Điệp khúc được mùa mất giá
(Cadn.com.vn) - Vào thời điểm này, mùa khai thác hải sản của ngư dân H. Núi Thành (Quảng Nam) đã cơ bản kết thúc. Một mùa vụ đầy khó khăn thử thách, có những cái được, mất đan xen nhưng điệp khúc “được mùa mất giá” thì vẫn cứ lặp lại...
Ra quân đánh bắt hải sản năm 2014, H. Núi Thành có lực lượng hùng hậu lên đến 1.500 tàu thuyền, trong đó có 242 tàu có công suất máy 90 CV trở lên. Cơ bản kết thúc mùa khai thác, toàn huyện đạt 33.880 tấn hải sản, tăng 5,55% so với cùng kỳ năm ngoài, vượt 9,29% kế hoạch. Năm nay, nghề câu mực khơi đạt sản lượng khai thác cao và hiệu quả nhờ “mực được mùa, được giá”.
Ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang vui mừng chia sẻ “với hơn 50 phương tiện tàu thuyền ra khơi, ngư dân Tam Giang đã khai thác hơn 10.500 tấn mực tươi (tương đương hơn 2.000 tấn mực khô). Giá bán ổn định từ 7 đến 8 triệu đồng/ 1 tấn mực khô nên thu nhập của ngư dân đạt khá cao. Nhiều tàu có doanh thu 2 đến 3,5 tỉ đồng/1 chuyến biển...”.
Tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: Văn Phin |
Ngư dân câu mực thì vui nhưng phần đông còn lại vẫn... bấp bênh với nghề. Nguyên nhân là do mực được giá nhưng cá lại rớt giá. Đơn cử tại xã Tam Quang, địa phương có 352 tàu thuyền với tổng công suất máy 31.300 CV, chủ yếu làm nghề khai thác cá như lưới vây đêm, lưới vây ngày đánh bắt xa bờ.
Tổng sản lượng đạt 16 ngàn tấn hải sản các loại, chiếm một nửa tổng sản lượng khai thác hải sản của cả H. Núi Thành, tăng 10,34% so với năm 2013, tổng giá trị sản lượng đạt 248,2 tỉ đồng. Tuy vậy, thu nhập của chủ tàu và ngư dân xã Tam Quang lại giảm sụt so với mùa biển năm ngoái. Nguyên nhân lớn nhất là giá bán các loại cá thấp, không ổn định, mặt khác bị tư thương ép giá nên gây thất thu lớn cho ngư dân.
Ông Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông), chủ đội tàu lưới vây đánh bắt xa bờ gồm 3 chiếc, khai thác được 350 tấn cá ngừ, cá nục, nhưng do mất giá nên doanh thu chỉ đạt 10,5 tỉ đồng, mỗi lao động đi tàu của ông Tạo chỉ thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng, giảm 30 triệu đồng so với năm ngoái. Ông Tạo cho biết “Khi tàu cập bến với 20 tấn cá ngừ, ngày đầu bán được giá 30 ngàn đồng/1kg, ngày sau, tư thương ép xuống còn 20 ngàn đồng/1kg, làm tôi mất đứt 100 triệu đồng.
Tôi đề nghị Nhà nước quan tâm xây dựng cảng cá hoặc chợ cá đầu mối ở tại một trong các xã biển tại H. Núi Thành để tránh tình trạng “đầu nậu” làm giá, ép giá với ngư dân”. Ông Tạo cũng cho biết thêm “ở 5 xã biển Núi Thành, tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhưng chi có 3 “đầu nậu” tư nhân thu mua hải sản. Họ câu kết với nhau và cả với những tư thương nơi khác để “làm giá”, ép giá ngư dân...”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND H.Núi Thành, cũng đồng ý với nhiều ngư dân rằng tỉnh nên sớm chọn địa điểm phù họp để xây dựng cảng cá hoặc chợ đầu mối phục vụ các tàu đánh bắt hải sản xa bờ ở Núi Thành. Có như vậy, ngư dân mới có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống...
Văn Phin