Định danh “Văn hóa hàng rong” phố cổ
(Cadn.com.vn) - Định danh “văn hóa hàng rong” để lấy lại tên cho hàng rong, lấy lại danh xưng cho một sản phẩm văn hóa truyền thống, xưa cũ là một trong những mục tiêu quan trọng mà chính quyền và người dân TP Hội An hướng đến khi thực hiện đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ.
Khi được hỏi về sự ra đời và tồn tại của hàng rong trong khu phố cổ, những người cao tuổi ở Hội An đều nói rằng, hàng rong có từ khi nào không ai có thể xác định được. Chỉ biết rằng, trong khu phố già nua, xưa cũ, đầy ắp ký ức ấy, gánh hàng rong không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân nơi đây. Cho đến khi du lịch phát triển, hình ảnh các bà, các chị với những gánh hàng rong, cần mẫn ngang qua những con phố nhỏ, rải những tiếng rao mềm mại, vang vọng, luôn được nhiều du khách yêu thích, trân quý. Nhưng rồi, vì nhiều lý do, hàng rong cũng dần bị biến tướng, xô bồ, chính khi ấy, thành phố đã phải triển khai đề án buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ.
Hội An đã sắp xếp lại việc bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ. |
Khác với “chiến dịch trả lại vỉa hè” đang được triển khai quyết liệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngoài việc tạo mỹ quan đô thị và phần đường cho người đi bộ, ở Hội An, việc bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ còn hướng đến một mục tiêu nhân văn hơn, đó là vừa ổn định sinh kế cho một bộ phận nhân dân, vừa định danh văn hóa hàng rong, đúng với vẻ đẹp vốn có của nó. Sau hơn 1 tháng triển khai, giờ đây, khu phố cổ đã cơ bản ổn định trật tự kinh doanh buôn bán. Những người bán các mặt hàng rong truyền thống, phù hợp với cảnh sắc, văn hóa của phố cổ giờ đã cố định chỗ ngồi. Các chị trước đây buôn bán hàng lưu niệm bằng các xe đẩy kềnh càng trên các tuyến phố, giờ đã được bố trí tại một địa điểm. Ở khu hàng lưu niệm mới hình thành trên tuyến đường Công Nữ Ngọc Hoa, ven bờ sông Hoài, hàng chục người bán hàng lưu niệm được sắp xếp thành một dãy quy củ. Mỗi gian hàng không vượt quá phạm vi của vạch cai đỏ. Cách làm này đã tạo sự đồng thuận của người bán hàng rong vì họ vẫn có sinh kế ngay trong lòng phố cổ và quan trọng là không phải trốn tránh lực lượng chức năng như trước. Chị Trần Thị Minh Tâm, một người bán hàng lưu niệm tại đường Công Nữ Ngọc Hoa xúc động: “Tôi buôn bán vỉa hè lâu năm rồi, đến nay, được cấp lô bán tại chợ đêm Cẩm Phô, tôi rất vui mừng. Vì trước đây buôn bán ngoài vỉa hè bị các anh đi làm nhiệm vụ dẹp, quả thực cực chẳng đành. Lúc ấy vừa bán vừa lo, cứ như mình vi phạm điều gì nên phải trốn tránh. Đến hôm nay thì khỏe rồi, có chỗ ổn định như ri, chị em chúng tôi không phải rày đây mai đó, không phải lo âu vì vi phạm bị xử lý. Như ri chúng tôi có thể yên tâm làm ăn rồi. Hàng rong của chúng tôi có danh phận hẳn hoi rồi”.
