Báo Công An Đà Nẵng

Điêu khắc trong đời sống người Cơ Tu...

Thứ sáu, 11/10/2013 13:25

(Cadn.com.vn) - Đời sống văn hóa của người Cơ Tu sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Nam khá đa dạng và nhiều chiều kích, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần và tâm linh phong phú của đồng bào. Bên cạnh những phong tục, tập quán, những nghi thức và lễ hội độc đáo tồn tại từ bao đời... người Cơ Tu còn có một môn nghệ thuật rất xuất sắc, thể hiện sâu sắc về thế giới cuộc sống cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những sinh hoạt truyền thống, những tinh hoa văn hóa hay những vẻ đẹp nguyên thủy của con người, đó là nghệ thuật Điêu khắc gỗ...

Nghệ nhân kỳ cựu Bhriu Pố ở Tây Giang khẳng định:  Điêu khắc của người Cơ Tu có từ lâu đời. Ở các Gươl làng hay trong từng mái nhà của đồng bào đều được trang trí bằng điêu khắc đủ loại. Điêu khắc về con người, loài vật hay những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội... Trước đây, do chiến tranh tàn phá, điêu khắc của người Cơ Tu bị mai một, bị lãng quên... Từ khi có nghị quyết Trung ương V khóa 8 của Đảng về vấn đề giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... người Cơ Tu đã thực hiện rất tốt chủ trương này và từng bước khôi phục nghệ thuật điêu khắc, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của mình...". Có thể nói ít có địa phương miền núi nào của Quảng Nam lại có sự quan tâm sâu sắc đến văn hóa và nghệ thuật của đồng bào như ở Tây Giang.

Việc 2 năm một lần, huyện tổ chức cuộc thi tài điêu khắc của các nghệ nhân ở khắp các bản làng để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau... đã phản ánh rõ nét sự quan tâm đầu tư cho việc gìn giữ và phát triển văn hóa-nghệ thuật truyền thống ở mảnh đất này. Việc bảo tồn, phát triển điêu khắc Cơ Tu có vai trò rất lớn của già làng. Họ là cây cao bóng cả, là người có uy tín tập hợp được lực lượng trẻ có năng khiếu trong làng để truyền nghề và thổi vào tâm hồn những người trẻ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ gìn nghệ thuật điêu khắc trong đời sống người Cơ Tu. Chị Pơ-liên Hon, một cô gái trẻ Cơ Tu ở thôn Azin xã Ga-ri khẳng định: "Ở Ga-ri, những người già đã truyền đạt về điêu khắc truyền thống cho thế hệ trẻ. Pơ lăng Mơi là một trong những người trẻ có năng khiếu về điêu khắc và anh đã tiếp thu rất nhanh kiến thức các già làng để bắt tay thực hiện tác phẩm điêu khắc tham dự cuộc thi điêu khắc nhân kỷ niệm 10 năm thành lập H. Tây Giang vừa qua..."...         

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên đến ghi hình, tìm hiểu
tại Hội thi điêu khắc Cơ Tu. Ảnh: N.K

Ngắm nhìn tác phẩm của Pơ-lăng Mơi về đề tài các chiến sĩ BĐBP đi tuần tra các cột mốc biên giới và nghe cô gái trẻ Cơ Tu Pơ-liên Hon thuyết minh ý nghĩa của tác phẩm ấy, chúng tôi càng hiểu hơn tầm quan trọng của điêu khắc trong đời sống con người nơi đây. Cùng với tác phẩm của nghệ nhân trẻ Pơ lăng Mơi ở xã Ga-ri, tại cuộc thi điêu khắc do H. Tây Giang tổ chức mới đây còn có rất nhiều tác phẩm độc đáo của các nghệ nhân 10 xã với nhiều đề tài phong phú, ý nghĩa. Mỗi một đề tài đều có một sắc thái riêng, nhưng ấn tượng nhất là những tác phẩm gắn liền với phong tục tập quán địa phương được các nghệ nhân thể hiện khá hấp dẫn bằng nhiều chất liệu tự nhiên.

