Báo Công An Đà Nẵng

Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”

Thứ hai, 18/11/2019 07:39

Sáng 16-11, Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 1.500 đại biểu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục... tới dự.

Diễn đàn mang thông điệp “Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tâm kỹ năng lao động Việt Nam”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức “Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường đồng hành đổi mới, nâng cao chất ượng giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.

Khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi

Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam. Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. Do đó, thay đổi, nhất là ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử... là yêu cầu cấp bách.

Lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH cũng cho biết, đến nay, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia; 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được cấp 2 bằng để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại phát biểu trước Quốc hội rằng nguồn lực phát triển đất nước ta không phải rừng vàng biển bạc, mà cái chính đó là gần 100 triệu người Việt Nam. Do đó, kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị quốc gia, kỹ năng quản trị ngành, lĩnh vực hay địa phương; nói chung là năng lực trí tuệ, năng lực nghề nghiệp của từng người trong hệ thống quyết định sự phát triển. Thủ tướng nêu rõ, nhân lực có kỹ năng, nhất là người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định, trong đó có sự đồng hành của doanh nghiệp phải được coi là trọng tâm đột phá để gắn kết nhu cầu của nền kinh tế với chương trình đào tạo kĩ năng.

Trong 30 năm trở lại đây, gia tăng dân số và lực lượng lao động đã trở thành động lực quan trọng đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia. Tuy nhiên,  kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu giới hạn so với quy mô của nền kinh tế và vì lẽ đó nâng cao năng suất lao động của lực lượng lao động có vai trò quyết định trong việc tăng trưởng, trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhấn mạnh đến đặc điểm của người Việt Nam khéo léo, tinh xảo, rất giỏi nghề nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp, nhất là các mô hình đào tạo  trong doanh nghiệp, trường bên cạnh doanh nghiệp như Thaco Chu Lai, Golf  Long Thành, Viettel, VinCom, Vietjet, FPT... Ở nước ngoài cũng có rất nhiều doanh nghiệp có trường dạy nghề rất tốt như Sam Sung, đào tạo đến vài trăm nghìn lao động...  Nhiều cơ chế hợp tác 3 bên Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp đã có sự vận hành tốt.

3 nguyên tắc

Thắng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức hay những khuyết điểm trong giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng chỉ rõ: Tỷ lệ lao động qua đào tạo của bằng cấp chứng chỉ nói chung ở Việt Nam còn thấp. Là một nước có số dân về lao động đứng thứ 3 ở ASEAN, sau Indonesia và Philippines nhưng quy mô lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam chỉ trên 25%, bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Nhiều nước tỉ lệ này là 50%. Như vậy lao động có nghề có bằng cấp thấp. Thứ hai cơ cấu lao động qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lí. Vẫn còn tình trạng thiếu thày thiếu thợ.

Thủ tướng định hướng giai đoạn tới với  3 nguyên tắc. Nguyên tắc 1, cần bám sát  hơn nữa nhu cầu thực tiễn của thị trường bảo đảm hài hòa cung cầu lao động có kĩ năng nghề. Gắn kết chặt chẽ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp thông qua cơ chế ưu đãi khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo nghề, chương trình xây dựng kĩ năng nghề quốc gia, chương trình đào tạo đến kiến tập, thực hành đánh giá chất lượng đào tạo, tuyển dụng học viên tốt nghiệp. Nguyên tắc 2 là phát triển đào tạo nghề có chuẩn mực chất lượng quốc tế đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đó là kĩ năng chuyên môn và kĩ năng mềm phù hợp với thách thức hội nhập và toàn cầu hóa, xu hướng phát triển của nền kinh tế nước ta. Và nguyên tắc 3 đặc biệt nâng cao tính dự báo, cần hiểu nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu nhân lực, kỹ năng cao của doanh nghiệp  và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp và nhà trường.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Muốn trò giỏi phải có thầy hay. Thầy ra thầy. Thợ ra thợ”. Các tỉnh, thành địa phương có trường đào tạo nghề cần có chính sách ưu tiên cho các dự án có sự phối hợp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp  với doanh nghiệp, từ 10 đến 15% các dự án trên địa bàn. Từ đó gián tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mô hình đào tạo mới về nghề nghiệp, thí điểm mô hình đào tạo học sinh sau THCS vào học Cao đẳng, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh quá trình  sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo luật, giảm đầu mối thực hiện công lập đến 2025 – 2030 theo hướng chất lượng, hiệu quả.  Xây dựng mạng lưới giáo dục nghề nghiệp  quốc gia để dự báo ngắn hạn, trung hạn dài hạn về nhu cầu nhân lực, nhu cầu việc làm, nhu cầu ngành nghề, bằng câp trình độ đào tạo, phát triển ứng dụng kết nối nhu cầu lao động. Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp các cơ quan liên quan để đẩy mạnh  hoạt động truyền thông, tôn vinh nhân lực có kĩ năng, lập quỹ khen thưởng thu hút giới trẻ tham gia.

B.T – Q.V