Riêng đối với những người dân sống lâu năm trong khu phố cổ, nhiều người đều tỏ ra đồng tình cao khi thành phố Hội An triển khai phương án sắp xếp, bố trí hàng rong, đi liền với lập lại trật tự. Nhiều người cho rằng công tác này cần được thực hiện và duy trì nghiêm túc, lâu dài để giữ gìn hồn phố. Bởi, qua những năm tháng sống trong phố, hơn ai hết, họ hiểu phố cổ cần gì để luôn xứng danh với thương hiệu của điểm đến. Và hàng rong ở phố cũng phải như thế nào mới giữ được nếp cũ hồn xưa, trở thành văn hóa hàng rong theo một cách rất riêng mà chỉ ở Hội An mới có. Tuyệt nhiên, hàng rong trong phổ cổ không thể giống như hàng rong ở các đô thị lớn khác. Nhiều người cho rằng, để có lại một “văn hóa hàng rong” như cảng thị Hội An đã từng có trong nhiều thập niên trước, người bán hàng rong ở phổ cổ càng phải sống “chậm” hơn, đúng với bản chất mộc mạc, chất phác, hiền hòa của con người Hội An. Có như vậy mới làm nên một Hội An đẹp lạ trong mắt du khách. Ông Nguyễn Ngại, người dân P. Minh An bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên tại TP Hội An. Qua những năm tháng sống trong phố như thế này, tôi thấy việc buôn bán hàng rong rất cần thiết nhưng thời gian qua nó bị biến tướng, không phải là hàng rong của ngày xưa nữa. Việc lập lại và duy trì như hiện nay là rất cần thiết, chúng tôi mong rằng duy trì cho được để Hội An đẹp hơn và giữ được hồn của phố cổ. Ngày xưa buôn bán hàng rong người ta chỉ có những cái gánh, bán vào giờ nhất định như gánh chuối, gánh rau hành đi bán, rất là êm đẹp, trật tự. Rồi những người bán chè, bán tàu xá, bán những đặc sản của Hội An đó mà, họ giữ được nét Hội An xưa bằng phong thái rất riêng, là khách muốn mua người ta mới bán, không nài nỉ ai cả. Bây giờ chúng ta xây dựng được đội ngũ hàng rong như thế thì đó là nét văn hóa của một Hội An hồi xưa. Mong rằng, mọi người cố gắng thực hiện đúng, vì một môi trường đẹp vì một Hội An sống chậm, làm níu chân du khách. Người ta đến đây vì cái hồn của phố cổ, vì những con người của Hội An giữ gìn văn hóa Hội An”.
Sau hơn 1 tháng lập lại trật tự kinh doanh buôn bán, sắp xếp vị trí cố định cho từng loại hàng rong, phố cổ đã được trả lại không gian yên bình, thoáng đãng. Các cơ sở kinh doanh đã chấp hành các quy định của thành phố trong việc trưng bày hàng hóa cho phù hợp. Đặc biệt, những người bán hàng rong cũng tuân thủ, ngồi đúng địa điểm đã được phân lô cố định. Trên sông Hoài, không còn cảnh tượng đậu đỗ những thuyền gỗ tự phát hoạt động du lịch dịch vụ, án ngữ, che khuất tầm nhìn. Điều quan trọng là khi những mặt hàng truyền thống được khuyến khích, nhiều người bán hàng rong đã chuyển đổi loại hàng cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, để duy trì trật tự hàng rong trong khu phố cổ một cách bền vững, nói cách khác là để hàng rong được định danh là văn hóa hàng rong Hội An, thành phố đã tính đến việc giao lại cho các phường Minh An và Cẩm Phô quản lý địa bàn, với sự hậu thuẫn, hỗ trợ của thành phố. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sơn cho biết “Để duy trì cảnh quan cũng như sự yên bình của phố cổ trong thời gian đến, thành phố đã có chủ trương sẽ thành lập một lực lượng thường xuyên để tăng cường cho Minh An vào bất kỳ lúc nào. Đồng thời cũng gắn trách nhiệm của hai địa phương Minh An và Cẩm Phô trong việc giữ gìn cảnh quan trật tự trong khu phố cổ, nếu để tái diễn tình trạng lấn chiếm, xô bồ trong khu phố cổ, lãnh đạo 2 địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm. Thành phố sẽ hỗ trợ về nguồn lực và lực lượng khi cần thiết để đảm bảo duy trì trật tự đã được phục hồi trong thời gian qua”.
Với quyết tâm như vậy, khi hoạt động buôn bán, kinh doanh, trong đó có bán hàng rong đi vào nề nếp, quy cũ, rồi đây, hàng rong sẽ trở lại là sản phẩm văn hóa của phố cổ, được định danh là “văn hóa hàng rong Hội An”.
Lê Hiền