Báo Công An Đà Nẵng

Dở dang “tinh giản” tàu cá công suất nhỏ

Thứ bảy, 12/01/2019 12:00

Năm 2016, Đà Nẵng ban hành Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV trên địa bàn thành phố (Quyết định 4991) với mục tiêu đến năm 2020 sẽ không còn thuyền thúng gắn máy, số lượng tàu vỏ gỗ công suất dưới 20CV cũng chỉ còn khoảng 150 tàu. Kèm theo đó là sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ để giúp ngư dân xả bản tàu, chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, giữa năm 2018, thành phố ra quyết định tạm dừng đề án, chủ trương “tinh giản” đội tàu đánh bắt gần bờ trở nên dang dở.

Đà Nẵng đang dang dở chủ trương tinh giản tàu cá công suất nhỏ.  Ảnh: CÔNG KHANH

Theo thống kê, vào thời điểm ban hành đề án, Đà Nẵng có tổng cộng 777 phương tiện có công suất dưới 20CV nằm trong diện đã đăng ký và 218 phương tiện khác thuộc diện này hoạt động khu vực ven bờ, bãi ngang không đăng ký hoạt động (75 tàu và 143 thuyền thúng gắn máy). Theo đánh giá của ngành chức  năng, đội tàu này chủ yếu là tàu vỏ gỗ, một số là nan be gỗ, có kích thước nhỏ, đánh bắt thủ công, manh mún, nhỏ lẻ, phương tiện bảo hộ thô sơ, không đảm bảo an toàn. Hoạt động khai thác ven bờ khiến Đà Nẵng đối mặt với những thách thức làm cho nguồn lợi hải sản giảm, kéo theo suy giảm về môi trường biển, mất dần đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, năng suất khai thác và hiệu quả kinh tế không cao. Cạnh đó, số lượng tàu công suất nhỏ ở khu vực bờ biển có sự cạnh tranh với các hoạt động dịch vụ du lịch, phát triển thiếu hài hòa với các hoạt động kinh tế khác.

Quyết định số 4991 của UBND thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 chỉ còn khoảng 150 tàu thuyền dưới 20CV so với con số 777 phương tiện như vào thời điểm ban hành đề án. Theo lộ trình cắt giảm, ngân sách cũng sẽ trích tổng cộng 23,47 tỷ đồng để thu mua lại các phương tiện cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.200 lao động. Cụ thể, các phương tiện nằm trong diện này sẽ được thu mua lại với mức từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các phương tiện đã đăng ký và từ 5 đến 10 triệu đồng đối với phương tiện chưa đăng ký. Chủ tịch UBND thành phố giao các quận quyết định thực hiện hỗ trợ mức 10 triệu đồng/người để chủ tàu mua phương tiện mới làm ăn, góp vốn tham gia hoạt động chuyển đổi nghề hoặc đào tạo nghề phù hợp cho từng đối tượng (không hỗ trợ cho lao động trên các phương tiện không đăng ký).

Ông Lê Văn Thưởng đã thực  hiện xả bản tàu cá, nhận tiền hỗ trợ nhưng không thể chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Chủ trương giảm số lượng tàu cá đánh bắt gần bờ, hỗ trợ sinh kế, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề là rất đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản. Thực tế các địa phương cũng đã nhanh chóng triển khai và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên hiện tại ngành chức năng và một bộ phận người dân lại đang cảm thấy lúng túng vì chủ trương này đã tạm dừng. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, tính đến đầu năm 2019, tổng số phương tiện đã xả bản là 130, kèm theo đó là 330 lao động được nhận tiền hỗ trợ, tổng kinh phí thực hiện là gần 6 tỷ đồng. Trong số này, Sơn Trà là quận có số phương tiện và lao động nhiều nhất cũng chỉ đạt 92 phương tiện/537 phương tiện thành phố duyệt. Tổng số tiền hỗ trợ phương tiện là 2,07 tỷ đồng, hỗ trợ lao động là 2,68 tỷ đồng. Trong khi đó, số lượng tàu phát sinh mới nằm trong diện dưới 20CV đã lên tới 89 phương tiện (phát sinh trước 2016 là 75 phương tiện). Q. Thanh Khê đã chi trả tiền hỗ trợ từ nguồn của thành phố là 805 triệu đồng kèm theo 180 triệu đồng của quận hỗ trợ thêm cho cả phương tiện và lao động, nhưng đến nay đã phát sinh thêm 57 chiếc  chưa được phê duyệt hỗ trợ. Đại diện Phòng Kinh tế của hai địa phương này cho biết, hầu hết thu nhập chính của các hộ có phương tiện phụ thuộc vào khai thác hải sản, trình độ ngư dân còn thấp, một số tuổi cao nên khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề sau khi nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 4991. Việc phát sinh phương tiện sau này rất khó quản lý, không được phê duyệt thì không thể làm hồ sơ hỗ trợ. Ông Lê Văn Thưởng (64 tuổi, trú tổ 55, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) cho biết, thực hiện xả bản tàu theo chủ trương của thành phố, hai vợ chồng ông được hỗ trợ tổng cộng 40 triệu đồng cho cả người và phương tiện. Nhận tiền rồi nhưng già cả cũng chẳng biết làm nghề gì khác, giờ tiền cũng sắp  hết, phải trồng nhờ vào đứa con. “Nó cũng có cái tàu nhỏ, làm nghề lặn gần bờ nhưng không đăng ký xả bản, đi làm như tui hồi trước. Còn vợ chồng tui, giờ ai thuê chi làm nấy chứ già cả rồi, cũng chẳng biết chuyển đổi ngành nghề ra sao”, ông Thưởng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quang Vinh – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, sau khi thành phố có chủ trương tạm dừng thực hiện chính sách xả bản thuyền thúng, tàu công suất nhỏ, việc quản lý lượng tàu trong diện này được giao về cho các địa phương. UBND thành phố cũng đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội xây dựng đề án chuyển đổi ngành nghề cho số lượng lao động đi kèm các phương tiện còn lại chưa thực hiện xả bản. Cái khó hiện tại là một số phương tiện đăng ký xả bản nhưng chủ trương đã dừng nên chưa thể giải quyết, việc chuyển đổi ngành nghề cho số lao động kèm theo cũng chưa có phương án cụ thể. “Không chỉ chưa giải quyết được số còn lại mà còn rất khó khăn để quản lý được diện phát sinh thêm sau này. Theo quy định, lượng phương tiện phát sinh sau này sẽ không được hỗ trợ khi thực hiện đề án chấm dứt hoạt động của tàu công suất nhỏ, chuyển đổi ngành nghề cho lao động. Sắp tới chúng tôi tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức cuộc họp với các sở ngành, các địa phương liên quan để hoàn thành đề án chuyển đổi ngành nghề cho số còn lại”, ông Vinh cho hay.

CÔNG KHANH

Theo Công văn số 3867/UBND-KT ngày 25-5-2018 về việc dừng thực hiện chính sách xả bản tàu cá, thuyền thúng có công suất nhỏ, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu quy định của pháp luật, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo quản lý chặt chẽ và không có phát sinh tàu, thuyền thúng đánh cá có công suất nhỏ hơn 20CV.