Diễn đàn Kinh tế miền Trung: Cần dốc lực đầu tư cho kinh tế biển
(Cadn.com.vn) - Ngày 15-8, Ban Điều phối kinh tế Trung ương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn đàn kinh tế miền Trung với chủ đề “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới”.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Diễn – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cùng lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung; các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và đông đảo doanh nhân.
Đa số các ý kiến phát biểu tại diễn đàn đều xoay quanh vấn đề miền Trung cần tập trung đầu tư khai thác lợi thế kinh tế biển, phát triển du lịch và cần có quy chế pháp lý của Ban Điều phối vùng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. |
Khai “mỏ vàng” kinh tế biển
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng duyên hải miền Trung có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Nguồn tài nguyên dầu khí, thủy sản, đất cát ven biển... là tiền đề quan trọng để phát triển công nghiệp quy mô gắn với biển.
Với mục tiêu đưa vùng trở thành khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững, phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các xã đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến; hạn chế ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, hạn hán, biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của từng vùng, từng địa phương, quy hoạch từng địa phương phải gắn với vùng có tính liên kết, phải có sự tham gia đồng bộ của chính quyền các cấp cũng nhưng những giải pháp cụ thể để ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng...
Theo GS-TS Vương Đình Huệ, miền Trung cần tập trung phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ... gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh, an toàn trên biển.
Ngoài ra, phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục chia cắt không gian kinh tế, từ đó sẽ tập trung nguồn lực Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông thôn. Ngoài ra sẽ thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển chuỗi giá trị liên kết vùng, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực.
TS Trần Du Lịch-Trưởng nhóm nghiên cứu của Ban Điều phối Vùng ví von: “Thế mạnh của miền Trung là mạnh ai nấy làm”. Theo TS, phần lớn các địa phương đều có tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình. Lịch sử hàng trăm năm các tỉnh miền Trung chưa ngồi lại với nhau nhưng cuối cùng đến nay đã ngồi lại được với nhau để cùng hợp tác phát triển. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
TS Lịch kiến nghị phải xem dải đất này là trọng điểm chiến lược kinh tế biển của nền kinh tế Việt Nam và phải có chương trình chiến lược phát triển cấp quốc gia, trong đó có 3 nhóm cực kỳ mạnh phải tập trung: đó là ngư nghiệp tập trung đánh bắt xa bờ, 28 ngàn tàu thuyền, gần 300 ngàn ngư dân nhưng chủ yếu hoạt động khai thác theo kiểu “cha truyền con nối” không phù hợp với điều kiện đánh bắt phức tạp của biển Đông. Phải đào tạo ngư dân, xây dựng cảng biển, trung tâm hậu cần, chế biến, đóng tàu và khai thác cảng biển gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế những lĩnh vực mà gắn với biển.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của kinh tế biển miền Trung, PGS-TS Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm, “khúc ruột miền Trung” như một “xương sống quốc gia” hay “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Chừng nào “đòn gánh” đó chưa cất cánh được, thì “đầu tàu” dù mạnh cũng chưa thể bay lên thực sự, thậm chí đòn gánh bị gãy lại càng nguy hiểm hơn...
Do đó, miền Trung cần được dành một sự quan tâm đúng tầm, đúng cách. Ông Thiên cũng gợi mở nhiều ý tưởng, với địa thế trước mặt là biển, sau lưng là núi, các tỉnh duyên hải miền Trung có thể dễ dàng kết nối trực tiếp với các tỉnh Tây Nguyên để tạo thành sự liên kết độc đáo “biển xanh” với “đại ngàn”.
Bên cạnh đó, “mặt tiền” có nhiều cảng biển đẹp và tốt, chứa đựng tiềm năng mở cửa - giao thương - kết nối toàn cầu, một lợi thế phát triển to lớn trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của miền Trung. Ông Thiên lưu ý thêm cảng biển đẹp, bãi biển đẹp là điều kiện nền tảng để hình thành các đô thị biển có đẳng cấp. Và đây là một loại “mỏ vàng vô tận” riêng có của duyên hải miền Trung.
