Báo Công An Đà Nẵng

Điêu đứng vì thủy sản vụ Tết chết hàng loạt

Thứ năm, 29/11/2018 20:00

Hàng chục tấn thủy sản của một số hộ dân tỉnh Quảng Nam cất công đầu tư, chăm sóc mong bán dịp Tết Nguyên đán bỗng dưng chết hàng loạt khiến người nông dân lâm vào cảnh điêu đứng. Sáng 27-11, đưa chúng tôi đi vớt cá chết trên lòng hồ đập Trà Cân (thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Quảng Nam) mang đi tiêu hủy, ông Nguyễn Trí Tài  (56 tuổi, trú thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp) thẫn thờ kể: "Lúc 3 giờ sáng 25-11, tôi ra kiểm tra các ao cá diêu hồng nuôi trong lồng bè tại đập Trà Cân thì phát hiện cá nổi lên mặt nước thở rất nhiều. Thấy vậy, tôi sục khí ô-xi cho tất cả 20 ao cá, một lúc sau cá bắt đầu tỉnh lại. Tuy nhiên, đến chiều 26-11 tình trạng này lại diễn ra, lần này cá bắt đầu chết dần, đến sáng thì chết hoàn toàn, nổi trắng hồ. Các loại cá trám, cá mè... trong hồ cũng nổi lừ đừ, chết nhiều.  Theo kinh nghiệm của tôi thì cá chết do thiếu ô-xi, bởi mấy ngày qua thời tiết có mưa nên lượng a-xít trong hồ tăng lên tạo phản ứng hóa học với nhiều chất tích tụ trong lòng hồ dẫn đến tình trạng nước bị thiếu ô-xi. Vụ này tôi nuôi 20 ao cá diêu hồng trong lồng bè, cá đã nuôi được hơn 4 tháng nặng khoảng 1,4kg có thể xuất bán nhưng tôi chờ bán dịp Tết Nguyên đán để được giá cao hơn. Ước tính khoảng 40 tấn cá, tôi thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng".

Thủy sản nuôi bán dịp Tết chết bất thường khiến người dân lâm vào cảnh điêu đứng.

Tương tự, mặc dù ông Huỳnh Châu (50 tuổi, trú thôn Phú Đông) đã dùng nhiều cách tạo ô-xi để cứu số cá diêu hồng của mình nhưng "lực bất tòng tâm", đành đứng nhìn hơn 12 tấn cá chết dần. Ngoài nỗi lo thiệt hại do cá chết thì ông Châu còn phải bỏ ra một khoản tiền lớn thuê người vớt số cá chết vận chuyển đi tiêu hủy vì để lâu sợ nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của các hộ khác lấy nước từ con đập này. "Tình trạng cá chết do thiếu ô-xi đã từng xảy ra tại đây vào năm 2014, năm đó tôi thiệt hại rất lớn. Còn vụ này tôi đầu tư nhiều hơn mong bán dịp Tết được giá cao để trả nợ tiền con giống, thức ăn, còn dư thì chi tiêu dịp Tết nhưng nay trắng tay rồi"-ông Châu tâm sự. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Trà My-Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân nuôi cá lồng bè tại đập Trà Cân chết hàng loạt, xã đã cử cán bộ nông nghiệp xã đến kiểm tra, lập báo cáo gửi Phòng Nông nghiệp H. Đại Lộc sớm kiểm tra nguyên nhân cá chết để có biện pháp nhằm giải quyết, hỗ trợ cho bà con.

Cách đây 2 tuần, chỉ trong 1 đêm, gần 90 vạn con tôm thẻ chân trắng được nuôi gần 45 ngày chuẩn bị xuất bán dịp Tết Nguyên đán của gia đình ông Đỗ Minh Thêm (57 tuổi, trú xã Tam Hòa, H. Núi Thành, Quảng Nam) bỗng dưng nổi lừ đừ trên mặt nước, đỏ đỏ rồi chết hoàn toàn, tổng thiệt hại gần 400 triệu đồng. Trước đó, hàng chục tấn tôm, cua, cá của gần 30 hộ dân có ao nuôi thủy sản gần sông Trường Giang (xã Tam Hiệp, H. Núi Thành) nuôi bán dịp Tết cũng bị chết bất thường, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngoài thiệt hại về số lượng thủy sản nuôi bị chết, người dân còn phải tốn hàng trăm triệu đồng để cải tạo lại ao hồ mới có thể tiếp tục nuôi trồng nên thiệt hại kinh tế càng lớn.

Trước tình trạng này, các cấp chính quyền cần quan tâm, hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật nhằm giúp bà con có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi trồng thủy sản được thuận lợi, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.

LÊ VƯƠNG