Báo Công An Đà Nẵng

Đô thị biển - hướng mở cho không gian du lịch Đà Nẵng

Thứ sáu, 30/03/2018 11:45

Nhiều năm qua, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng, phát triển khá nhanh cả về các chỉ tiêu phát triển lẫn cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện. Để trở thành một trung tâm du lịch có thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia và khu vực, định hướng đến năm 2035, thành phố tiếp tục khai thác thế mạnh về du lịch biển.

Bờ biển dài 4km ngang qua địa phận quận Thanh Khê khá đẹp nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Sau giai đoạn chia tách trực thuộc T.Ư, ngành “công nghiệp không khói” Đà Nẵng phát triển khá nhanh và dần khẳng định ngành mũi nhọn phát triển KT-XH thành phố. Từ con số 205 nghìn lượt khách năm 1997 lên 6,6 triệu lượt năm 2017, các giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010 có tốc độ tăng lượt khách du lịch bình quân từ 13 - 15%/năm thì đến giai đoạn  2011 - 2015 đã trên 20%/năm. Xét riêng năm 2016, đóng góp tổng hợp của du lịch vào GRDP Đà Nẵng đạt 23,72% (16.544 tỷ đồng)  cao hơn gấp 1,7 lần so với tỷ trọng đóng góp tương ứng trong cơ cấu kinh tế cả nước (14%GDP), gấp 2 lần so với các địa phương khác có ngành du lịch phát triển như Quảng Ninh (10,9%), Hà Nội (10%). Tuy vậy tổng mức chi tiêu của khách du lịch thấp chỉ khoảng 0,9 triệu đồng/người/ngày đối với khách nội địa và 1,5 triệu đồng/người/ngày đối với khách quốc tế, chủ yếu là cho các dịch vụ thuê phòng, ăn uống và đi lại, các dịch vụ như tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí có giá trị đóng góp còn thấp. Ngoài một số sản phẩm du lịch có đẳng cấp vẫn chưa có nhiều sản phẩm đặc thù riêng có của Đà Nẵng; chưa có các doanh nghiệp địa phương lớn, chưa thu hút được nhiều các tập đoàn, tổng công ty trong cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đặt trụ sở tại Đà Nẵng.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, Đà Nẵng đã khai thác tối đa lợi thế bờ biển để phát triển du lịch, nhưng trong tương lai rất khó vì diện tích đất bờ biển đã tận dụng triệt để. TS. Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ cho rằng “Đà Nẵng đã tận dụng được quy luật đất đô thị hóa để biến thành “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng trong tương lai, điều này sẽ không còn nữa”. Trong khi đó, bờ biển Nguyễn Tất Thành dài 12km kéo dài qua ba quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu khá đẹp và Vịnh Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng là một trong những vịnh đẹp của thế giới, nhưng cho đến nay chưa được đầu tư và khai thác đúng tầm vóc giá trị của nó. Điều này đã dẫn đến khó khăn trong phát triển tiềm năng du lịch của địa phương. Bằng chứng là mới đây, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê đã đề xuất bồi lấn vịnh Đà Nẵng ra tối đa 200m, dọc 4km qua Q. Thanh Khê, tương đương quy mô 80ha lấn biển để tạo quỹ đất phát triển dịch vụ. Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê thì ý tưởng trên xuất phát từ nhu cầu bức thiết về phát triển du lịch của quận. Bởi hiện nay, tại Q. Thanh Khê, quỹ đất không còn nhiều, việc thu ngân sách cũng không còn theo kịp các quận khác. “Bây giờ muốn phát triển Thanh Khê theo định hướng cơ cấu kinh tế thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp- thủy sản, trong đó ưu tiên hàng đầu là thương mại - dịch vụ thì chỉ còn cách “mở mang bờ cõi” ra thôi”, ông Tĩnh nói.

Nhận diện những tồn tại trên, dự thảo báo cáo sơ khởi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 của UBND thành phố nêu rõ quy hoạch vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” nằm trong định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng đến năm 2035. “Đô thị biển” này sẽ mang tính chất độc đáo về một đô thị trên biển với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, tạo nên điểm nhấn cho Đà Nẵng về du lịch, thu hút các dòng vốn đầu tư tạo sức lan tỏa chung. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cho phép Đà Nẵng quy hoạch một phần Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị trên biển” và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư.

Ngoài ra, phát huy lợi thế hiếm có của thành phố so với các đô thị trên thế giới về biển - sông - núi, trong đó, tận dụng các lợi thế về biển Đông (bãi biển đẹp hàng đầu thế giới, với 2 trục ven biển: Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và Nguyễn Tất Thành gắn với Vịnh Đà Nẵng), sông Hàn (đóng vai trò trục giao thông và cảnh quan với bản sắc đô thị sông nước), sông Cu Đê và các ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng bao gồm cụm núi Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà, Phước Tường. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng điều này góp phần nâng cao giá trị và tầm vóc của Đà Nẵng, phát triển Đà Nẵng thực sự trở thành trung tâm du lịch vùng với vai trò là “Cửa đến” của vùng đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, hướng đến mục tiêu chung là xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch tầm cỡ trong khu vực và quốc tế. “Cần có quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư xây dựng, khai thác vịnh Đà Nẵng để khu vực này tạo ra giá trị tăng cao, một đô thị khác biệt, hiện đại như Dubai”, ông Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ nói. Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cũng cho rằng đất đai không phải là để chia lô, bán nền, mà là để quy hoạch, phát triển và lưu ý Đà Nẵng làm sao từng mét vuông đất còn lại phải tạo ra động lực mới, có giá trị thu nhập, có giá trị sinh lời.

Có thể thấy, việc quy hoạch thành phố Đà Nẵng với tầm nhìn dài hạn phù hợp với vị trí vai trò của Đà Nẵng, bao gồm sự định hướng phát triển các ngành kinh tế, tổ chức không gian đô thị cùng với cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển theo quy hoạch vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là mục tiêu lâu dài đối với Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng.

PHẠM LÊ