Báo Công An Đà Nẵng

Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu

Thứ bảy, 24/10/2015 10:36

(Cadn.com.vn) - “Đừng nghĩ ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm Tiền gửi, tổ chức tài chính của Nhà nước, phải chi trả cho người gửi tiền. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống”- đó là nhận định của Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa tại Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” do Viện Kinh tế Việt Nam và Tạp chí điện tử Diễn đàn Đầu tư tổ chức ngày 23-10.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.

Tại sao lại là “0 đồng”

Ông Nghĩa chia sẻ, trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta đã đạt được 4 điểm nhấn quan trọng cho giai đoạn gần 4 năm vừa qua. Đó là, hệ thống thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên. Cuối năm 2011, nguy cơ đổ vỡ hệ thống của hệ thống ngân hàng rất cao nhưng đến nay, thanh khoản đã ổn định. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất từ 17-20% đã về mức 9-10%. Có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề “ngân hàng 0 đồng”, ông Nghĩa khẳng định, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng là đúng luật, dựa trên Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Ông nhấn mạnh việc Ngân hàng Nhà nước mua các “ngân hàng 0 đồng” dựa trên giá trị thực cổ phiếu của các ngân hàng đó. “Đây là quan hệ mua bán, không phải là quốc hữu hóa”, ông Nghĩa nói. Một trong những sứ mạng của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ tổ chức tín dụng và người gửi tiền. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là hoàn toàn dựa trên tiêu chí khách quan và kết quả định giá độc lập về tài sản của các ngân hàng yếu kém. “Đừng nghĩ ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm Tiền gửi, tổ chức tài chính của Nhà nước, phải chi trả cho người gửi tiền”, ông Nghĩa nhấn mạnh thêm. Còn theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khái niệm “ngân hàng 0 đồng” mà chúng ta đưa ra là quá vắn tắt, thị trường không hiểu. Hệ thống văn bản pháp luật cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ khái niệm “0 đồng”. Ông Phước lý giải, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phiếu hiện hữu của các cổ đông vì âm vốn chủ sở hữu chứ không phải là mua lại ngân hàng. Ông Phước đặt câu hỏi: “Tại sao các ngân hàng thương mại Nhà nước không dám nhảy vào mua lại các ngân hàng yếu kém? Trước đây, Eximbank nợ xấu 76%, nhiều người đã hỏi tại sao khi đó Vietcombank lại nhảy vào? Thực chất, khi đó, đứng sau Vietcombank chính là Ngân hàng Nhà nước”.

“Cục máu đông” đã dần tan

Ghi nhận khái quát kết quả nổi bật của quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, nhiều đại biểu cho rằng, thành công của quá trình này là cục máu đông nợ xấu đã dần tan. Theo ông Phước, việc nợ xấu được xử lý nhanh là hợp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chuyển từ không gian định chuẩn là nợ xấu sang không gian đối nội là kết tinh ở Công ty Quảng lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). “Kết quả đạt được với việc xử lý nợ xấu là 45% đang ở VAMC, 28% dự phòng rủi ro, 27% giải pháp khác là thu nợ và xiết nợ”, ông Phước dẫn chứng. Ông Nghĩa cho biết số liệu mới nhất về nợ xấu, ước tính đến thời điểm này là trên 98% số nợ xấu xác định tại thời điểm 9-2012 đã được xử lý tương ứng với gần 458.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện nợ xấu ở thời điểm đó tương đối sát (465.000 tỷ đồng). “Chúng ta không đặt ra lộ trình chắc chắn cho đề án xử lý nợ xấu chắc chắn rằng 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Nhưng cả hệ thống ngân hàng đã phấn đấu đưa nợ xấu về dưới 3% trước ngày 30-9 là 2,93%”, ông Nghĩa cho biết như vậy. Mặc dù vậy, ông Nghĩa cũng thừa nhận, nợ xấu của ngân hàng là tài sản không sinh lời của doanh nghiệp, chúng ta không thể xử lý bằng mọi giá vì như thế sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến cả tổ chức tín dụng. “Xử lý nợ xấu thông qua VAMC là tối ưu”, ông Nghĩa khẳng định.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đánh giá, Ngân hàng Nhà nước phải giải một phương trình với nhiều ẩn số để xử lý “cục máu đông nợ xấu”. Theo vị chuyên gia kinh tế này, cách lập công ty mua bán nợ VAMC xử lý nợ xấu bằng cơ chế chứ không bằng “tiền tươi thóc thật” là kiểu sáng kiến “tay không bắt giặc”. Thực tế, đến nay, phần lớn nợ xấu của hệ thống đã được nhấc ra khỏi bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng và chuyển sang VAMC.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý nợ của VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết: “Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng, nợ xấu đã được bán cho VAMC. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh, tổ chức tín dụng không đồng ý cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn do tài sản bảo đảm có giá trị kém, do tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ”. Cũng có trường hợp ngân hàng bán nợ cho VAMC, sau khi thu giữ tài sản để tiến hành phát mại thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Ông Hùng nhấn mạnh, ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục mua nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của tổ chức tín dụng theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng được chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế... “Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng để tham gia tái cấu trúc tổ chức tín dụng”, Chủ tịch VAMC khẳng định.

Thúy Hà