Báo Công An Đà Nẵng

Điện Biên Phủ - vang mãi khúc tráng ca!

Thứ sáu, 02/05/2014 11:45

* Bài 1: Hoa của đất

(Cadn.com.vn) - Vậy là giấc mơ ấp ủ bấy lâu của tôi cuối cùng đã trở thành hiện thực. Tôi đã đặt được chân lên Điện Biên- vùng Tây Bắc của Tổ quốc thân yêu, nơi trong ký ức tuổi thơ chứa chan những vần thơ hùng tráng: “...Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/chí không mòn/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...” (Tố Hữu).

Một cảm xúc rưng rưng khó diễn đạt thành lời khi đặt chân lên vùng đất chứa trong lòng một di sản đồ sộ về lịch sử trong thanh âm rộn rã của những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Và, tôi chợt nhận ra, tất cả những hiểu biết bấy lâu nay về quá khứ hùng tráng của dân tộc thật sao quá hạn hữu. Trong niềm cảm xúc dâng tràn, thốt nhiên, tôi bật thầm tiếng reo: “Điện Biên ơi! Con đã về đây!”...

Quản trang Lò Thị Lịch đang chăm sóc các ngôi mộ tại NTLS Độc Lập.

Không phải là khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP), cũng không phải là Bảo tàng chiến thắng ĐBP, đồi A1 hay hầm De Castries..., nơi đầu tiên tôi chọn đến viếng thăm trong chuyến độc hành về nguồn là Nghĩa trang Liệt sĩ ĐBP (NTLS A1) trong một chiều tháng 4, khi ánh hoàng hôn sắp tắt dần sau dãy núi điệp điệp trùng trùng.

Thế nhưng, phía trước sân quảng trường NTLS A1, từng tốp công nhân vẫn đang tất bật công việc ốp lát nền, trồng cỏ. Thấy tôi đi về phía cổng chính, một công nhân dừng tay, ngước lên hướng dẫn: “NTLS A1 đang tu bổ để chuẩn bị đại lễ nên chưa mở cổng chính. Muốn vào viếng, chị đi cửa bên hông”. Theo hướng dẫn của anh, tôi đi vào bên trong nghĩa trang. Không gian nơi đây yên bình quá đỗi, khiến tôi có cảm giác như mình đang bước vào một thế giới hoàn toàn tách biệt với cuộc sống vội vã ở bên ngoài cổng thành kia...

644 ngôi mộ ốp đá được chia theo từng phân khu nằm im lìm dưới bóng mát những hàng cây cổ thụ, trên mỗi tấm bia mộ là chiếc quân huy ngời đỏ, rực lên trong ráng chiều. Tiếng chim hót thanh bình đến lạ! Dòng người vào viếng thưa dần, chỉ vài người dân đi bộ tập thể dục quanh khuôn viên và vài đứa trẻ chơi đùa dưới chân tượng các chiến sĩ Điện Biên. Vui đùa chán, chúng lại đuổi nhau chạy quanh các ngôi mộ,  rúc rích cười...

Hoa hồng trước các phần mộ ở NTLS  Độc Lập.

Tỉnh Điện Biên hiện đang quản lý 8 NTLS, trong đó có 3 NTLS cấp quốc gia gồm: NTLS Đồi A1, Độc Lập, Him Lam. Tại NTLS A1, ngoài 4 ngôi mộ của 4 anh hùng liệt sĩ: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can và một số rất ít ngôi mộ là có tên, còn phần lớn đều vô danh. Kể từ khi xây dựng đến nay, trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp, NTLS A1 luôn được những người làm công tác quản trang trông nom, chăm sóc, bảo vệ hương khói quanh năm.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng ĐBP, cùng với các NTLS quốc gia khác ở Điện Biên, NTLS A1 đã được nâng cấp, tôn tạo để chuẩn bị cho ngày đại lễ. Chị Nguyễn Thị Miến- phụ trách NTLS A1- cho biết, đầu tháng 4 đến nay, lượng khách vào nghĩa trang viếng mỗi ngày một đông. Đoàn ít nhất 10 người, đoàn đông nhất gần 100 người. Để đảm bảo NTLS luôn xanh, sạch, đẹp, hàng ngày, từ 5 giờ sáng, chị cùng chị Nguyễn Thị Thoáng, Hoàng Thị Hiền, Định Đức Tính bắt đầu công việc quét dọn, lau chùi, chăm sóc các phần mộ để kịp giờ đón, hướng dẫn khách vào viếng.

Hôm nào khách đông, 12 giờ mới được nghỉ trưa; kết thúc giờ làm việc buổi chiều có khi 19-20 giờ... Chị Miến xúc động tâm sự: “Làm công tác quản trang đã lâu, tôi từng chứng kiến nhiều chuyện xúc động. Nhưng thương nhất vẫn là người thân, người nhà của các liệt sĩ. Có bác gái vừa bước vào nghĩa trang đã bật khóc thành tiếng: “Anh ơi, biết tìm anh ở đâu để mà thắp nén hương đây? Nhìn thương và đau thắt lòng!”...

