Báo Công An Đà Nẵng

“Độ nóng” trên chính trường Campuchia

Thứ tư, 13/09/2017 09:26

Mỹ đã bác bỏ những cáo buộc của chính phủ Campuchia về việc Washington can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, kêu gọi Phnom Penh trả tự do ngay lập tức cho thủ lĩnh đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập Kem Sokha.

Ông Son Chhay và các thành viên trong đảng CNRP tổ chức cuộc họp báo
tại trụ sở đảng ở thủ đô Phnom Penh hôm 12-9.  
   Ảnh: KSC

Chính trường Campuchia đang nóng lên từng ngày, trước thềm diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7-2018.

Bắt đầu là việc ông Kem Sokha bị cảnh sát bắt giữ hôm 3-9 và sau đó bị Tòa sơ thẩm Phnom Penh quyết định tạm giam để tiến hành các thủ tục tố tụng theo luật định và xem xét tội danh phản quốc. Ông Kem Sokha bị bắt khi có chứng cứ từ đoạn băng được đăng tải trên trang CBN và một số chứng cứ khác cho thấy, ông cùng đồng bọn câu kết bí mật với nước ngoài nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp tại Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen sau đó đã ra tối hậu thư buộc CNRP phải ngừng ủng hộ nhà lãnh đạo Kem Sokha nếu không muốn bị giải tán. Chính quyền Thủ tướng Hun Sen cũng yêu cầu đảng CNRP phải nhanh chóng tìm người thay lãnh đạo đảng theo thời hạn quy định trong hoạt động chính trị ở Campuchia. Vì nếu không có lãnh đạo, đảng sẽ không được tham gia tranh cử.

Tuy nhiên, đảng CNPR vẫn tỏ ra rất thách thức khi tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ ông Kem Sokha trong vai trò lãnh đạo và dọa tẩy chay cuộc bầu cử nếu ông này không được thả. Trong tuyên bố đưa ra hôm 12-8, đảng đối lập chính của Campuchia cũng tỏ rõ quyết tâm tham gia các cuộc bầu cử vào năm tới bất chấp việc lãnh đạo của họ bị bắt giữ. Reuters dẫn tuyên bố của ông Son Chhay, một thành viên cao cấp của CNRP trong cuộc họp báo đầu tiên của đảng kể từ sau khi ông Kem Sokha bị bắt giữ vào ngày 3-9, cho biết: “Tôi hy vọng, trước cuộc bầu cử vào năm 2018 sẽ có một giải pháp chính trị giữa tất cả chúng ta để tạo ra môi trường tốt và đảm bảo, cuộc bầu cử sẽ diễn ra tự do và công bằng”.

Mỹ hôm 12-9 cũng ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc của chính phủ Campuchia về việc Washington can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, đồng thời kêu gọi Campuchia trả tự do ngay lập tức cho thủ lĩnh đảng đối lập của Kem Sokha. Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt nhấn mạnh: “Trong năm qua, Mỹ đã hàng chục lần trở thành đối tượng của những cáo buộc không chính xác, sai trái và vô căn cứ. Mọi cáo buộc về Mỹ trong những tuần qua là sai         sự thật”.

Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen cáo buộc thủ lĩnh đảng đối lập của Campuchia Kem Sokha là phản quốc và âm mưu lật đổ chính quyền với sự tiếp tay của Mỹ. Và đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của Washington kể từ sau vụ bắt giữ ông Kem Sokha trong bối cảnh Nhà Trắng cũng khó chịu trước việc Phnom Penh tiến gần hơn đến với Bắc Kinh.

Trên thực tế, chính quyền Thủ tướng Hun Sen đang “mạnh tay” với Mỹ trong khi nỗ lực tiến gần hơn với Trung Quốc. Trong thời gian qua, chính quyền của ông Hun Sen liên tục bất đồng với Mỹ. Cả hai đang vướng vào một cuộc tranh cãi chính trị sâu sắc khi thay phiên chỉ trích nhau sau khi Campuchia chấm dứt hoạt động của Viện Dân chủ Quốc gia (NDI), một tổ chức phi chính phủ (NGO) do Mỹ tài trợ và buộc các nhân viên của NDI phải rời khỏi nước này.

Và những con số cũng cho thấy điều này. Trong năm 2016, Trung Quốc cung cấp gần 30% vốn đầu tư tại Campuchia - hơn cả của chính người Campuchia. Mỹ chỉ chiếm hơn 3%. Những dự án mà Campuchia lấy từ Mỹ và Trung Quốc cũng rất khác nhau. Các dự án của Trung Quốc bao gồm đường sá, cầu, hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng truyền tải điện và đập. Trong khi danh sách các dự án của Mỹ trải dài hơn nhiều, nhưng lại nhỏ hơn nhiều: giáo dục, y tế, bảo tồn…

Giới quan sát cho rằng, tình hình hiện nay rõ ràng là thử thách lớn nhất đối với ông Hun Sen trong hơn 30 năm cầm quyền, đặc biệt là ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào tháng 7-2018.

KHẢ ANH