Báo Công An Đà Nẵng

ĐIỀU TRA: Vạch trần kỹ nghệ tạo... "thần y"

Thứ hai, 26/04/2021 10:42

Chân dung các "thần y" trên mạng xã hội sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi nó được tạo dựng bằng những kịch bản gian dối nhưng vô cùng hoàn hảo bên các bản hợp đồng của những kẻ bị đánh cắp lương tri.

Gần đây, mạng xã hội YouTube, Facebook liên tục xuất hiện nhiều đoạn video về những "thần y" cùng bài thuốc bí truyền, cam kết chữa hết 100% bệnh tật và sẽ hoàn tiền nếu trong vòng 3 tháng không khỏi bệnh… Số người bị gạt ngày càng tăng, trong khi những kẻ tạo ra "thần y" thì cứ thế nhởn nhơ hốt bạc.

Báo Người Lao Ðộng đã cắt cử nhóm phóng viên vào cuộc điều tra để vạch mặt các "thần y" trên mạng, nhằm giúp ngăn ngừa, cảnh báo chung.

ĐIỀU TRA: Vạch trần kỹ nghệ tạo... "thần y" - 1

Cây thuốc bị vứt và đạp lên sau khi cắt nhỏ tại nhà một người được mệnh danh “thần y” Triệu Thị Quyết, ngụ huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN LÊ

Những kẻ bán linh hồn

Trong hành trình vạch mặt các "thần y" trên mạng, tình tiết quý giá nhất có lẽ là việc anh Nguyễn Thành (đã đổi tên, một YouTuber ở TP HCM có kênh với hơn 700.000 người đăng ký) chấp nhận chung tay để lột trần sự thật. Theo anh Nguyễn Thành, kênh của anh vốn nổi tiếng nên dịp đầu năm 2021, anh liên tục nhận được những cuộc gọi mời làm video từ nhóm người tự xưng là nhân viên một trung tâm y tế sức khỏe có trụ sở tại TP Hà Nội.

Nhóm người này mời anh Thành cùng nhiều YouTuber nổi tiếng khác tham gia thực hiện các đoạn quảng cáo: "Nhà tôi 3 đời…" với số tiền thù lao khá lớn nên anh đồng ý thực hiện. "Ai ngờ video để lại hậu quả không nhỏ, khi quá nhiều người tìm đặt mua thuốc, dù mình biết thuốc đó không rõ nguồn gốc" - anh Nguyễn Thành ân hận nói.

Để rồi, đầu tháng 4-2021, khi tiếp tục nhận được lời mời của những người trên, anh Nguyễn Thành đã lập tức liên hệ với chúng tôi để cùng nhau lên đường ra Hà Nội lột trần sự thật. Tham gia làm phim quảng cáo cho các "thần y" hôm ấy ngoài anh Nguyễn Thành còn 2 YouTuber khác tại An Giang, Cần Thơ. Người đứng ra mời lần này có tên là Trọng (34 tuổi, ngụ Hà Nội) - chuyên lên kịch bản video có nội dung về "thần y" nhằm kinh doanh các loại thuốc đông y.

Phải thừa nhận, ông Trọng vô cùng chiều lòng các YouTuber nổi tiếng. Bởi khi chúng tôi cùng nhóm anh Thành có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài thì đã có sẵn người chờ đón đưa ra xe để đến phim trường cùng Trọng. Suốt hành trình di chuyển về Ba Vì, Trọng khoe từng lên nhiều kịch bản để quay video quảng cáo: "Nhà tôi 3 đời chữa bệnh" nhưng thời gian gần đây báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc nên anh ta không làm rầm rộ như trước. "Giờ muốn bán được thuốc phải nhờ các anh YouTuber ghi hình đăng tải thì người xem mới tin tưởng" - Trọng nói.

Theo đó, để thực hiện đoạn video quảng cáo, đầu tiên phải "dựng kịch bản" về một câu chuyện y như thật. Nội dung xoay quanh việc chủ kênh YouTube leo núi khám phá Vườn Quốc gia Ba Vì bất ngờ bị ngã, ôm chân đau đớn kêu la. Lúc này, một người dân đóng giả thầy thuốc đi tìm nguyên liệu bất ngờ xuất hiện dùng thuốc đắp lên chân và "diễn viên" gặp nạn nhanh chóng giảm cơn đau. Giá chi phí thực hiện cảnh quay này là 40 triệu đồng và kèm theo điều kiện để số điện thoại trên kênh YouTube để bán thuốc. Người phụ nữ được thuê vào vai "thần y" là một người dân tộc Dao, quanh năm chỉ gắn bó với nương rẫy. Ðể việc ghi hình thuận lợi theo kịch bản, Trọng đã chuẩn bị sẵn những gói thuốc. Cảnh quay như trong phim điện ảnh, từ cảnh té ngã đến quá trình bó thuốc luôn có người đứng đằng sau "nhắc tuồng".

Sau đó, nhóm làm phim "mượn tạm" một căn nhà người dân tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội rồi bố trí xung quanh rất nhiều tủ thuốc và giấy khen. Một người dân địa phương mặc trên người bộ quần áo dân tộc Dao và ngồi thái những cành cây đã phơi khô. Tiếp đến, YouTuber dẫn chuyện một cách rất chân thực: "Hôm nay tụi mình có dịp đến huyện Ba Vì và được rất nhiều người giới thiệu đến vị thần y Triệu Thị..., là người dân tộc Dao. Chúng mình sẽ đến trực tiếp tìm hiểu và mua ít thuốc về tặng cho những người bệnh…".

