Báo Công An Đà Nẵng

Diễn đàn du lịch Đà Nẵng mùa xuân 2016: Đà Nẵng xây dựng môi trường phát triển du lịch bền vững

Thứ bảy, 26/03/2016 09:56

(Cadn.com.vn) - Nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư các điểm vui chơi giải trí về đêm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác du lịch, xây dựng ẩm thực Đà Nẵng, tăng cường liên kết cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài vào du lịch,... đó là nội dung được trình bày tại “Diễn đàn du lịch Đà Nẵng mùa xuân 2016” do Sở VH-TT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức chiều 25-3. Tham dự Diễn đàn có Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng; lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan và đông đảo các đơn vị lữ hành, lưu trú, du lịch trên địa bàn thành phố.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Nâng cấp hạ tầng du lịch

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng “bức tranh” du lịch Đà Nẵng đang rất sáng, lượt khách tăng bình quân trong vòng 5 năm qua là 21%, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, so với toàn khu vực thì còn quá nhỏ bé, vì vậy muốn bước ra sân chơi lớn hơn, ông Dũng mong muốn Đà Nẵng phải trở thành một trung tâm trung chuyển hàng đầu khu vực Đông Nam Á và có một môi trường kinh doanh rõ ràng minh bạch, công bằng và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Dũng kiến nghị, nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó nâng cấp hoàn chỉnh sân bay Đà Nẵng để tăng năng lực phục vụ hành khách; đầu tư cảng chuyên dụng đón khách du lịch bằng đường biển, đường sông; hình thành tuyến đường bộ cao tốc để trở thành trung tâm của cả vùng, có như vậy thì khách đến Đà Nẵng nhanh chóng tiếp cận với các địa phương khác lân cận; phối hợp với tỉnh Quảng Nam nhanh chóng đề xuất nâng cửa khẩu Đăk Ốc thành cửa khẩu quốc tế. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống sản phẩm mang bản sắc văn hóa Đà Nẵng, tăng cường thu hút FDI trong lĩnh vực dịch vụ du lịch để hình thành hệ thống dịch vụ quanh các khách sạn, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, các khu mua sắm tập trung và xây dựng thương hiệu ẩm thực Đà Nẵng, khuyến khích các loại hình ẩm thực đặc thù đáp ứng nhu cầu của từng nguồn khách.

Đặt vấn đề về cảng du lịch, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, trong thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn du lịch đường sông hàng đầu thế giới, như Star Cruises, đến làm việc với Cảng Đà Nẵng rất nhiều lần và mong muốn mỗi tuần có 2 chuyến tàu biển 5 sao Star Cruises đến Đà Nẵng, mỗi chuyến 3.000 du khách và 1.500 thuyền viên cập cảng Đà Nẵng 2 đêm 1 đêm ngủ trên tàu, 1 đêm ngủ trên bờ và đích thân Chủ tịch Tập đoàn Star Cruises đặt vấn đề hợp tác với cảng Đà Nẵng để nâng cấp cảng (hiện nay chiều dài của cầu cảng chỉ có 210m, tàu Star Cruises dài 310m).

Tuy nhiên, cảng Đà Nẵng đã hứa tháng 11-2016 sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động và phía Star Cruises đã bán phòng mua phòng và sử dụng các dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng. Ông Vinh còn nhắc lại trong một hội nghị của thành phố năm 2015, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng hứa không đầu tư thì đích thân ông sẽ từ chức. Ngay lập tức ông Nguyễn Hữu Sia thừa nhận Chủ tịch Star Cruises đã đặt cược 5 triệu USD để cảng Đà Nẵng nạo vét và nâng cấp. Ông Sia cũng cho biết đã thuê các đơn vị thiết kế, nạo vét và tháng 11 này chưa làm cầu được nhưng sẽ nạo vét để đáp ứng được tàu Star Cruises vào đậu được.

