Báo Công An Đà Nẵng

Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015: Nên tập trung ưu tiên 3 mục tiêu kinh tế

Thứ tư, 22/04/2015 08:56

(Cadn.com.vn) - Với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam: Biến lời nói thành hành động”, Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 đã diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-4 tại TP Vinh, Nghệ An.

Toàn cảnh diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức, với mục đích đưa ra những tham luận và trao đổi giữa các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp về các vấn đề phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong các tham luận đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô 2014 và những tháng đầu năm 2015, đa phần ý kiến chuyên gia đều đánh giá cao tính ổn định, song là ổn định ở mức độ thấp của nền kinh tế, trong bối cảnh tổng cầu phục hồi chậm và Việt Nam chưa tìm ra động lực mới cho tăng trưởng.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 vẫn diễn ra theo kịch bản cũ đó là “tiếp tục hồi phục, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”. Điểm nhấn là tăng trưởng bất ngờ ở quý III (6,07%) và quý IV (6,96%) làm cho mức tăng trưởng cả năm cao hơn hẳn so với 3 năm trở lại đây. PGS-TS Trần Đình Thiên đánh giá, kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng. Theo đó, mức hồi phục của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp, chưa vượt qua mức 6% và chưa thực sự bền vững.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng năm 2014 thấp hơn khá xa mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 1990-2010. Trong mức tăng chung, điểm nhấn được cho là nằm ở khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng cao nhất 7,14%, cao hơn nhiều so với năm trước. Tăng trưởng của Việt Nam vẫn theo nhịp điệu chung của nhiều năm là tăng cao vào cuối năm nhưng đầu năm tụt xuống, khoảng cách tăng trưởng giữa đầu năm và cuối năm cách nhau xa.

Trong khi đó, hoạt động của thị trường tài chính - tiền tệ nói chung có sự ổn định hơn trong năm 2014 so với hai năm trước đó, nhưng dường như đó chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát trên toàn hệ thống vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, rõ ràng nhất là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu mang tính cơ học, phi thị trường. Tốc độ khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên nhưng tư nhân lại giảm mạnh. Điển hình những địa phương như: Bình Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh... nhận được nhiều FDI vào mạnh thì tăng trưởng tăng mạnh còn những địa phương nhận được ít FDI như Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An... thì tăng trưởng ít hơn. Trong khi đó, 90% kim ngạch của Việt Nam thanh toán bằng đồng USD. Ngân hàng Nhà nước phát thông điệp ổn định tỷ giá 2%, nhưng 4 tháng đầu năm nay đã chiếm đến 1% và theo đánh giá của ông Thiên, năm nay vấn đề tỷ giá sẽ là sức ép lớn.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tới thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam luôn ở dưới mức 65%. Bên cạnh đó, tính thanh khoản nợ công của Việt Nam được đánh giá khá tốt với trên 80% các khoản nợ nước ngoài là dài hạn với lãi suất thấp. Với những con số thống kê kể trên, khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là cần cân nhắc trong tương lai ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65%; khả năng trả nợ là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, cách tính toán về nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam có những sai lệch ở các nguồn khác nhau và tại các thời điểm khác nhau.

Vì vậy, việc đánh giá rủi ro đối với nợ công Việt Nam không thể dựa trên các khoản nợ ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước dù không được Chính phủ bảo lãnh, nhưng khi gặp vấn đề về khả năng thanh toán, có thể vẫn phải dùng đến ngân sách Nhà nước để trả nợ. Mặt khác, về mặt chi tiêu công, Việt Nam hiện ở mức rất cao so với các nước. Chi tiêu Chính phủ của Việt Nam luôn chiếm tới hơn 30% GDP trong những năm gần đây. Mức bội chi ngân sách tiếp tục tăng từ mức dự kiến 224.000 tỷ đồng trong năm 2014 lên 226.000 tỷ đồng năm 2015. Việc điều chỉnh và cắt giảm chi tiêu công có cải thiện nhưng chưa hiệu quả, bộ máy công quyền hiện vẫn cồng kềnh và tốn kém.

Từ những phân tích trên, PGS-TS Trần Đình Thiên khẳng định: Việt Nam không nên quá tập trung cho tăng trưởng chạy theo con số mà nên tập trung ưu tiên cho 3 mục tiêu là tái cơ cấu và cải cách hành chính; tập trung cho hội nhập; và ưu tiên tập trung tháo gỡ nút thắt nợ xấu và tỷ giá.

Dương Hóa