Bên cạnh đó, Trung ương và địa phương cần nhanh chóng tập trung đầu tư khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ bằng những công nghệ hiện đại để vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước mắt phải thành lập ngay 2 trung tâm hậu cần biển để làm điểm tựa cho ngư dân vươn ra khơi... Vấn đề này cũng được lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia đề cập.
Kinh tế biển miền Trung sẽ phát triển đúng với tiềm năng lợi thế của nó. |
“Nhạc trưởng” là liên kết du lịch
Tiềm năng và lợi thế rõ rệt nhất của vùng là có nhiều bãi biển đẹp, thuộc loại đẹp nhất thế giới – tạo nên lợi thế cạnh tranh tuyệt đối cho vùng duyên hải miền Trung. Bãi biển đẹp sát liền với đại ngàn Tây Nguyên hay còn gọi là “biển xanh” nhân đôi lợi thế của vùng.
Hàng loạt Di sản văn hóa thế giới của miền Trung như Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn, Bảo tàng văn hóa Chăm, đất võ Tây Sơn, Lễ hội văn hóa Chăm Ninh Thuận... tạo thành chuỗi – con đường di sản văn hóa đặc sắc-mà không một nơi nào có được. Do đó, liên kết phát triển du lịch được xem là “nhạc trưởng” cho hàng loạt các liên kết hợp tác khác, PGS-TS Trần Đình Thiên cho hay.
Theo TS Trần Du Lịch, liên kết vùng, trước hết, các địa phương thực hiện ngay trong lĩnh vực du lịch, đó là du lịch biển đảo gắn với lịch sử văn hóa miền Trung. Hướng phát triển du lịch hình thành 3 cụm liên kết gắn với Tây Nguyên để đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Cụm phía bắc TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng gắn với Kon Tum; cụm giữa là Bình Định, Phú Yên gắn với Gia Lai, Đắc Lắc và phía Nam Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa gắn với Đắc Lắc và Lâm Đồng.
TS Lịch đề nghị chọn Đà Nẵng ở phía Bắc và Nha Trang ở phía Nam để làm thành phố hạt nhân, trung tâm dịch vụ, có tác động lan tỏa, lôi kéo, thúc đẩy cho các tỉnh vệ tinh trong vùng cùng phát triển. Bên cạnh đó, Trung ương cần có cơ chế, chính sách riêng cho Ban Điều phối vùng để chuyển hoạt động từ tự phát sang cơ chế tự giác.
Xác định du lịch là hàng đầu, TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói, là dải đất có truyền thống hiếu học, cần cù, dũng cảm vì sao miền Trung vẫn nghèo mãi và tụt hậu, có lẽ câu chuyện đi sai đường. Theo TS Hoàng, miền Trung có lợi thế về du lịch nhưng cũng chưa khai thác hết, có thể khai thác và phát triển thêm 100 lần so với bây giờ.
Những địa phương biết tận dụng lợi thế khai thác du lịch thì người dân có đời sống cao hơn như: Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Huế, các địa phương này lĩnh vực du lịch nộp ngân sách cũng rất khá... Chỉ có du lịch mới có mối quan hệ tương tác với nhau, tất cả các ngành khác phải đi sau. Phát triển du lịch được cả kinh tế và được cả con người, du lịch làm con người tiếp cận với các nền văn hóa khác để hoàn thiện mình.
Du lịch phát triển tốt thì người ở nơi khác họ đưa tiền đến tiêu và làm giàu cho địa phương, khi du lịch phát triển thì đất nước sẽ đẹp hơn. Ông Hoàng cũng đề nghị không nên đưa công nghiệp nặng vào khu vực ven biển miền Trung, quy hoạch du lịch rất quan trọng không nên chắp vá và vụn vặt...
Xuân Đương