Báo Công An Đà Nẵng

Điều kỳ diệu đã đến với mẹ con sản phụ trẻ

Thứ tư, 14/03/2018 12:14

Chỉ với những triệu chứng ban đầu như sốt, ho, mệt mỏi, sản phụ Trần Thị Thúy H. (22 tuổi, trú H. Đại Lộc, Quảng Nam) đang mang thai tuần thứ 21 đã nhanh chóng diễn tiến nặng, rơi vào tình trạng suy hô hấp, trụy mạch, nguy kịch đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Vậy nhưng, nhờ sự nỗ lực, tích cực cứu chữa bằng kỹ thuật cao cấp bậc nhất của chuyên ngành hồi sức cấp cứu và sự giúp đỡ tận tình của đội ngũ y bác sỹ, CBCNV Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, các tổ chức hảo tâm, những Mạnh Thường Quân, mẹ con sản phụ H. đã vượt qua nguy kịch, ổn định sức khỏe và được xuất viện trở về với gia đình sau hơn 15 ngày điều trị.

Niềm vui chung của các y bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Đà Nẵng và gia đình trong ngày chị H. xuất viện. 

Nỗ lực giành lại sự sống cho cả mẹ lẫn con

Theo anh Lê Cã (1994, chồng chị H.), ngày 22-2 (mùng 7 Tết), thấy vợ đang mang thai tuần thứ 21 có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, liền chở đến một BV trên địa bàn H. Đại Lộc để thăm khám. Qua 3 ngày nằm điều trị, các bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh nên anh xin đưa vợ lên tuyến trên. Khi đến BV Đà Nẵng, chị H. đã rơi vào tình trạng suy hô hấp, trụy mạch. Ngay lập tức, chị H. được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để được cấp cứu kịp thời. Qua kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ BV Đà Nẵng chẩn đoán bệnh nhân H. bị nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, viêm phổi dẫn đến suy tim… 

Bs Hoàng Hữu Hiếu (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) cho biết: "Các xét nghiệm ban đầu cho thấy đây là một tình trạng nhiễm virus, gây biến chứng viêm phổi và tổn thương cơ tim. Các biện pháp hồi sức ban đầu nhanh chóng được triển khai, bệnh nhân được cho thở máy, dùng thuốc vận mạch, sử dụng hệ thống theo dõi huyết động liên tục PiCCO. Đồng thời tiến hành siêu lọc máu sớm nhằm cải thiện tình trạng suy đa tạng. Lúc này, mục tiêu trước mắt của các bác sĩ là ưu tiên đảm bảo tính mạng cho người mẹ trước".

Sau 4 ngày điều trị, mặc dù các biện pháp hồi sức tích cực đều đã được áp dụng nhưng tình trạng bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện, huyết động vẫn còn rối loạn, suy đa cơ quan, tổn thương phổi tiến triển và đang có dấu hiệu suy thai cấp. Nguy cơ mất cả mẹ lẫn con đang rõ ràng hơn lúc nào hết. Gia đình bệnh nhân cũng đã phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Trong nỗ lực nhằm tìm kiếm hy vọng sống cho bệnh nhân, Ts.Bs  Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng đã tổ chức hội chẩn ngay trong đêm cùng với các bác sĩ điều trị, đồng thời điện xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế thành phố… 

Nhận định bệnh nhân viêm cơ tim cấp, bội nhiễm phổi đang phải sử dụng nhiều thuốc vận mạch phối hợp cùng với thở máy áp lực cao, tuy có thể duy trì cung cấp oxy cho cơ thể nhưng lại khiến tim đang yếu phải tăng hoạt động và ảnh hưởng xấu đến thai. Nếu không nhanh chóng cải thiện tình hình thì thai nhi trong bụng sẽ tử vong và tính mạng bệnh nhân cũng không được đảm bảo. Phương án khẩn cấp được đưa ra ngay trong đêm: Sử dụng hệ thống Ecmo (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) phối hợp với các biện pháp hồi sức khác, cứu sống cả hai mẹ con.  Ts.Bs Lê Đức Nhân cho biết: "Sau khi kết nối với hệ thống Ecmo, tim và phổi bệnh nhân H. được "nghỉ ngơi", đồng thời tưới máu cho thai được tăng cường. Quá trình tiến hành kỹ thuật tuy không quá phức tạp nhưng các báo cáo trên thế giới về việc tiến hành Ecmo cho bệnh nhân đang mang thai đã ghi nhận nhiều nguy cơ nặng nề, trong đó đáng ngại nhất là tình trạng xuất huyết ồ ạt. Tại Việt Nam vẫn có rất ít bệnh nhân là thai phụ phải làm Ecmo nên kinh nghiệm chưa nhiều. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con, cùng với quy trình theo dõi nghiêm ngặt, các biến đổi của bệnh nhân dù là nhỏ nhất đều được ghi nhận và xử lý kịp thời, các chỉ số dần dần cải thiện".

