Báo Công An Đà Nẵng

Diễn đàn đối thoại kinh tế Việt Nam – Kansai lần thứ 5: Chuẩn bị đón luồng đầu tư mới?

Thứ tư, 23/11/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp vùng Kansai (Nhật Bản) vào miền Trung là nội dung chính của Diễn đàn đối thoại kinh tế Việt Nam – Kansai 5 khai mạc ngày 22-11 tại Đà Nẵng. Hơn 150 nhà đầu tư vùng Kansai đã tham gia diễn đàn.

Kansai là trung tâm lớn thứ 2, sau Tokyo của Nhật. Quy mô kinh tế của Kansai tương đương nền kinh tế của Hàn Quốc hoặc Australia (GDP 2010 đạt 960 tỷ USD). Đây là cửa ngõ giao thương quan trọng của Nhật với Châu Á và thế giới. Các tập đoàn lớn như Panasonic, Sharp, Sanyo, Hitachi... đều khởi nghiệp tại đây.

Vì sao là Kansai?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: Khu vực miền Trung nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), là cửa ngõ ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông. Nơi đây có nhiều lợi thế, tiềm năng nhưng đến nay vẫn chậm phát triển, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thu hút đầu tư chưa tương xứng. Đến hết tháng 10-2011, miền Trung thu hút khoảng 750 dự án với tổng vốn đăng ký 23,7 tỷ USD chiếm 11,6% so với cả nước. Trong đó, đầu tư trực tiếp từ Nhật là 71 dự án với số vốn 417 triệu USD chiếm chưa đầy 2% so với đầu tư của Nhật vào Việt Nam. Đó là lý do để cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào miền Trung mà Đà Nẵng là cửa ngõ.

Ông Lê Quốc Thịnh- Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka – thủ phủ kinh tế của vùng Kansai - nhấn mạnh: Hiện nhu cầu phát triển của VN và thế mạnh của vùng Kansai đang gặp nhau. Nền kinh tế VN đang trong giai đoạn đầu phát triển có nhu cầu cao về mọi mặt. Cụ thể, nhu cầu đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghiệp, dịch vụ, sử dụng công nghệ cao... Tất cả các lĩnh vực này là thế mạnh của vùng Kansai. Không chỉ công nghiệp chế tạo cơ khí - điện tử - hóa chất, công nghiệp phụ trợ mà cả công nghệ kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, vùng Kansai đều rất mạnh. Về hạ tầng giao thông, sân bay quốc tế Kansai quy mô 20 triệu khách/năm; cảng Osaka, Kobe công suất 100 triệu tấn/năm; hệ thống đường cao tốc trên cao, đường sắt gắn liền với đô thị dày đặc... Kansai cũng là trung tâm đào tạo nhân lực với gần 600 trường đại học và các cơ sở nghiên cứu, phát triển đào tạo. Tất cả những thông số đó để minh chứng vùng Kansai có thể đáp ứng tốt các nhu cầu nền kinh tế VN đang cần. Vấn đề còn lại: hợp tác thế nào!

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại diễn đàn. 

Cần và có

Ông Noriaki Shotoh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN đưa ra 3 lý do để khẳng định môi trường đầu tư ở VN hấp dẫn: Thể chế chính trị ổn định, xã hội an toàn, trật tự; có nhiều điểm giống Nhật ở phương pháp tư duy, tôn giáo; có nguồn lao động phong phú, chi phí nhân công rẻ. Cũng theo ông Noriaki Shotoh, khu vực miền Trung Việt Nam có nhiều tiềm năng, đang trên đà phát triển với hệ thống sân bay, cảng biển, khu kinh tế quy mô. Hầu hết các địa phương tại đây đang có nhu cầu đầu tư lớn về hạ tầng cũng như công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường mà DN vùng Kansai có nhiều lợi thế.

Nhưng đặt lại vấn đề, những điều kiện miền Trung có đã đủ sức cuốn hút nhà đầu tư từ Kansai? Những rào cản còn lại là gì? Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN, ông Yasuaki Tanizaki chỉ ra 3 vấn đề tồn tại lớn mà các DN Nhật đang đầu tư tại VN phải đối mặt. Đó là lương công nhân tăng (80,3% DN bị ảnh hưởng), thiếu điện (70,3% DN) và khó khăn trong mua sắm nguyên liệu, phụ tùng tại chỗ (67,3% DN). Ngoài ra, những ưu đãi đầu tư của VN so với các nước Đông Nam Á như Thái Lan cũng không hấp dẫn bằng. Đó là chưa kể đến sự thiếu ổn định trong nền kinh tế vĩ mô (lạm phát, bất ổn tỷ giá nội tệ với USD...). Với miền Trung, mặc dù có nhiều tiềm năng địa thế, song về cơ bản hạ tầng, nhân lực chất lượng, cơ chế thu hút vẫn còn những rào cản so với hai đầu đất nước. Với hạn chế đó, để biến thành lợi thế, chỉ còn cách phát triển nhân lực chất lượng, đặt nó làm nền móng.

Nhân lực là nền móng

Ông Shinichi Iwama – Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật tại Đà Nẵng cho rằng, để phát triển kinh tế và thúc đẩy đầu tư tại VN thì không thể không phát triển ngành chế tạo. Mà muốn thế, cần phải nâng cao chất lượng, độ chính xác, rút ngắn thời gian giao hàng. Điều ấy chỉ có thể với nguồn nhân lực nòng cốt. Đây là vấn đề lớn đối với các DN nước ngoài đang đầu tư tại VN. Ngay tại Nhật, đào tạo nhân lực nòng cốt cũng được nêu lên như một vấn đề cốt lõi. Vậy, mấu chốt là gì? Là VN còn thiếu nhân lực nòng cốt trong sản xuất, thiếu trường đào tạo, tài liệu giảng dạy (chủ yếu đào tạo tại DN). Đó là chưa nói tới sự chênh lệch lớn về đào tạo giữa doanh nghiệp VN và doanh nghiệp Nhật, dẫn đến sự chênh lệch trong quản lý chất lượng, quản lý sản xuất và kế thừa công nghệ. Kết quả là giao dịch giữa DN Nhật và VN không thuận lợi. Để giải quyết vấn đề này, cần phân định rõ vai trò của Chính phủ- trường học- doanh nghiệp. Cả ba cần phối hợp để phát triển ngành sản xuất. Chẳng hạn cần thực hiện gấp hoạt động dạy nghề công của Chính phủ với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của các trường cao đẳng nghề. Phải nâng cao địa vị xã hội cũng như tay nghề của các nhân viên kỹ thuật trong ngành chế tạo, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay.

Hải Hậu

Hai lĩnh vực ưu tiên của Đà Nẵng

Chiều tối 22-11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tiếp đoàn quan chức của Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai do ông Shosuke Mori, Chủ tịch Liên đoàn dẫn đầu.

Chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, có hai lĩnh vực mà TP khuyến khích các DN vùng Kansai đầu tư. Đó là phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng (cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics) và công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao (tự động hóa, cơ khí chính xác, năng lượng tái tạo, điện - điện tử...).

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến trao quà lưu niệm cho Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai Shosuke Mori. 

Trước đó, với tư cách địa phương đăng cai diễn đàn, Chủ tịch Văn Hữu Chiến cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ vốn ưu đãi ODA của Nhật để triển khai các dự án giao thông lớn thúc đẩy phát triển tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Xuân Đương