Vậy là từ một nông dân bình thường, người phụ nữ bỗng chốc trở thành "thần y" nổi tiếng trên mạng xã hội. Quay xong đoạn video đầu tiên, tất cả "diễn viên" sẽ thay đổi quần áo để quay một video tiếp theo. Cảnh quay lần này là sau một tháng uống thuốc từ "thần y", một người bị bại liệt lành bệnh, miệng liên tục khen vị "thần y" giỏi. Thực hiện xong đoạn video, các YouTuber sẽ nhận về 50% số tiền đã thỏa thuận, số tiền còn lại sau khi đăng tải video sẽ được thanh toán. Riêng chi phí đi lại, ăn ở đều do Trọng thanh toán.

ĐIỀU TRA: Vạch trần kỹ nghệ tạo... "thần y" - 2

Người phụ nữ xuất hiện trên một đoạn video có tựa đề “Bài thuốc 5 đời trị bệnh đại tràng quý hiếm của lương y dân tộc Dao” với 900.000 lượt xem, thực chất chỉ là người bình thường được dựng lên làm “thần y”. Ảnh: NGUYỄN LÊ

Siêu lợi nhuận

Theo tiết lộ của Trọng, sau khi các YouTuber ghi hình về các "thần y", nhiệm vụ của anh ta sẽ "đổ tiền" vào nền tảng Google Ads. Ðoạn video đó sẽ được phủ khắp các trang chủ trên nền tảng YouTube với mức chi phí hiện nay là 150 đồng/view.

Sau khi thực hiện xong các cảnh quay, Trọng khoe với chúng tôi là nhờ những đoạn video quảng cáo trên kênh của các YouTuber nổi tiếng mà thuốc của anh ta bán rất chạy, lên đến hàng ngàn đơn mỗi ngày. "Người ta tin các YouTuber kể câu chuyện thật nên liên tục gọi về cho tôi để đặt mua thuốc" - Trọng khoe.

Không chỉ bán trong nước, Trọng còn bán được cả cho người Việt ở nước ngoài. "Khi gửi thuốc cho người mua ở nước ngoài thì tôi liên kết với một nhà thuốc có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) dán nhãn mác để gửi qua đường bưu điện" - Trọng kể. Trọng còn khoe có cả kho thuốc ở Hà Nội nhưng không thể dẫn chúng tôi đến xem.

Chúng tôi thắc mắc về việc thuốc do ai làm, Trọng khẳng định có liên kết với các hộ gia đình tại huyện Ba Vì. Khi có đơn hàng thì những hộ gia đình này tự bào chế thuốc, kê đơn rồi giao lại cho Trọng để bán ra thị trường. "Một gói thuốc tại đây bán với giá từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng. Tôi mua về sẽ bán giá từ 200.000 - 500.000 đồng" - Trọng thông tin.

Theo Trọng, ở nhà anh ta có 4 người đứng ra tiếp nhận điện thoại. Trọng quả quyết rằng có thời điểm khách liên hệ mua thuốc quá nhiều nên phải sang huyện Hòa Bình để thu mua thêm nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng qua mạng.

"Như lời Trọng nói thì chỉ cần một ngày anh ta bán ra 1.000 gói thuốc, nếu tính giá mỗi gói mua vào 100.000 đồng bán ra 300.000 đồng, thì cũng lãi đến 200 triệu đồng (chưa trừ chi phí quảng cáo). Quả là con số khủng trong thời buổi kinh doanh khó khăn vì dịch Covid-19" - anh Nguyễn Thành nói. Theo anh Nguyễn Thành, chính điều này đã làm anh ân hận suốt nhiều tháng liền khi trước đó đã vô tình tiếp tay cho Trọng.

Sẵn dịp có mặt ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, nhóm chúng tôi quyết tâm tìm gặp "thần y" Triệu Thị Quyết có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh như video quảng cáo thuốc của Trọng. Sự thật khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cả xã có cả chục "thần y" có tên Triệu Thị Quyết. Chỉ tính riêng từ ngã ba Chằm Mè dẫn vào Trường Tiểu học Yên Sơn có đến 5 người tự nhận mình là "lương y" Triệu Thị Quyết. Chúng tôi tiếp cận một người phụ nữ từng xuất hiện trên một đoạn video có tựa đề "Bài thuốc 5 đời trị bệnh đại tràng quý hiếm của lương y dân tộc Dao" với 900.000 lượt xem.

Ðến nhà người phụ nữ, chúng tôi thấy 2 người đàn bà đang hì hục dùng máy cắt các loại cây cỏ được cho là thuốc ở góc sân. Lúc chúng tôi đang trò chuyện thì có người phụ nữ tên Thúy bảo là con lương y Triệu Thị Quyết hỏi chúng tôi mắc bệnh gì. Chúng tôi nói đang bị bệnh trĩ, đại tràng, bà Thúy liền giới thiệu các loại thuốc chỉ uống 10 thang trong 1 tháng là khỏi với tiền mua thuốc là 1,5 triệu đồng.

Đáng nói, dù trong nhà chất đầy các loại thuốc đông y nhưng trong khoảng nửa ngày chúng tôi có mặt lại không thấy ai đến mua. Thắc mắc thì người phụ nữ tên Thúy khẳng định: Chừng này chỉ bán ít bữa là hết, nhiêu đây ăn thua gì (!?).

Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý

Liên quan hiện tượng nhiều người tự xưng "lương y", "thần y" chữa bách bệnh trên mạng xã hội quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng, hoạt động khám chữa bệnh không phép, ngày 30-3-2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2154 nêu rõ Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.

Theo NLĐO