Theo Bs Hiếu, sau 4 ngày, chức năng tim và huyết động của bệnh nhân dần ổn định, đặc biệt là thai nhi phát triển tốt, các bác sĩ quyết định ngưng hỗ trợ Ecmo và tiếp tục hồi sức tích cực. 4 ngày tiếp theo bệnh nhân dần hồi phục, cai được máy thở và hoàn tất các thủ tục cho bệnh nhân ra viện. Ecmo - trao đổi oxy bằng màng ngoài cơ thể là kỹ thuật cao cấp bậc nhất của chuyên ngành hồi sức cấp cứu, sử dụng hệ thống bơm trao đổi oxy đóng vai trò như tim - phổi nhân tạo, nhằm hỗ trợ những trường hợp suy chức năng tim cấp hoặc suy hô hấp nặng ở những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Bs Hiếu cho rằng: "Hai mẹ con chị H. đã trải qua 90 giờ chạy Ecmo căng thẳng, có những lúc tưởng không còn hy vọng. Nhưng phải công nhận sức sống của em bé và bà mẹ trẻ thật kiên cường. Để rồi hôm ngày 13-3, hai mẹ con được xuất viện về với gia đình trong tình trạng sức khỏe tốt".

Được áp dụng từ năm 2015 tại BV Đà Nẵng nhưng đây là lần đầu tiên kỹ thuật Ecmo được áp dụng cho một bệnh nhân đang mang thai và đã góp phần quan trọng để cứu sống cả hai mẹ con. "Từ ngày đưa kỹ thuật Ecmo vào áp dụng, BV Đà Nẵng đã giúp cứu sống được hàng chục bệnh nhân trong tình trạng tưởng như vô phương cứu chữa và tất cả các bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn", Ts.Bs Nhân khẳng định.

Phòng Công tác xã hội - BV Đà Nẵng tặng quà cho chị H. trước khi xuất viện.    

Tình người trong khốn khó

Ngay từ lúc mới vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Đà Nẵng), tính mạng của mẹ con sản phụ H. như "chỉ mành treo chuông". Vậy nhưng, nhờ sự nỗ lực chạy chữa tích cực của đội ngũ y bác sỹ BV Đà Nẵng cộng với sự chung tay giúp đỡ của tập thể Phòng Công tác xã hội (BV Đà Nẵng), các tổ chức hảo tâm, những Mạnh Thường Quân, điều kỳ diệu đã đến với mẹ con chị H.

Theo Bs Hoàng Hữu Hiếu, lúc mới vào viện, sản phụ H. vô cùng nguy kịch, bị nhiễm trùng huyết, tính mạng của hai mẹ con rơi vào tình cảnh nguy kịch. Để có thể cứu sống mẹ con chị H., các bác sĩ phải dùng thuốc liều cao và nhiều lần lọc máu, thậm chí là dùng Ecmo. Tuy nhiên, chi phí sử dụng kỹ thuật Ecmo rất tốn kém, trên 200 triệu đồng. Mà hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân lại rất khó khăn, không đủ khả năng để chi trả. Chính vì vậy, gia đình bệnh nhân vô cùng lo lắng, chỉ biết trông chờ vào điều kỳ diệu… Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Phòng Công tác xã hội (BV Đà Nẵng) đã tìm mọi cách để kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm, những Mạnh Thường Quân hỗ trợ kịp thời cho chị H. Đến nay, số tiền Phòng Công tác xã hội kêu gọi hỗ trợ cho chị H. là  200 triệu đồng...

Ts.Bs Lê Đức Nhân khẳng định: "Trong những năm qua, Phòng Công tác xã hội đã thật sự là cầu nối để kết nối những trường hợp bệnh nhân khó khăn với cộng đồng và kết nối những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo từ cộng đồng tới nơi điều trị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cho người bệnh, nâng cao hình ảnh của ngành y tế".

Trong ngày vợ con xuất viện, anh Cã xúc động: "Vợ con tôi đã may mắn được đội ngũ y bác sỹ tâm huyết, giỏi về chuyên môn của BV Đà Nẵng tận tâm cứu chữa và chăm sóc nên đã vượt qua cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe trở về với gia đình. Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ, cứu chữa nhiệt tình của đội ngũ y bác sỹ, CBCNV BV Đà Nẵng, các cá nhân, tổ chức hảo tâm, những Mạnh Thường Quân". 

LÊ HÙNG-NGỌC LINH