Một trong những tác phẩm được Ban tổ chức đánh giá cao là điêu khắc của nghệ nhân Clâu Blao ở xã Tr'hy 17 tượng trong đó gồm nhà Gươl, lễ hội mừng lúa mới và các mẫu vật khác cùng với nhóm tượng thể hiện những chiến công anh dũng của người Cơ Tu trong cuộc kháng chiến cứu nước.  Nghệ nhân Bhriu Pố tỏ ra thích thú  tác phẩm điêu khắc gỗ "Nghề rèn" của các nghệ nhân xã Lăng. Ông Pố cho biết, nghề rèn truyền thống của người Cơ Tu có từ lâu đời và không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt, lao động cũng như chiến đấu giữ đất, giữ làng... của đồng bào trên dãy Trường Sơn. "Đây là một trong những nghề đặc sắc nhất của người Cơ Tu, mang tính quyết định đến đời sống vật chất, tinh thần và cả tâm linh. Nếu không có nghề này, người Cơ Tu vĩnh viễn không thể thoát khỏi cuộc sống nguyên thủy được..."-ông Bhriu Pố khẳng định. Thật vậy, nhờ có nghề rèn người Cơ-tu làm ra được các loại công cụ lao động sản xuất, các loại vũ khí để tự vệ, các loại nhạc cụ dùng trong lễ hội và sinh hoạt văn hóa rồi đồ trang sức cho đàn ông, đàn bà...

Nghề rèn đã giúp cho đời sống người Cơ Tu ngày càng phát triển. Chính vì thế, đến bất cứ làng bản nào ở Tây Giang, ta cũng có thể gặp những lò rèn. Do nghề rèn có tầm quan trọng như thế mà các nghệ nhân đã quyết định phục dựng để lưu giữ hình ảnh về những công đoạn người thợ rèn làm ra một sản phẩm. Tác phẩm nghề rèn vừa đảm bảo tính hoàn chỉnh của phục dựng lại vừa thể hiện được cái hồn của những người thợ làm nghề... qua đó cho thấy nét tài hoa và sự công phu của những nghệ nhân làm ra nó. Và, rõ ràng, khi được tạo tác từ gỗ, được trưng bày nơi Gươl làng thì nghề rèn sẽ mãi mãi được nhắc nhớ, được ghi nhận trong đời sống ở những bản làng Cơ Tu.


Các tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Cơ Tu tại Hội thi. Ảnh: N.K

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-thể thao và du lịch Quảng Nam không ít lần ngợi ca tài năng của các nghệ nhân Cơ Tu trong việc tạo tác nên những tác phẩm điêu khắc gỗ có giá trị về đời sống sinh hoạt, lao động, tâm linh... mà trải qua thời gian vẫn còn giữ được giá trị. Ông Hàm cho rằng, điêu khắc Cơ Tu phải giữ cho được chất nguyên sơ của nó mới đạt giá trị nghệ thuật. Nguyên sơ trong điêu khắc Cơ Tu là nguyên sơ của chất liệu, của ý tưởng, đường nét, bố cục và cả màu sắc tác phẩm. Điều đáng bàn là hiện tại có rất nhiều tượng gỗ của người Cơ Tu bị lai, nghệ nhân của núi rừng đã lạm dụng quá mức màu sắc của sơn công nghiệp, dẫn đến việc che khuất những hoa văn, những gờ của tượng dân gian Cơ Tu. Vì thế, nhiều tượng có bố cục đẹp nhưng màu sắc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nghệ thuật nguyên bản của nó. Ông Hàm nhấn mạnh: "Nếu muốn giữ được điêu khắc Cơ Tu thì điều cần thiết là phải dùng chất liệu dân gian, cụ thể là gỗ thì mới đảm bảo được ngôn ngữ, tiếng nói của loại hình nghệ thuật độc đáo này của người Cơ Tu...".

Người Cơ Tu đã có ý thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa-nghệ thuật của mình nhằm khẳng định mạnh mẽ rằng, văn hóa-nghệ thuật Cơ Tu rất phong phú, đa dạng và không kém phần sắc sảo. Mặt khác, từ ý thức giữ gìn này, càng ngày những giá trị ấy càng phát huy vai trò trong đời sống, làm cho đời sống thêm phong phú và sinh động hơn.

Ngọc Kết