Bức tranh du lịch Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc nhưng không nên tự hài lòng. 
Trong ảnh: Một góc Đà Nẵng. Ảnh: Lê Hoàng Nam 

Lành mạnh môi trường kinh doanh

Theo ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, mục tiêu của thành phố là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn năm năm tới (2016-2020); đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp. Thành phố hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện; xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có sức cạnh tranh cao; phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên và phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn bảo vệ môi trường. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đón 8 triệu lượt khách du lịch (trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu du lịch đạt 27.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cường hiện nay các sản phẩm du lịch hiện có chủ yếu phục vụ khách nội địa; Dịch vụ vui chơi giải trí về đêm vẫn còn thiếu và đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Thiếu quỹ đất để hình thành các cụm mua sắm – vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm. Chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm mang tính đột phá, biểu trưng cao cho du lịch thành phố. Đặc biệt, sự phát triển quá nhanh về số lượng khách sạn (nhất là các khách sạn có quy mô nhỏ) đã tạo nên sự mất cân đối, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và hiệu quả chung. Hoạt động lữ hành chui, trái phép của một số doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài vẫn còn xảy ra gây nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Vẫn còn xảy ra tình trạng “chặt chém”, chất lượng sản phẩm dịch vụ không tương xứng với giá bán cho du khách, vì vậy, ông Cường đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch cần nâng cao nhận thức, gìn giữ môi trường du lịch thúc đẩy du lịch Đà Nẵng phát triển theo hướng nhanh và bền vững. 

Hưởng ứng quan điểm này, ông Trịnh Bằng Có, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Cty Phương Đông Việt bày tỏ, muốn thương hiệu du lịch thành phố phát triển bền vững môi trường du lịch phải sòng phẳng. Đối với khối nhà hàng, khách sạn là kinh doanh có điều kiện đề nghị thành phố kiểm tra đúng mới cho phép, tránh tình trạng làm bát nháo như thời gian qua, đồng thời tư vấn cho những nhà đầu tư nên đầu tư ở khu vực nào phù hợp, quản lý để chống thất thu thuế. Ông Có cũng kêu gọi các đơn vị làm du lịch phải cố gắng đạt chuẩn để phục vụ, đoàn kết, liên kết lại với nhau để giữ giá, chứ không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vitours hoạt động kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố đang thiếu hiệu quả, công suất sử dụng buồng phòng cả năm chỉ đạt khoảng 51%, trong khi giá bình quân rất thấp và tính mùa vụ rõ rệt, nhất là khối khách sạn từ 3 sao trở xuống; hay các hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành Đà Nẵng chưa mạnh, chưa hỗ trợ nhiều cho khối khách sạn do cạnh tranh dữ dội, nhiều thị trường còn bỏ ngỏ… Do đó, ông Tùng kêu gọi các đơn vị lưu trú cần ngồi lại với nhau đưa ra chính sách ưu đãi cho khách M.I.C.E và khách quốc tế trong mùa thấp điểm (từ tháng 9 đến 2 hàng năm) cho khách du lịch Mice, miễn phí Visa, hoặc làm Visa online khách bay trực tiếp đến Đà Nẵng và ở lại Đà Nẵng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng  cho rằng, thành phố mở rộng không gian du lịch về phía Tây Nam thành phố, phát triển du lịch đường sông, nâng cao nhận thức cộng đồng, gìn giữ môi trường, tăng cường công tác xử lý, hạn chế tiến tới xóa bỏ hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch và tình trạng ăn xin, ăn xin biến tướng trên địa bàn thành phố, đào tạo nâng cao đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đánh giá cao các ý kiến góp ý tại diễn đàn. Phó Chủ tịch cũng lưu ý để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần phải tập trung xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch, phải là vị chủ nhà thân thiện và mến khách. Hiệp hội du lịch nên xây dựng bộ quy tắc kinh doanh và các doanh nghiệp nên có cam kết với nhau khi thực hiện. Phó Chủ tịch cũng giao cho Furama chủ trì xây dựng đề án chuỗi nhà hàng ẩm thực Đà Nẵng. Liên quan đến ý kiến của các doanh nghiệp về các vấn đề trong hoạt động kinh doanh, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở VH-TT&DL tập trung làm tốt chống chèo kéo khách, chống phá giá trong hoạt động du lịch, giữ được mặt bằng giá của các cơ sở, nhà hàng; xã hội hóa các sự kiện, vừa góp phần đa dạng các hoạt động lại thu hút đông đảo khách du lịch đến với Đà Nẵng...

Xuân Đương