Báo Công An Đà Nẵng

Đình làng hơn 500 tuổi sắp trở thành phế tích?

Thứ ba, 04/10/2016 09:09

(Cadn.com.vn) - Đình "Không Chái", một ngôi đình cổ hơn 500 năm tuổi, tọa lạc tại tổ đoàn kết số 4, thôn Hóa Phú, xã Đại An, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Song đó không phải là dáng dấp, hình hài của ngôi đình cổ xưa mà đã được dân làng xây dựng lại và cũng đang bị  hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, xung quanh cỏ dại mọc um tùm lấp kín cả lối đi vì lâu ngày không được bàn tay con người chăm chút.  Anh Đức, nhà ở cạnh đình cho biết: sinh thời thân phụ anh là cụ Võ Châu cũng như các bậc cao niên luôn đau đáu nỗi lòng và mong mỏi ngôi đình cổ được quan tâm, phục dựng lại, bởi đây là biểu tượng của vùng đất này. Một số người có ý định kêu gọi xã hội hóa kinh phí, đồng thời đề nghị Nhà nước hỗ trợ, bởi  ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo gia phả được lưu giữ tại các dòng họ ở đây thì đình được xây dựng từ cuối năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông trị vì đất nước. Hồi ấy, dân của 7 châu (châu tức thôn ngày nay) vùng Quảng Huế, gồm Quảng Trung, Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Hóa, Quảng An, Quảng Phú và Quảng Đại đóng góp, xây dựng. Chính do dân làng của vùng đất Quảng Huế lập dựng nên đình có tên gọi là đình "Quảng Huế". Đình được xây dựng theo lối thiết kế 5 gian, 2 chái, được chạm trổ phượng, long, hoa văn kỳ công, tinh xảo, các cột đình bằng gỗ quý hiếm lấy từ rừng rất to đứng trên đá tán, mái lợp ngói âm dương, các trụ đá khắc hai câu đối: "Tứ tộc kế tiền công đấng lương nhật tự/Lục châu hoàn ngoại viện sơn thủy thiên thành", nghĩa là: "Bốn tộc kế nghiệp tiền nhân ngày ngày lo sao xứng đáng với vai trò rường cột/Sáu châu bao quanh mặt ngoài núi sông này trời tạo lập nên". Vùng đất Quảng Huế hồi đó chỉ có 4 tộc đầu tiên khai phá lập canh, lập cư là các tộc Võ, Lê, Nguyễn, Trần chứ chưa xuất hiện dòng họ nào khác. Tại sao nói 7 châu tạo lập đình mà vế đối thứ hai nói "lục châu hoàn ngoại viện..."? Có người đưa ra điều thắc mắc này, song vế đối hoàn toàn chính xác, vì châu Quảng Phú là địa điểm xây dựng ngôi đình, còn lại 6 châu nằm bao bọc xung quanh châu Quảng Phú. Rồi không ai còn nhớ vào năm nào, chỉ biết khoảng thời gian đó con cháu các dòng tộc ngày càng sinh sôi đông đúc, nhiều chi, nhánh trong mỗi tộc họ ra đời và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cũng gắn liền với đời sống con người, do đó đình, chùa bắt đầu phát triển theo sự tồn tại, phát triển của xã hội. Bà con các châu tề tựu tại đình Quảng Huế cúng bái để xin thành hoàng và các bậc tiền nhân cho tháo dỡ 2 chái chia nhau nhằm "lấy thiêng" mang về xây dựng các mái đình khác. Từ đó đình "Quảng Huế" chỉ còn lại phần mái lợp ngói chính nên cái tên mới đình "Không Chái" ra đời. Khi thực dân Pháp xâm lược, đình "Không Chái" là trụ sở hành chính bí mật của xã đến tháng 3-1947 là cơ quan Ủy ban Kháng chiến của H. Đại Lộc. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban bố Luật 10/59, kéo lê máy chém đi khắp miền Nam để tàn sát đồng bào và đình "Không Chái" là địa điểm đấu tố, tra tấn dã man của chính quyền Diệm. Máu của những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước và dân lương thiện đã rơi đổ không ít tại sân đình. Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ với bao biến cố thăng trầm, giặc dã chiến tranh, đình "Không Chái"  bị bom đạn vùi dập, đổ nát và biến mất, chỉ còn lại 2 trụ biểu, bức bình phong và 4 trụ đá, tượng trưng cho 4 tộc xuất hiện trước tiên của vùng đất. Mãi đến năm 1974, dân làng Quảng Huế góp công của xây dựng lại một mái đình rất nhỏ ngay trên nền ngôi đình cũ chứ không hoành tráng, đồ sộ như mái đình xưa và cái tên đình "Không Chái" tiếp tục được lưu truyền. 4 trụ đá đó được dựng lại làm trụ mái hiên của đình bây giờ.

4 trụ đá khắc các câu đối được dựng làm cột hiên của ngôi đình tạm.

Ngày 16-8-1997, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 1552/QĐ-UB công nhận đình "Không Chái" là  "di tích kiến trúc nghệ thuật". Ngày 15-2-2005, UBND tỉnh Quảng Nam lại ban hành Quyết định số 441/QĐ-UB công nhận đình "Không Chái" là "di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật". Chắc có lẽ do mái đình cổ xưa bị biến mất hoàn toàn nên ngày 8-12-2011, UBND tỉnh phê duyệt Đề án trùng tu khẩn cấp các di tích cấp tỉnh hiện có trên địa bàn thì đình "Không Chái"  bị rút khỏi "di tích kiến trúc nghệ thuật", chỉ còn lại "di tích lịch sử" với số tiền đầu tư tu sửa 300 triệu đồng. Rồi số tiền đó cũng chỉ đủ dùng vào việc xây tường rào bao bọc xung quanh khuôn viên để bảo vệ đình, không đủ năng lực tài chính nâng cấp ngôi đình hiện có. Bây giờ cứ vào dịp Tết đến, Xuân sang, đại diện các dòng tộc của xứ sở đều tổ chức lễ cúng để tri ân và tỏ lòng biết ơn các vị tiền nhân, tiên liệt khai thiên, lập địa và cứ 3 năm một lần vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch dân làng tổ chức lễ hội "Kỳ Yên" với quy mô lớn hơn, con cháu nhiều tộc họ làm ăn xa xứ đều tập trung về quê hương với tấm lòng thành dâng lên các bậc tiền bối, cầu mong quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, làm ăn no đủ...

Hai trụ biểu và bình phong còn sót lại của đình Không Chái.

Tuy dáng hình ngôi đình cổ không còn nữa nhưng ý nghĩa, gốc gác của nó vẫn mãi mãi hòa theo tâm tưởng của bao người dân. Di tích cần được bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau, vì vậy bà con nơi đây đang khát khao và mong chờ sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền để tiếp tục duy trì nét đẹp truyền thống cha ông, không để di tích cổ trở thành... phế tích.

Khuôn viên sân đình cỏ dại mọc um tùm.

Thái Mỹ