Báo Công An Đà Nẵng

Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân

Thứ sáu, 10/08/2018 07:32

Ngày 9-8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đồng chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các đại biểu nghe giới thiệu về việc điều chỉnh địa giới hành chính qua các thời kỳ.

Hơn 82% đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt tiêu chuẩn quy định

Đánh giá về thực trạng tổ chức đơn vị hành chính các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm.

Tuy nhiên, quá trình chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước. Việc chia tách đã gây ra nhiều khó khăn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó còn gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ, làm chia, tách không gian văn hóa - xã hội ở một số vùng, miền.

Hiện nay, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn. Có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số; trong đó có 259 đơn vị (chiếm 36,33%) chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số, có 18 đơn vị (chiếm 2,52%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số. Có 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số; trong đó 6.191 đơn vị (chiếm 55,46%) chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số, có 637 đơn vị (chiếm 5,71%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Phải lấy ý kiến nhân dân

Đề án đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một đơn vị hành chính cùng cấp liền kề. Khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì chỉ thực hiện một lần sáp nhập. Không nhất thiết đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập phải đạt đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số theo quy định, nhưng ít nhất cũng phải đạt một trong các tiêu chí: cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số đều đạt trên 50% theo quy định; hoặc có 1 tiêu chuẩn đã đạt từ 100% theo quy định trở lên.

Đề án cũng đặt vấn đề không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số nếu có một trong các yếu tố đặc thù: có điều kiện vị trí địa lý - tự nhiên biệt lập với các đơn vị hành chính khác (hải đảo, cù lao chàm, vùng sâu, vùng xa...); có truyền thống, lịch sử hình thành và giữ ổn định từ trước năm 1945 đến nay; có đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống cộng đồng dân cư mà nếu sáp nhập với các đơn vị hành chính khác sẽ gây xáo trộn, tạo bất ổn về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, mục tiêu của sắp xếp đơn vị hành chính là làm tinh gọn bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Địa phương nào rà soát, đủ điều kiện, nhân dân đồng tình thì làm. “Nhân dân đồng thuận mới nên làm, còn không đồng thuận thì không nên, không áp đặt ý chí nhà nước khi mà chưa có sự đồng thuận của nhân dân. Lấy ý kiến đúng theo quy định của luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng tình với quan điểm từ nay đến năm 2021 tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Theo đó, sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện và 637 đơn vị cấp xã. Đây là số lượng bắt buộc phải sắp xếp. “Còn nếu các địa phương mở rộng thêm số lượng thì Bộ Chính trị, Chính phủ rất hoan nghênh và khuyến khích”, Phó Thủ tướng nói.

Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với việc sáp nhập các đơn vị hành chính, Phó Thủ tướng nêu rõ, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đều phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân và khi có hơn 50% số cử tri trên địa bàn đồng ý mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, cần thực hiện đúng quy định hiện hành, điều này thể hiện đúng bản chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân trên địa bàn cần phải lấy ý kiến nhân dân và phải làm cho thực chất, phản ánh đúng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

THU THỦY – TTXVN