Đìu hiu nghề làm chõng tre
(Cadn.com.vn) - Nghề làm chõng tre của người dân ở xã Hòa Phước (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có từ trước năm 1975, bắt nguồn từ làng Cầu Nhí, (xã Điện An, H. Điện Bàn, Quảng Nam). Lúc bấy giờ, nghề này được xem là "hái ra tiền". "Ngày đó nhộn nhịp lắm, người dân khắp nơi đổ xô về đặt chõng, "3 đầu 6 tay" cũng không làm kịp cho khách hàng. Thế nhưng hiện nay, cả làng Tân Hạnh, nơi được xem là "cái nôi" làm chõng tre của xã Hòa Phước chỉ còn vỏn vẹn 3 hộ theo nghề. Kinh tế phát triển, đời sống người dân nâng cao thì cũng là lúc chõng tre không còn "chỗ đứng" vững chãi. Cơ sở sản xuất chõng tre của ông Quỳnh Xuyên (60 tuổi, Tân Hạnh, Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng) là nơi được người dân trong làng gọi là "giỏi bám trụ" với nghề làm chõng nhất. Gọi là "cơ sở" chứ thực ra chỉ có vợ chồng ông ngày đêm miệt mài làm chõng. Giới thiệu về từng loại chõng, ông lắc đầu ngao ngán: "Khó lắm chú à, nhìn vậy thôi chứ không dễ gì mà làm nổi. Nghề là nghề cha ông để lại, trước thì nó "thịnh", giờ thì nó "suy", làm cả ngày mà chẳng thấy "thấm" gì đâu".
Để có được một chiếc chõng tre thành phẩm phải tốn nhiều thời gian, sức lực nhưng giá thành lại rẻ. "Mỗi ngày tối mặt làm vậy thôi chứ có được bao nhiêu đâu. Mỗi chiếc chõng vợ chồng làm phải mất một ngày nhưng bán chỉ có 180 nghìn đồng, trong đó tiền mua tre, vật liệu hơn 100 nghìn rồi. Thu nhập bấp bênh thế này thì thanh niên nó bỏ là đương nhiên", bà Hường, vợ ông Xuyên, người có kinh nghiệm 30 năm làm chõng bộc bạch.
Ông Sinh đục thanh chõng. |
Nghề làm chõng tre đòi hỏi công phu, từ chọn tre, phơi khô rồi chẻ tre đóng thành khung chõng, bện vạt chõng. Mỗi giai đoạn phải đòi hỏi sự khéo léo thì mới có được chiếc chõng tre chất lượng. "Làm chõng thì phải nhẫn nại, giống như chẻ tre phải chẻ cho đều thì bện vạt mới bằng phẳng và đẹp"-ông Quỳnh Sinh (50 tuổi), người có kinh nghiệm 25 năm làm chõng tre cho biết.
Làm chõng tre đã khó, khâu tiêu thụ nay càng khó hơn nữa. Phải thuê xe chở đến tận những cơ sở ở thành phố như chợ Cồn, chợ Hòa Khánh... để bán. "Mỗi lần chở đi vất vả lắm, xe chở ra tận đó bỏ cho đại lý, trừ mọi chi phí rồi trả tiền xe nữa là không được bao nhiêu đồng. Trước đây vợ tôi còn khỏe, vợ chồng vác đi khắp nơi bán dạo thì còn có đồng lời"-ông Sinh trải lòng. Nghề làm chõng tre trước đây của ông Sinh đã nuôi được con cái ăn học nhưng nay đìu hiu lắm nên vợ chồng ông cũng đang có ý định bỏ nghề, tìm việc khác thu nhập ổn định hơn. "Cả làng có đến 80% hộ theo nghề làm chõng như trước đây mà bây giờ chỉ còn vài hộ. Thanh niên trai trẻ họ bỏ hết để đi phụ hồ, mình tuổi cao sức yếu không làm được nên đành gắng gượng với nghề nhưng không biết sẽ đến khi nào", ông Sinh nói.
Phi Nông