Báo Công An Đà Nẵng

“Đỏ mắt” tìm kiếm công nhân cao su

Thứ tư, 01/03/2017 11:01

(Cadn.com.vn) - Khi giá cao su sau nhiều năm ở dưới đáy thì vài tháng trở lại đây đã tăng trở lại và hiện nay đã đạt khoảng 50 triệu đồng/ tấn. Tại tỉnh Gia Lai, dù giá cao su đã tăng khiến các doanh nghiệp (DN) phấn khởi nhưng kèm theo đó là nỗi lo về công nhân. Bởi những năm trước, hàng trăm công nhân ở các đơn vị cao su, kể cả ở một  số đơn vị kinh doanh cao su có tiếng ở trên địa bàn đã đồng loạt xin nghỉ vì thu nhập không đủ sống.

Nhiều vườn cao su đang vào thời kỳ khai thác khan hiếm công nhân
sau một thời gian dài giá mủ cao su rớt xuống đáy.

Cái nắng của mùa khô Tây Nguyên ở xã biên giới Ia Puch (H. Chư Prông, Gia Lai) nơi nông trường Ia Puch 1 của Công ty Quang Đức Gia Lai đứng chân cũng không nóng bằng việc toàn nông trường đang căng sức đi tìm thêm công nhân. Bởi lẽ, cả nông trường đến thời điểm này đã có 450ha cao su đưa vào kinh doanh, nâng tổng diện tích kinh doanh lên hơn 600ha. Để đáp ứng yêu cầu lao động, đội cần tuyển mới 140 công nhân. Thế nhưng, ở xã biên giới cách trở, dân cư ít khiến lao động tại chỗ càng hiếm khiến việc tuyển đủ số lượng công nhân cần thiết gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Công Quốc, Giám đốc nông trường cho biết: Theo sự chỉ đạo của Tổng giám đốc và các phòng ban liên quan thì nông trường ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thế nhưng, nông trường “đỏ mắt” cũng không tìm kiếm đủ”. “Chúng tôi tuyên truyền, vận động thêm con em cán bộ, công nhân vào làm khai thác cho đơn vị. Đồng thời, cũng phải chủ động liên hệ với các địa phương lân cận, các tỉnh lân cận để tìm được lao động đáp ứng cho năm 2017”, ông Quốc cho biết thêm.

Chỉ tính riêng địa bàn xã biên giới Ia Puch, đã có hơn 10.000ha cao su của nhiều đơn vị và đây được xem là một trong những xã có diện tích cao su lớn nhất Tây Nguyên. Diện tích này chủ yếu chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su giai đoạn 2007-2010. Ông Hoàng Văn Trung, Phó Tổng giám đốc thường trực Cty Quang Đức Gia Lai tính nhẩm: năm nay hầu hết diện tích cao su của các đơn vị đã đưa vào kinh doanh và chỉ tính riêng địa bàn xã Ia Puch sẽ cần khoảng 5.000-6.000 lao động. Với yêu cầu lao động quá lớn như vậy, chắc chắn các doanh nghiệp không thể tuyển đủ người nếu chỉ dựa vào lao động địa phương. Trong khi đó, mục tiêu của các dự án khi chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su là tạo sinh kế cho người dân nơi có dự án, đặc biệt là người dân đồng bào DTTS cũng như các vấn đề an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng khác. Điều đó khiến một số DN lúng túng, khó khăn khi tìm kiếm công nhân.

Riêng tại Cty Quang Đức, với hơn 5.000ha cao su được đưa vào khai thác thì lượng lao động hiện tại chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Số còn lại, doanh nghiệp đang chờ chủ trương của tỉnh chấp nhận việc tuyển lao động ngoại tỉnh. Bởi trên địa bàn H. Chư Prông hàng loạt dự án cao su được triển khai thì rõ ràng lực lượng lao động hiện có để cung cấp cho các dự án hiện nay thì chỉ là con số nhỏ nhoi. “Giờ UBND tỉnh Gia Lai xem xét và cho chủ trương để tuyển lao động ở những vùng khác. Tất nhiên, chúng tôi cũng ý thức rõ là đối với những dự án ở vùng sâu, vùng xa thì DN cần có sự quan tâm đặc biệt để người lao động ổn định đời sống như làm đường nhựa, khắc phục khó khăn về giao thông, đầu tư xây dựng nhà để công nhân ổn định về chỗ ở và tăng dần mức thu nhập”, ông Trung cho biết.

Về tổng thể, tỉnh Gia Lai có gần 30.000ha cao su trồng trên diện tích chuyển đổi rừng nghèo giai đoạn 2006-2011 và năm nay hầu hết diện tích này đi vào kinh doanh nên nhu cầu lao động là rất lớn. Theo ông Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai, các DN khó tuyển được lao động là do nguồn lao động dôi dư tại địa phương hiện nay là rất ít. Trong khi đó, người dân, nhất là bà con đồng bào DTTS có tâm lý không muốn xa gia đình, buôn làng. Không những thế, các dự án cao su đi vào kinh doanh năm nay lại chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, điều kiện sống khó khăn càng khiến người dân e ngại vào lao động ở khu vực này. Quan trọng hơn cả, giá mủ cao su mặc dù đã tăng nhưng vẫn còn ở mức trung bình khiến việc chi trả của DN cho người lao động trong lĩnh vực này thực sự chưa hấp dẫn trong khi phải đối diện với nhiều điều kiện còn khó khăn. Về ý kiến của mình trong việc tìm kiếm thêm nguồn nhân lực cho các dự án đang vào thời kỳ kinh doanh, ông Thành cho biết: Thời điểm này, các DN cần số lượng lao động rất lớn nhưng địa phương không đáp ứng được, vấn đề này chúng tôi sẽ khẩn trương phối hợp với doanh nghiệp mở các buổi tư vấn việc làm, sàn giao dịch  việc làm... để cùng doanh nghiệp gỡ rối vấn đề này.

Minh Tân