Báo Công An Đà Nẵng

Điều tra vụ vùi “gỗ lậu” trong bãi tập kết cát ven sông

Thứ ba, 21/03/2023 06:14
Gỗ lậu được phát hiện tại bãi chứa cát của Công ty TNHH 87.

Theo đó, qua công tác trinh sát, đầu tháng 3-2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum phát hiện một điểm cất giấu khối lượng gỗ lớn không rõ nguồn gốc trong bãi chứa cát, sỏi tại mỏ khai thác cát của Công ty TNHH 87 trên sông Đăk Pxi (thôn 7, xã Đăk Pxi). Qua kiểm đếm, cơ quan Công an xác định số lượng gỗ vi phạm trong vụ việc trên khoảng 30m³, gồm gỗ lóng, gỗ tấm, gỗ hộp và cá biệt có lóng gỗ dài khoảng 20m và có đường kính gần 1m. Toàn bộ số lượng gỗ được phát hiện tại điểm khai thác cát sỏi của Công ty TNHH 87 và các điểm lân cận đã được cơ quan chức năng kiểm đếm, vận chuyển về nơi tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.

Điều đáng nói, để che mắt lực lượng chức năng, “lâm tặc” đã giấu gỗ dưới những đống cát. Đây là hình thức mới làm các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương ngỡ ngàng khi lực lượng Công an phát hiện. Tuy nhiên, từ vụ việc này cho thấy đơn vị chức năng, chủ rừng và chính quyền địa phương còn thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý địa bàn.

Sau khi cơ quan Công an phát hiện vụ việc, lãnh đạo UBND xã Đăk Pxi cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương còn có những khó khăn nhất định. “Lâm tặc” một mặt dùng tài chính để lôi kéo nhưng một mặt là đe dọa nên người dân không dám thông tin đến chính quyền, gây khó khăn trong việc tiếp nhận các thông tin và phát hiện khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn. Còn lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, qua việc phối hợp kiểm tra dấu vết và khám nghiệm hiện trường khu vực xung quanh bãi cát, lực lượng chức năng phát hiện diện tích rừng của 3 hộ dân được giao quản lý bảo vệ rừng theo các chương trình chính sách có dấu hiệu gỗ bị chặt hạ. Cũng theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, việc “lâm tặc” lợi dụng các mỏ khai thác khoáng sản để cất giấu gỗ, rồi trà trộn vào việc chở cát để đưa gỗ đi tiêu thụ. Đây là phương thức, thủ đoạn mới khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Do đó, để ngăn chặn tình trạng khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép thì chủ rừng cần nêu cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong quản lý địa bàn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.

Lực lượng chức năng đưa gỗ tang vật về tạm giữ để tiếp tục điều tra vụ việc.

Nói về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Vương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, chú trọng kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm, trong đó, chú trọng chỉ đạo nêu cao trách nhiệm của chính quyền trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương chỉ đạo có hiệu quả hơn và chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Huyện sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm và báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy thay thế người đứng đầu quản lý nếu để xảy ra tình trạng phá rừng.

Từ vụ việc cất giấu gỗ tại bãi cát, sỏi ở xã Đăk Pxi là bài học đắt giá không chỉ với cơ quan chức năng mà còn đối với chính quyền huyện Đăk Hà trong công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác cát, sỏi. Làm sao để tình trạng này không tái diễn, để rừng được bình yên là mong mỏi và kỳ vọng của người dân và đó cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Đ.HÀ