Điều gì đang cản trở PPP?
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-5, CLB Cán bộ trẻ phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Tạo nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng theo mô hình hợp tác công – tư (PPP)”. Nhiều vấn đề đã được nêu ra trong việc áp dụng và phát huy hiệu quả của mô hình đầu tư PPP tại thành phố Đà Nẵng.
Ông Hubert Jenny tham gia ý kiến trong buổi hội thảo. |
Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó cục trưởng Cục quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết: Mô hình hợp tác công – tư (PPP) xuất hiện ở Việt Nam khá sớm và được đánh giá là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội. Bởi, để đầu tư cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho sự phát triển KT-XH, không một chính phủ nào có thể kham nổi toàn bộ kinh phí, cũng không có một nhà đầu tư tư nhân nào có thể làm được. Do đó, hai bên phải hợp tác với nhau.
Tại Việt Nam, mô hình PPP đã xuất hiện từ những năm 1990 và Chính phủ đã ban hành quyết định về Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức này. “Hiện mỗi năm đất nước ta cần 40 tỷ USD cho nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng khả năng đầu tư của chúng ta chỉ đạt 8 tỷ USD/ năm. Dẫn đến sự mất cân đối trong nhu cầu đầu tư, tác động không tốt đến phát triển kinh tế xã hội, vì vậy việc tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này là điều rất tốt. Tuy vậy, có một thực tế đáng buồn là chưa có dự án PPP nào được triển khai ở Việt Nam, tất cả đều nằm trong giai đoạn chuẩn bị” – bà Lê nói.
Vậy điều gì cản trở mô hình PPP được thực hiện ở nước ta?
Theo phân tích của các chuyên gia tại hội thảo, có rất nhiều nhân tố cản trở PPP: Khung pháp lý chưa đầy đủ; năng lực của cả khu vực công và khu vực tư còn thiếu và yếu; nguồn vốn đầu tư của Nhà nước giảm, khó khăn cho việc xem xét, bố trí đối ứng cho dự án PPP.
Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân chính thúc đẩy hình thức PPP, đó là thu hút vốn đầu tư tư nhân để bổ sung cho nguồn vốn hạn chế của Nhà nước; tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực có sẵn hiệu quả hơn, bởi khu vực tư nhân với công nghệ, năng lực và kinh nghiệm quản lý kinh doanh của mình sẽ khai thác, tạo ra dịch vụ chất lượng hơn; và cải cách cơ chế quản lý của Nhà nước, vì khi khu vực tư nhân tham gia, buộc khu vực Nhà nước phải tăng cường quản lý. Điều đó giúp đầu tư PPP trở thành lựa chọn tối ưu. Và thực tế ở các nước phát triển, mô hình PPP đã đóng vai trò nhất định trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. |
Riêng ở TP Đà Nẵng, dù được xem là một trong những địa phương đi đầu trong thúc đẩy PPP, những khó khăn nêu trên vẫn hiện hữu. Ông Kozo Bando – kỹ sư trưởng tập đoàn Kaijma (Nhật), đơn vị tham gia xây dựng Nhà máy nước ở xã Hòa Liên (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết dự án này rất tiềm năng, hứa hẹn sẽ mang lại thành công trong sự hợp tác giữa khu vực công và tư. “Điều cần thiết là chúng ta phải tăng cường đối thoại, giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình hợp tác, thực hiện” – ông Kozo Bando nói.
Đề cập khía cạnh khác, ông Hubert Jenny – Chuyên gia phát triển đô thị cao cấp khu vực Đông Nam Á (Ngân hàng phát triển Châu Á) cho rằng: “Ngoài lựa chọn đối tác tư nhân phù hợp, đảm bảo tài chính cho dự án PPP thì cần phải có cam kết mạnh mẽ, vững chắc và sự nhất quán của chính quyền đối với việc đầu tư dự án PPP để đảm bảo sự thành công của mô hình đầu tư này”.
Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng nhận định: “PPP là mô hình mới nên chúng ta phải vừa làm, vừa nghiên cứu. Ngoài ra phải để người dân và cả cán bộ các sở, ngành hiểu được PPP là gì, cần thiết thì mở các lớp đào tạo về PPP, từ đó tạo sự đồng thuận để thực hiện dự án. Đồng thời chúng ta cần phải tranh thủ các nguồn hỗ trợ, vận động các nhà đầu tư quốc tế tham gia, phân cấp cho từng địa phương thực hiện PPP... có như thế mới mang lại thành công cho mô hình mới này”.
Hoàng Anh