Báo Công An Đà Nẵng

Diễn biến vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung: Đại diện Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi

Thứ tư, 27/04/2016 09:45

(Cadn.com.vn) - Chiều 26- 4, Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) Hà Tĩnh đã tổ chức buổi họp báo để xin lỗi người dân Việt Nam về phát ngôn “gây sốc” của ông Chu Xuân Phàm - Phó Phòng đối ngoại Cty FHS vào ngày 25- 4 vừa qua. Chủ trì buổi họp báo là ông Trương Phục Ninh - Phó Tổng giám đốc điều hành Cty FHS.

Đại diện Formosa cúi đầu gửi lời xin lỗi vì lời phát biểu gây “sốc” của ông Chu Xuân Phàm.

Bác bỏ phát ngôn gây phản ứng

Theo ông Trương Phục Ninh vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam đồng loạt dẫn lời ông Chu Xuân Phàm rằng: “Nhà máy thép hoặc tôm, cá, anh chỉ được chọn một”, và xưng ông Chu Xuân Phàm là giám đốc đối ngoại Cty Formosa, điều này là không chính xác. Trên thực tế, ông Phàm chỉ là một trong những vị cán bộ được Cty điều cử làm việc tại Văn phòng Hà Nội, hoàn toàn không phải là người phát ngôn của Cty. Người phát ngôn về các vấn đề liên quan đến môi trường của Cty Formosa là Giám đốc Khâu Nhân Kiệt. Cũng theo ông Ninh, ông Phàm về Hà Tĩnh là để hỗ trợ công việc phiên dịch cho ông Kiệt liên quan đến vấn đề xử lý nước thải và xả thải. Tại đây, ông Phàm đã có những câu phát biểu không đúng đắn. Cty Formosa xin nhấn mạnh, những câu phát biểu đó không đại diện cho lập trường của Cty Formosa. Ông Chu Xuân Phàm chưa được ủy quyền phát ngôn mà tự ý đưa ra những phát biểu không đúng đắn mang tính chất cá nhân, Cty Formosa sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Sau khi bày tỏ những quan ngại về những phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, 8 vị đại diện cho Cty Formosa đã cúi đầu gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến toàn thể người dân Việt Nam. Tiếp đó,  ông Ninh bày tỏ, trong thời gian gần đây việc cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung là điều mà Formosa rất lấy làm đáng tiếc. Trước sự việc này, các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã tiến hành vào cuộc điều tra, tìm hiểu nguyên nhân. Phía Formosa đã cung cấp đầy đủ tài liệu theo yêu cầu và cũng đang chờ kết quả. Trước khi có kết luận từ phía Chính phủ Việt Nam, Formosa không có bất kỳ một phát ngôn nào về vấn đề này, và Formosa cũng mong muốn sớm có kết quả nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Xả thải đúng quy trình?

Tại cuộc họp, các phóng viên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến đường ống xả thải của Formosa. Việc xả thải của Cty Fomosa có những dấu hiệu khuất tất bởi việc xả thải thông qua quan trắc tự động của FHS chưa được đấu nối với đơn vị giám sát là Sở TN&MT Hà Tĩnh. Việc đầu năm 2016, Formosa đã nhập về 296 tấn hóa chất để súc rửa đường ống, liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt hay không?...  Trước vấn đề này, ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc Cty Formosa phụ trách về môi trường nói, việc xả nước thải của Cty Formosa được thực hiện qua 4 lần giám sát, gồm: Quan trắc tự động; lấy mẫu phân tích thủ công đối chiếu với tự động; hợp đồng với Cty quan trắc môi trường - Sở TN&MT Hà Tĩnh; Tổ an toàn vệ sinh môi trường của Tập đoàn Formosa kiểm tra. Ngoài ra, Sở TN&MT Hà Tĩnh có thể kiểm tra đột xuất việc xả thải bất cứ lúc nào. Về quy trình xả: Nước thải được truyền về trạm xử lý, sau đó truyền về Trạm quan trắc tự động. Tại đây, sau khi tự động kiểm tra, nếu các thông số đảm bảo an toàn thì mới thải ra biển. Do đó, ông Kiệt khẳng định, việc cá chết ngoài biển vừa qua, không liên quan đến nước thải của Cty, vì tất cả đã được xử lý đúng quy trình, đảm bảo thông số an toàn mới xả.

