Điện mặt trời trên mái nhà phát triển mạnh
Trong 2 năm trở lại đây, với những chính sách khuyến khích của Chính phủ về cơ chế giá đã đưa điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nói riêng tại tỉnh Đắk Lắk phát triển rầm rộ, thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư tư nhân.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà do Cty TNHH Đại Tiến thi công tại Đắk Lắk. |
Hàng trăm nguồn điện hòa vào hệ thống
Theo thống kê, đến cuối tháng 5-2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 665 dự án ĐMTMN với tổng công suất trên 42.600 kWp đưa vào vận hành thương mại. Theo dõi biểu đồ số liệu qua các giai đoạn, có thể thấy rõ từng bước biến động của thị trường ĐMTMN khi chỉ trong một thời gian ngắn, lưới điện đã đón nhận hàng trăm nguồn điện hòa vào hệ thống.
Cụ thể, trong cùng kỳ năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 242 công trình ĐMTMN đóng điện với tổng công suất gần 17.300 kWp. Đây được đánh giá là giai đoạn đầu tiên gây nên một cơn sốt về điện mặt trời khi cơ chế giá ưu đãi rất hấp dẫn (quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11-4-2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6-2017 đến ngày 30-6-2019). Sau thời điểm này, các dự án vẫn tiếp tục triển khai, tuy nhiên, tốc độ chậm dần và phân bố rải rác ở một số khu vực như: TP Buôn Ma Thuột, H. Krông Pắk, H. Cư Mgar...
Từ ngày 30-6-2019 cho đến đầu năm 2020, các thông tin cập nhật mới về giá điện mặt trời vẫn chưa được chính thức công bố. Tuy nhiên, nắm bắt xu thế phát triển, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn bỏ ra một số tiền lớn xây dựng các công trình ĐMTMN. Nhờ đó, thị trường lại bắt đầu sôi động trở lại và bắt đầu tăng tốc khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Các dự án phát triển nhanh chóng với quy mô ngày càng lớn; trong đó, các công trình nhỏ được đấu nối trực tiếp vào lưới hạ áp, còn các công trình có quy mô xấp xỉ 01 MWp được đấu vào lưới trung áp. Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện đã đóng điện 22 công trình có quy mô trên 1MWp, 57 công trình đã thỏa thuận đấu nối và 240 công trình đang đăng ký, chờ phê duyệt. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đắk Lắk đã phát triển thêm 423 công trình với tổng công suất 25.400 kWp được áp dụng giá điện mới. Sự phát triển này là tín hiệu mừng vì giúp cung cấp thêm nguồn điện “sạch” cho quốc gia trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện cận kề.
Theo ông Lê Đại Nhất - Giám đốc Cty TNHH Đại Tiến, chỉ trong khoảng thời gian từ 4-6 năm, chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đã hoàn toàn thu hồi vốn. |
Lợi ích lớn
Trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Lê Đại Nhất, Giám đốc Cty TNHH Đại Tiến, một trong những doanh nghiệp chuyên thi công công trình điện mặt trời tại địa bàn Đắk Lắk cho biết: Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng ĐMTMN trên địa bàn. Thứ nhất là điều kiện tự nhiên. Địa bàn Đắk Lắc có bức xạ cao, số giờ nắng nhiều hơn các địa phương khác. Thêm vào đó, do ít chịu tác động của gió biển, công trình ĐMTMN có tuổi thọ lâu hơn. Thứ hai là sự hỗ trợ rất mạnh mẽ của chính sách, với rất nhiều ưu đãi cho người đầu tư hệ thống ĐMTMN. Chẳng hạn, Chính phủ quy định, điện lực phải mua lại phần điện thừa của các chủ đầu tư với giá 8,38 cent/kWh (khoảng 1.900 đồng/kWh) liên tục trong 20 năm, việc tính giá điện ra VND phụ thuộc vào biến động của giá USD. Thứ ba là, hiện nay, giá thành đầu tư ĐMTMN tương đối thấp, chỉ khoảng 10 – 15 triệu đồng/m2. Với mức đầu tư này, các hộ thu về được số điện có thể thắp sáng 20 bóng tuýp loại 1,2m. Theo tính toán của chúng tôi, chỉ trong 4-6 năm, các hộ đã hoàn toàn thu hồi vốn đầu tư, thời gian còn lại là lãi ròng. Rõ ràng, đây là những lợi ích kinh tế rất lớn đối với nhà đầu tư. Đó là chưa kể đến, việc tham gia đầu tư hệ thống ĐMTMN cũng góp phần nhất định vào phát triển năng lượng sạch, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Tuy nhiên, sự bùng nổ mạnh với tốc độ nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn của nó cũng đặt ra nhiều thử thách đối với hệ thống điện và hệ thống quản lý của PC Đắk Lắk. Thực tế cho thấy, mặc dù mặt bằng chung số giờ nắng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ở mức cao, cường độ bức xạ lớn tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng các công trình ĐMTMN tập trung vào một số khu vực nhất định, gây nguy cơ quá tải cục bộ lưới điện. Đồng thời, số lượng công trình ĐMTMN đang tăng đột biến cũng đặt ra áp lực lớn đối với bộ phận tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của khách hàng.
Theo đó, các đơn vị vừa phải đảm bảo đáp ứng kịp tiến độ đóng điện vừa không để xảy ra tình trạng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tính chất pháp lý. Đặc biệt, đối với các khu vực năng lực hệ thống không đảm bảo đủ cho tất cả nhu cầu đấu nối của khách hàng đòi hỏi đơn vị phải công khai, minh bạch trong việc cho phép đấu nối, đảm bảo sự công bằng và không để xảy ra khiếu nại. Đây thật sự là một thách thức không nhỏ đối với PC Đắk Lắk nói riêng và ngành điện nói chung.
YÊN BÌNH – NGUYÊN AN