Báo Công An Đà Nẵng

Dìu dặt hội Bài Chòi Chợ Gò - Trường Úc

Thứ năm, 15/01/2015 08:40

(Cadn.com.vn) - Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hát quan họ, hát ví dặm, ca trù ở miền Bắc; Nhã nhạc cung đình ở Huế, không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên hay đờn ca tài tử, cải lương Nam Bộ..., Bài chòi miền Trung có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn nghệ dân gian. Bài chòi Nam Trung Bộ đã được Nhà nước công nhận  là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ tháng 8-2014 và Việt Nam cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ  đưa bài chòi trình lên UNESCO để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Riêng quê tôi cũng tự hào đã nuôi  câu hát bài chòi từ những đêm bập bùng ánh đuốc  đến ngọn đèn dầu trong chiến tranh  và giờ đây hội bài chòi lại vang lên trong ngập tràn ánh điện.

Người dân nô nức dự Hội bài Chòi Chợ Gò-Trường Úc.

Không biết bài chòi có tự bao giờ, chỉ biết rằng hằng năm đến những ngày giáp tết, Chợ Gò quê tôi (Tuy Phước-Bình Định) rộn ràng tiếng đàn, giục giã tiếng nhạc, đầy ắp tiếng ca bài chòi thâu đêm suốt sáng. Bài chòi trở thành nếp sinh hoạt văn hóa mộc mạc mà độc đáo, trở thành niềm đam mê đến nỗi:

“Rủ nhau đi đánh bài chòi

Để cho con  khóc đến lòi

rún ra”.

Theo bà ngoại tôi kể lại, thì Đào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Định, đã dựa theo loại hình văn nghệ ở các chòi canh nương rẫy mà sáng lập ra hội bài chòi. Hồi ấy, trong lao động nông nghiệp nhu cầu thưởng thức văn nghệ dân gian tự phát nhiều thể loại phong phú. Sau này, bài chòi được nâng tầm nghệ thuật với các điệu hò, điệu vè đậm chất dân ca từ tình yêu cuộc sống lao động... Tuổi thơ tôi đầy ắp những câu bài chòi đối đáp những đêm trăng  làng. Tôi thường được theo chị gái lên chòi với chiếc đèn dầu đem theo. Giờ đây, không khí của Hội chòi vẫn cứ hiện rõ mồn một với những câu ca, câu đố tỏ tình:

"Ước gì em chửa có chồng/                         

Anh về thưa với cha mẹ mang rượu nồng đón em".

Chị tôi đáp lại ngay:

- "Thấy anh em cũng

muốn theo

Chỉ sợ anh nghèo anh bán

em đi".

 Chẳng những không bán mà anh Hiệu sau này đưa chị tôi về nhà lập gánh hát bài chòi đi diễn khắp các cánh đồng miền quê Tuy Phước, gọi là bài chòi đất. Chị tôi bây giờ đã có cháu ngoại, cháu nội mà những câu hát bài chòi đưa duyên ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn cái tình cái nghĩa không sót từ nào. Có lần tôi thử đố chị: “Nếu rút trúng con bài tên Ba Bụng, chị là cô Hiệu sẽ hát sao đây?”, chị đáp ngay:

  "Gió sao gió mát sau lưng/                           

Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này".

Ngày 13 và 14-1, tại TP Quy Nhơn diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới”. Đây là một trong các hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Hội thảo có 22 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước về nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam. Các tham luận tập trung vào những nội dung chính như: Nghệ thuật biểu diễn hô bài thai, bài chòi trải chiếu, bài chòi dạo của anh hiệu, chị hiệu; Tính văn học và âm nhạc trong nghệ thuật hô bài thai và nghệ thuật độc diễn bài chòi; Các biện pháp đã và sẽ thực hiện để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Bài Chòi; Bước đầu so sánh giữa nghệ thuật bài chòi và các hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới…
Bên cạnh đó là các ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đại diện cho 9 tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) có di sản bài chòi về hiện trạng, các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản.

Chị em ôm bụng cười nắc nẻ, tiếng cười vang từ hội chòi đêm ấy còn vẳng lại hôm nay. Chị lại đố lại tôi: “Thế nếu cậu là Cậu Hiệu thì rút trúng con bài Nhì Bí, thì hát xem nào”, tôi cũng ứng lên như thuộc lòng từ trước:

"Bình Định có núi Vọng Phu/Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh/Em về Bình Định cùng anh/Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa". Vâng , chỉ cần có câu ca nào có chữ Bí là “gỡ bí” được rồi.

Tuy Phước quê tôi có điện từ năm 1993. Điện vào từng nhà, sáng bừng ngõ xóm, điện vào cụm công nghiệp kích hoạt các sản phẩm làng nghề truyền thống, điện ra đồng bơm nước tưới cho cây hoa huệ Phước Sơn. Phước Hiệp... cây lúa, vụ tôm khu Đông trúng mùa là nhờ điện. Điện cũng có mặt ở Chợ Gò mỗi đêm với Hội bài chòi đón xuân. Ánh sáng chan hòa với âm thanh thúc giục náo nức lòng người. Câu hát bài chòi vang lên từ chiếc micro của Chú Hiệu với dàn amply, loa thùng, dàn nhạc hiện đại đã nâng nghệ thuật hát bài chòi lên tầm cao mới, đi vào lòng người, hấp dẫn du khách về với Chợ Gò, Trường Úc. Không những ở Chợ Gò quê tôi mà hiện nay phong trào hát bài chòi đã được mở rộng ra cả tỉnh. Từ huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát  đến thị xã An Nhơn, rồi tại thành phố Quy Nhơn với Hội bài chòi  hằng đêm sáng bừng ánh điện trên quảng trưởng Nguyễn Tất Thành, khu thắng cảnh Ghềnh Ráng... thu hút trai thanh gái lịch và bà con nhân dân lao động đến với loại hình văn nghệ truyền thống giàu tính nhân văn và đầy ắp nghệ thuật sáng tạo. Xuân này, mời bạn về Tuy Phước với những đêm Hội bài chòi Chợ Gò - Trường Úc.

Văn Thuận