Trước câu hỏi, nước thải của Formosa khi đến trạm quan trắc có thực hiện việc truyền dữ liệu về Sở TN&MT Hà Tĩnh giám sát trước khi xả ra biển hay không, ông Kiệt thông tin, Hà Tĩnh chưa có thiết bị đấu nối, nên thời gian qua chưa thực hiện việc này. Về nghi vấn có đường ống khác xả thải “chui” ngoài ống được cấp phép, ông Kiệt khẳng định: “Hoàn toàn không hề có điều này. Bởi, Formosa đã đầu tư tới 10,5 tỷ USD cho dự án này. Riêng hệ thống đường ống nước thải chúng tôi đã đầu tư tới 45 triệu USD rồi, nên chẳng dại gì mà vi phạm xả thải để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi, lộ trình trong giai đoạn 2, chúng tôi còn đầu tư thêm 14 tỷ USD nữa”.

Giải thích về việc dùng hóa chất để rửa ống xả thải, ông Kiệt nói: Chỉ dùng không khí áp lực cao hoặc nước chất công nghiệp?! Còn về việc Formosa nhập về 296 tấn hóa chất, ông Kiệt cho rằng, số hóa chất này không phải chỉ để dùng mỗi rửa đường ống mà dùng vào nhiều hạng mục của FHS. Mỗi lần rửa đường ống, nguồn nước được đưa về hệ thống xử lý, qua quan trắc kiểm tra đủ an toàn khi đó mới xả thải. Giải đáp thắc mắc của dư luận trong thời gian qua rằng hệ thống xả thải của Formosa có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cá chết hàng loạt dọc bờ biển Bắc miền Trung vừa qua, ông Trương Phục Ninh cho rằng: có mối quan hệ hay không thì phải chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng Việt Nam. Hiện các mẫu xét nghiệm đang được phân tích kỹ càng và sẽ có câu trả lời trước công chúng. Cty Formosa sẽ không đưa ra kết luận khi chưa có kết quả của các cơ quan chức năng Chính phủ Việt Nam.

Khi cuộc họp báo bắt đầu nóng lên cũng là lúc ông Trương Phục Ninh cáo bận họp, sẽ trả lời các câu hỏi bằng văn bản, rồi rút lui. Trước khi ra khỏi phòng họp báo, ông Chu Xuân Phàm một lần nữa cúi đầu, gửi lời xin lỗi tới toàn thể nhân dân Việt Nam về lời phát biểu “sốc” của mình.

Xuân Sơn

Cá chết hàng loạt ở Huế do nước bị nhiễm kim loại nặng

(Cadn.com.vn) - TT-HUẾ-Chiều 26-4, Sở NN & PTNT cho biết, nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trong 10 ngày qua là do bị nhiễm kim loại nặng. Theo đó, kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập An, cửa biển Lăng Cô, TT Lăng Cô (H.Phú Lộc) vào thời điểm xuất hiện cá chết tràn lan, cho thấy các chỉ tiêu về hóa lý như độ pH, hàm lượng ô xy hòa tan (DO), nhu cầu ô xy hóa học (COD), hàm lượng cyanua (CN-), tổng hàm lượng dầu mỡ, tổng các chất hoạt động bề mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Để đưa ra đánh giá khách quan cũng như xác định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, Sở NN&PTNT tỉnh TT – Huế đã tiến hành khảo sát và lấy 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An (gần cửa biển Lăng Cô), vùng ven bờ xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) và các xã: Điền Hương, Điền Hải (H.Phong Điền) để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam. Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh TT –Huế, khả năng chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt xuất hiện ở vùng phía bắc tỉnh này.

Cá chết trôi dạt vào cửa sông Lạch Giang ở xã Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc, TT-Huế).

Sáng 26-4, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (H. Phú Lộc) xác nhận, vào khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, khi ngư dân ra khơi tại vùng biển ở khu vực gần cảng Chân Mây thì phát hiện cá vẩu sắp chết và trôi lờ đờ trên mặt nước. Sau đó, người dân đã vớt con cá này lên bờ và tiến hành chôn cất. Theo ông Minh, con cá này nặng khoảng 35 kg, thuộc loài cá sống ở vùng biển xa bờ nên rất kỳ lạ. Trước đó, tại vùng biển này cũng xuất hiện cá biển chết trôi dạt vào bờ khá nhiều, trong đó rất nhiều có trọng lượng hàng chục ki-lô-gram.

H.Lan