

Người dân xếp hàng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khi vào chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, Trung Quốc đang chứng kiến dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 10/5 xác nhận 14 ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục, trong đó đáng lo ngại là 12 ca lây nhiễm trong nước gồm 11 ca ở thành phố Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này và 1 ca tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc.

Đây là ca nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán, tâm đại dịch COVID-19 trước đây, trong vòng hơn 1 tháng qua. 14 ca nhiễm mới trong ngày cũng là mức cao nhất ở Trung Quốc đại lục kể từ ngày 28/4. Tỉnh Cát Lâm đã nâng cảnh báo dịch bệnh ở thành phố Thư Lan từ mức trung bình lên mức cao.

Chú thích ảnh 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện Trung Quốc đang trong quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và hoạt động kinh tế trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại do COVID-19 gây ra.

Ngày 10/5, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Mễ Phong nhấn mạnh cần duy trì các biện pháp phòng dịch cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn là một mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng.

Chú thích ảnh 

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàn Quốc ngày 10/5 ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trở lại với 34 ca sau khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới ở Itaewon. Thời điểm Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong ngày là ngày 29/2 vừa qua với 909 ca.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 10/5, chỉ sau gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội 4 ngày, với 34 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên thành 10.874 ca. Số ca tử vong vẫn là 256 ca, trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh lý nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn thêm 42 người nâng tổng số lên 9.610 người, chiếm 88,3%.

Trước nguy cơ bùng phát ổ dịch mới ở thủ đô Seoul, Thị trưởng thành phố này Park Won-soon đã ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các quán bar, vũ trường, hộp đêm trên toàn thành phố phải tạm thời dừng mọi hoạt động. Đây là biện pháp tình huống mà thành phố Seoul phải thực hiện sau khi xuất hiện hàng chục người dương tính với virus SARS-CoV-2 do đã tiếp xúc gần với một bệnh nhân nam 29 tuổi được xác nhận dương tính vào ngày 5/5 vừa qua.

Chú thích ảnh

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 7/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 10/5 cho biết trong vòng một ngày qua, nước này đã ghi nhận thêm 111 ca tử vong do dịch COVID-19 và 4.353 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca tử vong lên 2.212 ca và tổng số ca nhiễm lên 67.161 ca.

Hiện tại tổng số ca đang được điều trị ở nước này là 41.472 người. Giới chức Ấn Độ cho biết Hội đồng Nghiên cứu y học (ICMR) và Hãng chế tạo vaccine Bharat Biotech International (BBIL) sẽ hợp tác để sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Theo ICMR, hội đồng này sẽ phối hợp với BBIL để sản xuất loại vaccine trên và quá trình sản xuất vaccine sẽ liên tục được ICMR và Viện nghiên cứu virus quốc gia Ấn Độ (NIV) hỗ trợ.

Chú thích ảnh

 Khách hàng mua sắm tại một chợ cuối tuần ở Bangkok, Thái Lan, ngày 9/5/2020. ảnh: THX/TTXVN

Tới rạng sáng 11/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 58.600 ca mắc bệnh  COVID-19 và trên 1.880 người tử vong. Trong 24 giờ qua, chỉ có 2 nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh dịch; Singapore có trên 870 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, song không ghi nhận ca tử vong nào.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 58.601 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), tăng 1.521 ca so với 1 ngày trước.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.883 người dân ở khu vực này, tăng 29 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 15.763 trường hợp.

Chú thích ảnh 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Mamelodi, Nam Phi ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ủy Ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) ngày 10/5 đã ước tính việc các nước châu Phi áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đang khiến châu lục này mất 2.5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi tháng, tương đương 65.7 tỷ USD.

Phóng viên TTXVN thường trú tại châu Phi dẫn báo cáo "COVID-19: Chiến lược dỡ bỏ phong tỏa tại châu Phi" của ECA công bố cùng ngày cho biết con số này chưa bao gồm thiệt hại từ tình trạng giá hàng hóa xuống thấp và sự gián đoạn của các dòng vốn đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 42/54 quốc gia châu Phi đang áp dụng lệnh phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau.

Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Phi (ACDC) thông báo, tính đến hết ngày 10/5, châu lục 1.3 tỷ dân này đã ghi nhận 61.165 ca mắc virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.239 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số người tử vong do COVID-19 tại châu Phi trong năm đầu tiên của đại dịch có thể lên tới 190.000 người nếu những biện pháp ngăn chặn không có tác dụng. Ngoài ra, trong cùng thời gian này, khoảng 29 triệu đến 44 triệu người tại đây sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2.

theo Tin Tức

>> Dịch COVID-19 sáng 9-5: Thế giới hơn 270.000 người chết, Việt Nam 0 ca mới

>> Covid-19 hoành hành ở Nga và Ấn Độ

>> Hoài nghi 'rò rỉ nCoV' từ phòng thí nghiệm Vũ Hán