Định hướng chủ trương, chính sách trong lĩnh vực y tế
Ngày 26-9, tại TP Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Định hướng chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực y tế". Hội thảo tập trung thảo luận kết quả thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về công tác phòng chống HIV/AIDS; kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện...
Đồng đẳng viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV. |
Khống chế dịch HIV dưới 0,3%
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đạt được nhiều tích cực. Đặc biệt, Việt Nam là điểm sáng trong mô hình phòng, chống HIV/AIDS của thế giới. Tuy nhiên, dù giảm số người mắc nhưng chưa giảm nhanh (khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới/năm) và còn khá xa so với mục tiêu tiến tới chấm dứt đại dịch vào năm 2030. Đáng chú ý, số người nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh ở nhóm đồng giới nam (MSM), người tiêm chích ma túy và bạn tình của những nhóm này. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận hơn 4.470 trường hợp nhiễm mới HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS trong cả nước hơn 212.000 người.
TS John Blandford - Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao việc kiểm soát dịch và giảm kỳ thị ở Việt Nam. Theo TS John Blandford, Việt Nam hiện được thế giới ghi nhận về tỷ lệ ức chế virus cao nhất. Những người sống chung với HIV đang điều trị ARV hiệu quả và mức độ HIV bị ức chế ở mức không thể phát hiện sẽ không lây truyền HIV qua đường tình dục. Có nghĩa, người có HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tài lượng virus không phát hiện (dưới 200 bản sao/ml) sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình của họ. TS John Blandford khuyến cáo, để đạt được mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam cần phải tập trung chiến dịch truyền thông K = K (không phát hiện = không lây nhiễm). Đồng thời TS John cũng đánh giá cao việc Việt Nam sử dụng BHYT trong phòng, chống HIV/AIDS như một giải pháp thay thế dần cho những nguồn tài chính từ bên ngoài, bảo đảm cho mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian tới là đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước, phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90, hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Đồng thời, tăng cường phân phát bơm kim tiêm, bao cao su qua đồng đẳng viên, y tế thôn bản, hộp cố định; mở rộng điều trị Methadone và Buprenorphine; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEp) cho nhóm MSM; giảm kỳ thị phân biệt đối xử trong cơ sở y tế. Bên cạnh đó, mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện ở khu vực miền núi, xét nghiệm mới nhiễm HIV, tư vấn và kết nối điều trị ARV cho trên 90% người mới phát hiện nhiễm HIV, mở rộng điều trị ARV thông qua BHYT, 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT...
Các cơ sở y tế nâng cao chất lượng điều trị, triển khai kỹ thuật y tế hiện đại để phục vụ bệnh nhân. |
Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng đa dạng
Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), việc xã hội hóa và tự chủ bệnh viện (BV) thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Khảo sát của tổ chức sáng kiến Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng lên 80,8% (2017 là 79,6%); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 1,96/2,5 điểm (năm 2017 là 1,92).
Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên cho biết, tổng hợp từ 55/63 tỉnh, thành, thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ BV, ngân sách giảm từ 8.889 tỷ đồng (năm 2018 so với 2015) và nguồn này được chuyển sang hỗ trợ mua BHYT, các BV thuộc Bộ Y tế giảm 562 tỷ đồng. Đối với các BV trực thuộc Bộ Y tế, 26 BV đã tự chủ chi thường xuyên, giảm được 30.826 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.
Y tế tư nhân phát triển nhanh về số lượng và quy mô, đến 2018 đã có 206 BV, trên 30.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân. Số người tham gia BHYT ngày càng tăng, từ 43,76% năm 2009 lên 88,5% năm 2018, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 68/2013/QH13... "Hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa đã thay đổi nhận thức của nhiều đơn vị về đầu tư, không chỉ ngân sách nhà nước mà phải chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị để phát triển kỹ thuật. Đầu tư xây dựng được các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, cơ sở toàn diện, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Từng bước đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả, hạn chế người bệnh ra nước ngoài. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT được hưởng lợi vì các trang thiết bị xã hội hóa được dùng chung cho toàn bệnh viện, người có BHYT được BHYT chi trả theo quy định..."- Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên nhìn nhận.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên cũng cho rằng, tự chủ, xã hội hóa cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, như: Nhiều BV tuyến dưới, vùng khó khăn còn thiếu nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng chuyên môn nên việc tự chủ có khó khăn. Các BV này và các BV chuyên khoa phong, tâm thần... không có thương hiệu, khó khăn trong việc xã hội hóa. Hiện nay, vẫn chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các BV, chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm. Tại một số địa phương, nhiều đơn vị chưa bảo đảm được chi thường xuyên nhưng vẫn giao tự chủ chi thường xuyên dẫn đến khó khăn trong hoạt động; nhiều định mức chi chưa được quy định hoặc lạc hậu, không phù hợp với thực tế nên khó khăn cho BV, trình độ quản lý tài chính của nhiều đơn vị còn hạn chế trong giai đoạn chuyển đổi...
TRÍ DŨNG