Báo Công An Đà Nẵng

Diện kiến "ma rừng" Pù Mát

Thứ sáu, 06/09/2013 10:54

(Cadn.com.vn) - Gần nửa thế kỷ không biết đến quần áo, không ra khỏi nhà, không tắm rửa, không học chữ... nhưng "dị nhân" Lô Văn Yên (1962, ở bản Piềng Đồn, xã Tam Đình, H.Tương Dương, Nghệ An) lại tính toán thông thạo, tự sửa chữa được các thiết bị điện tử và đan lưới rất giỏi. Người dân bản địa gọi ông là "ma rừng".

44 năm "không mặc gì"

Giữa đại ngàn Pù Mát xanh thẳm, không khó để tìm ra nơi ở của "dị nhân" Lô Văn Yên. Ông nằm đó trên chiếc giường cũ kỹ, với chiếc chăn quấn khắp người, ánh mắt ngơ ngác nhìn người lạ, nhưng tay thì vẫn thoăn thoắt đan lưới.

Trưởng bản Lô Khăm Thiện cho biết, Lô Văn Yên sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Gia đình nghèo, lại đông anh em nên cuộc sống rất khó khăn, mỗi năm Yên chỉ được một bộ quần áo. Năm tròn 7 tuổi, Yên bỗng sinh chứng ngại mặc quần áo, kể cả khi có quần áo mới. Thế rồi một hôm nhà có khách, thấy Yên không mặc quần áo, bố mẹ lấy làm xấu hổ, vội bắt mặc đồ vào. Nhưng vừa mặc quần áo xong, Yên chạy thẳng vào buồng, trút bỏ quần áo, lấy chiếc chăn quấn quanh người và ở lỳ trong đó. Từ bấy đến nay, Lô Văn Yên chỉ quàng mỗi chiếc chăn, không bước chân ra khỏi buồng, đến bữa bố mẹ phải mang cơm cho cậu ăn riêng. Chẳng mấy chốc, từ một cậu bé mạnh khỏe, Yên đã trở nên xanh xao, gầy còm, hai chân teo dần và trở thành người tàn tật.

"Dị nhân" Lô Văn Yên rất "kiệm lời" khi tiếp xúc với người lạ.

Trước hành động kỳ lạ của Yên, lo sợ bị "ma" nhập nên gia đình đã mời thầy mo khắp các bản đến để cúng "đuổi tà", nhưng không chuyển biến. Cũng từ đó, người dân đã thêu dệt câu chuyện kỳ bí về con "ma rừng" Lô Văn Yên, rằng hàng đêm cứ có một bóng ma không mặc đồ quấn chăn trên đầu lao vút vào bóng đêm. Câu chuyện về "ma rừng" Lô Văn Yên nhanh chóng lan truyền khắp các bản làng quanh vùng. Piềng Đồn có dạo cứ mỗi khi trời chạng vạng tối, các con đường trở nên vắng ngắt, mọi người đều đổ dồn về phía nhà Lô Văn Yên với cặp mắt nghi hoặc, thăm dò. Tất cả đều hoang mang trước sự bí ẩn về một con người biết ăn, uống, biết làm việc nhưng không ngủ,  không tắm, trùm chăn 4 mùa và tuyệt nhiên không mặc quần áo. Gia đình cũng đã nhiều lần vay mượn tiền và động viên Yên đi khám nhưng tất cả đều thất vọng khi "dị nhân" nhất quyết không chịu rời khỏi chiếc giường của mình.

Những khả năng kỳ lạ

Từ ngày bị liệt, Lô Văn Yên không ra khỏi nhà mà chỉ nằm nguyên một chỗ trên chiếc giường riêng. Cũng từ đó, người nhà, hàng xóm, bạn bè chưa một lần thấy Yên tắm gội. Điều lạ là dù không tắm gội nhưng người Yên không hôi hám. Người nhà cũng theo dõi nhưng suốt mấy ngày liền, Yên vẫn nằm bất định, không rời nửa bước, vẫn ăn uống bình thường như bao người...

Điều kỳ lạ là dù nằm một chỗ nhưng người đàn ông này lại có lắm biệt tài. Đầu tiên là dù chưa một lần đến trường, chưa một lần được học chữ nhưng ông lại tính toán rất giỏi. Không biết mặt chữ, mặt số nhưng lại cộng trừ nhân chia rất thuần thục. Ngoài việc biết tính toán, Yên còn rất khéo tay trong việc đan lát, đặc biệt là đan chài, lưới cho bà con đánh cá trên sông Lam.

Cơ duyên đến với nghề đan chài, lưới cũng thật tình cờ. Lô Văn Yên kể: "Chỉ học đan chài, lưới khoảng 1 giờ đồng hồ từ người dưới xuôi lên, sau đó tự mày mò học lấy. Giờ đây mỗi cái đan khoảng 15 ngày là xong". Cũng nhờ vậy nên ông Yên trở thành người vá, sửa, đan chài lưới cho cả bản hàng chục năm nay. Mỗi bộ chài ông đan được mọi người trả công khoảng 300.000 đồng/ cái. Ông bảo: "Chỉ làm giúp bà con trong bản thôi, người ngoài thì không làm mô. Phải làm cho kịp giúp bà con mới có đồ để bắt cá, gùi măng, gùi bắp về để kiếm cái ăn hằng ngày thôi". Điều đặc biệt là, trong công việc đan rổ rá, chài lưới, sửa chữa điện tử, làm lưỡi câu... ông đều nằm trên giường để làm.

Ông Lô Văn Dũng, anh trai của "dị nhân" Lô Văn Yên cho biết thêm: "Gia đình cũng nhiều lần có ý định đưa Yên đi bệnh viện khám, nhưng Yên không đồng ý nên đành chịu. Thế rồi đành làm cho cái phòng ở riêng phía trong nhà để tiện sinh hoạt, từ đó đến nay cứ quấn chăn kín đầu và quanh người chứ không chịu mặc quần áo". Gia đình sợ ông ở nhà buồn nên mua cho cái cassette để nghe. Nghe bản tin thời sự, bản tin dự báo thời tiết xong ông nhớ rất lâu và truyền đạt lại cho mọi người cùng biết. Điều kỳ diệu hơn là ông còn có thể sửa chữa đồ điện dân dụng, quấn cuộn dây cho mô-tơ bị cháy, cassette bị hỏng...  Công việc này cả bản không ai biết và ông cũng chưa bao giờ được học cả. Với tài lẻ này, ông Yên trở thành "trung tâm sửa chữa điện máy" cho cả bản Piềng Đồn.

Ông Lô Vĩnh Tình, Chủ tịch UBND xã Tam Đình xác nhận, Lô Văn Yên là một trường hợp đặc biệt của bản Piềng Đồn. Xã cũng đã làm hồ sơ để ông Yên được hưởng chế độ trợ cấp cho người tàn tật mỗi tháng. Ngoài ra ông còn kiếm thêm tiền bằng việc đan lưới, chài, thúng, rổ rá nên cuộc sống gia đình cũng bớt phần khó khăn so với trước đây.

Piềng Đồn nắng chiều vàng vọt, "dị nhân" Lô Văn Yên vẫn nằm đó với chiếc chăn đỏ quấn kín người, nở nụ cười tiễn khách, đôi tay vẫn thoăn thoắt đan chài cho bà con trong bản kiếm con cá, con tôm...

X.S