Báo Công An Đà Nẵng

Khủng hoảng kinh tế Venezuela:

Do phá hoại hay quản lý yếu kém?

Thứ hai, 09/09/2013 11:31

(Cadn.com.vn) - Nhiều giả thuyết khác được đưa ra sau sự cố mất điện diện rộng tại Venezuela hôm 3-9. Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc các đối thủ chính trị phá hoại hệ thống điện, còn phe đối lập đổ lỗi cho sự bất tài của chính phủ dẫn đến sự cố mất điện lớn nhất trong 5 năm qua. Khi Venezuela thực sự đang đối mặt với vấn đề thiếu điện, nhiều người đặt câu hỏi, cơ sở hạ tầng của nước này dễ bị tổn thương đến mức nào?

Thiếu đầu tư

Mất điện là điều khá thường xuyên ở Venezuela. Nhưng sự cố hôm 3-9 lại xảy ra ở thủ đô Caracas, vốn rất ít khi rơi vào tình trạng này.

Jose Manuel Puente, nhà kinh tế tại Trường quản trị IESA, cho biết việc cắt điện là dấu hiệu cho thấy, tình trạng bất ổn đang ngày một lớn hơn. “Đầu tư trong một số lĩnh vực bị cắt giảm xuống mức tối thiểu. Những gì chúng ta thấy hiện nay là hệ quả của các chính sách kinh tế mất cân bằng trong hơn một thập kỷ qua", ông giải thích. Hầu hết những người ủng hộ cố Tổng thống Hugo Chavez và người kế nhiệm Nicolas Maduro sẽ không đồng ý với phân tích của ông Puente. Nhưng ngay cả Bộ trưởng Tài chính Nelson Merentes gần đây cũng thừa nhận, các chính sách kinh tế của chính phủ đã không thành công đồng thời kêu gọi cải cách.

Nhiều người cho rằng việc kiểm soát ngoại tệ gây ra các vấn đề kinh tế của Venezuela. 
Ảnh: BBC

Thị trường chợ đen ngoại tệ

Kể từ khi ông Chavez lên nắm quyền vào năm 1998, chính phủ thành công trong việc giảm bất bình đẳng, đói nghèo và suy dinh dưỡng. Các khoản đầu tư vào các lĩnh vực xã hội, trợ cấp chính phủ và kiểm soát giá lương thực được thực hiện nhờ doanh thu từ ngành công nghiệp dầu mỏ.

Venezuela có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Dầu mỏ chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, các chính sách theo định hướng xã hội làm biến dạng nền kinh tế. Một trong những chính sách gây tranh cãi nhất là vào năm 2003, khi chính phủ đưa ra một tỷ lệ cố định cho việc trao đổi ngoại tệ. Động thái này giúp chính phủ kiểm soát giá một số mặt hàng cơ bản, như bánh mì và gạo, tạo ra giá cả phải chăng hơn cho người nghèo. Dưới sự kiểm soát tiền tệ, người dân và doanh nghiệp chỉ có thể nhận được đồng USD từ một cơ quan tiền tệ của chính phủ, chỉ với mục đích nhập khẩu hàng hóa hoặc trả phí du lịch nước ngoài.

Số lượng USD giao dịch bị hạn chế đã “giúp” hình thành nên thị trường chợ đen. Tỷ giá chính thức của chính phủ là 6,30 bolivar/1 USD. Nhưng trên thị trường chợ đen, tỷ giá này cao hơn 6 lần. Đổi tiền trên thị trường chợ đen là hành vi phạm pháp nhưng hoạt động này vẫn diễn ra phổ biến. Người dân Venezuela tính toán chi phí sống theo tỷ giá thị trường chợ đen. Với việc áp dụng tỷ giá thị trường chính thức, Caracas trở thành 1 trong 10 thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới, theo thống kê chỉ số Big Mac năm 2013 của tạp chí Economist.

Thiếu hàng hóa

Ông Maduro cáo buộc Mỹ âm mưu lật đổ Venezuela

Ngày 8-9, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc Mỹ âm mưu “lật đổ” chính quyền của ông vào tháng 10 tới bằng cách phá hoại các nguồn cung cấp lương thực, điện và nhiên liệu. Phát biểu lại một buổi lễ kỷ niệm ở bang Aragua thuộc miền Bắc Venezuela, ông Maduro nhấn mạnh: “Tôi có dữ liệu về một cuộc họp tại Nhà Trắng với đầy đủ danh tính những người tham dự. Tôi biết các kế hoạch mà họ thực hiện nhằm lật đổ Venezuela”.

Tỷ giá hối đoái cố định cũng gây ra nhiều vấn đề khác trong nền kinh tế.

Hàng nhập khẩu trở nên khó khăn vì các Cty không có USD. Sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tạo ra sự thiếu hụt hàng hóa. Theo Ngân hàng Trung ương, chỉ số khan hiếm hiện nay là 18%, có nghĩa là trong số 100 mặt hàng, 18 mặt hàng không có sẵn. Tỷ lệ lạm phát của Venezuela là cao nhất ở Châu Mỹ Latinh hiện nay. Giá cả các mặt hàng không chính phủ trợ giá tăng vọt. Mức lương tối thiểu tăng lên, nhưng không đủ để bắt kịp với lạm phát. Điều này gây mất cân bằng rất nghiêm trọng và cần thiết phải thay đổi, song đây cũng là một vấn đề chính trị.

Tổng thống Maduro đổ lỗi “những căn bệnh” đất nước là do phe đối lập phá hoại. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 12 tới, đảng của Maduro có khả năng sẽ mất phiếu ủng hộ do các vấn đề kinh tế hiện nay.

An Bình

(Theo BBC)