Báo Công An Đà Nẵng

Điều kiện “cần và đủ”

Thứ sáu, 22/02/2019 11:00

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 21-2 đã bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc trong 2 ngày. Nhiệm vụ trọng tâm trong chuyến đi này của nhà lãnh đạo Ấn Độ là cuộc họp với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in.

Ông Modi sau đó sẽ phát biểu trước giới lãnh đạo doanh nghiệp, cho ra mắt trung tâm khởi nghiệp Ấn Độ-Hàn Quốc, công bố bức tượng bán thân của vị anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi và nhận Giải thưởng Hòa bình Seoul 2018 ghi nhận những đóng góp của ông vào các vấn đề quốc gia và quốc tế. Vì vậy, chuyến đi lần này của ông Modi được xem là trọng tâm trong chính sách ngoại giao năm 2019 của Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi có chính sách “Hướng đông”.

Đã có nhiều hy vọng về chuyến đi lần này của ông Modi, bởi đây là thời điểm được đánh giá là “Hàn Quốc đang cần Ấn Độ hơn bao giờ hết”. Trước hết, về mặt chính sách, cũng giống như Ấn Độ muốn Hướng đông, Hàn Quốc đang tích cực triển khai chính sách “Hướng Nam Mới” tập trung vào tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược với Đông Nam Á, Australia và Ấn Độ.

Thực tế là nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và hai đối tác xuất khẩu hàng đầu của nước này là Trung Quốc và Mỹ. Khi cuộc chiến tranh thương mại giữa hai “gã khổng lồ” này tác động đến kinh tế Trung Quốc, các nhà xuất khẩu lớn của Hàn Quốc như Samsung và Hyundai đã phải hứng chịu ảnh hưởng. Với việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước ASEAN khác, Seoul đang muốn giảm bớt tình trạng phụ thuộc quá mức vào hai đối tác thương mại truyền thống của mình. Để duy trì cỗ máy xuất khẩu vốn đang thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc, Tổng thống Moon đang hướng đến những nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất, và Ấn Độ (cùng với thị trường tiêu dùng khổng lồ của nước này) được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh gấp hơn 2 lần so với Hàn Quốc trong những năm tới.

Một yếu tố quan trọng là liên quan đến Trung Quốc. Việc phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc đang khiến Bắc Kinh sở hữu lợi thế đáng kể trước Seoul. Trung Quốc đôi khi lợi dụng điều này để thúc đẩy các lợi ích chính trị. Việc Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Hàn Quốc hồi năm ngoái để đáp trả Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã buộc Seoul phải xem xét lại chiến lược Trung Quốc của mình. Gián tiếp ủng hộ các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như liên kết với Ấn Độ và các nước ASEAN cũng sẽ giúp Hàn Quốc giảm bớt những rủi ro liên quan đến Trung Quốc.

THANH VĂN