Bước nhè nhẹ giữa lối  các ngôi mộ, lần lượt thắp nén tâm hương trên mộ của AHLS Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, tôi vẳng nghe như đâu đây lời ca hào hùng thúc giục đoàn quân ra trận: “Hành quân xa dẫu còn nhiều gian khổ... đâu có giặc là ta cứ đi...”. Đứng trên mảnh đất này, tôi càng thấm thía hơn chủ nghĩa Anh hùng cách mạng đã được những người con ưu tú Việt Nam từ trong khói lửa “rũ bùn đứng dậy, sáng lòa” viết lên bản anh hùng ca bất diệt! Không đâu như xứ sở này, máu và nước mắt hòa chung cùng với đất đai, cây cỏ.

Mỗi mét đất mà tôi đang đi trong yên bình nơi đây đã được đánh đổi bằng xương máu của hàng ngàn chiến sĩ Điện Biên và nước mắt của bao người thân chiến sĩ... 60 mùa xuân trôi qua, giờ đây, cuộc sống đã thanh bình nhưng dưới lòng đất ấm Điện Biên, còn đó biết bao hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy? Tôi lại nghĩ về cuộc đời của những người chiến sĩ vô danh ấy. Khi nằm xuống vì đất nước, tuổi đời của họ hãy còn rất trẻ, mấy ai đã lập gia đình, mấy ai đã nếm được vị ngọt của tình yêu?...

Các chị quản trang ở NTLS A1 đang dọn dẹp tại lễ đài NTLS A1.

Tối hôm sau, khi về NTLS Độc Lập dự lễ thắp nến tri ân do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Chí Minh tổ chức, chứng kiến từng dòng người thành kính tiến về lễ đài thắp nén tâm hương tri ân liệt sĩ, rồi tản ra các khu mộ để thắp hương cho 2.432 liệt sĩ, lại một lần nữa, tôi nghe tim mình dậy sóng. 2.432 ngôi mộ là cũng ngần ấy ngọn nến lung linh làm bừng sáng lên không gian tĩnh lặng của nghĩa trang về đêm. Có người còn đốt thuốc thơm trên mộ các liệt sĩ, thì thầm điều gì đó rất thiêng liêng.

Cũng ngay tại NTLS Độc Lập, tôi đã nhìn thấy được vẻ đẹp Việt Nam, mới thấy được tinh thần đoàn kết dân tộc mạnh biết nhường nào, tất cả như hòa cùng một khối. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Khi các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ TPHCM mở màn bằng bài “Hò kéo pháo”, tôi nhìn thấy phía dưới khán đài những ánh mắt long lanh.

Cô Lê Thị Lan- giáo viên về hưu hiện ở P. Thanh Trường (TP Điện Biên)- rưng rưng thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem một chương trình văn nghệ đặc biệt nhất vì nó diễn ra ngay NTLS Độc Lập. Xúc động trào dâng hơn khi nghe lại bài ca “Hò kéo pháo” như động viên, thúc giục, tiếp thêm sức mạnh để đoàn quân xông trận...”.

Nhạc sĩ, ca sĩ đến từ TPHCM biểu diễn “Hò kéo pháo” tại Đài liệt sĩ NTLS Độc Lập đêm 17-4. Ảnh: P.T

Trong không gian thơm ngát hương, trầm, hương  hoa hồng được người quản trang trồng trên mộ các liệt sĩ vô danh, mùi hương của hoa nhài, hoa cau đang trổ bông, tôi nghe thoảng đâu đây một mùi hương rất lạ-mùi hương của đất. Và các liệt sĩ đang nằm giữa rừng núi Tây Bắc huyền sử này chính là Hoa của đất...

Phía trên kia lễ đài, giọng ngâm thơ của nhà thơ Phan Hoàng như xé tan màn đêm, hùng hồn cùng non nước: “...ta là hạt nắng Phương Nam/theo di chúc chín lời của cha/về đất Tổ tắm gội trong gió biên cương/lên Điện Biên thắp chín nén hương/quỳ một chân/van vái tám phương/quỳ hai chân/một phương van vái/.../vòng quanh khắp hành tinh này/không dân tộc nào/không đất nước nào/hiếm hoi thế hệ bình yên/nối nhau quẫy đạp bóng đêm/đứng lên/chống chọi 14 cuộc ngoại xâm/chống chọi mười bốn lần giông gió biên cương/giành lại từng dấu chân giao chỉ/giành lại từng viên đá cuội in bóng chim lạc, chim hồng...”. Đêm đó, tôi không sao chợp mắt...

Bút ký: Phan Thủy
(còn nữa)