Báo Công An Đà Nẵng

Đô thị Đà Nẵng bền vững hay chưa?

Thứ ba, 18/12/2018 15:25

Thảo luận tại nghị trường HĐND Đà Nẵng ngày 18-12, nhiều ĐB đặt vấn đề về tính bền vững của đô thị Đà Nẵng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng thì thiếu nước, mưa lại ngập úng.

 

 ĐB Nguyễn Thành Tiến nói năm tới Đà Nẵng sẽ thiếu nước sinh hoạt, hệ thống cấp nước của TP quá tải, cần phải tính đầu tư nhà máy nước mới, hệ thống đường ống mới, nghiên cứu nguồn nước thô khác thay vì mỗi con đường độc đạo từ Cầu Đỏ. Ông Tiến đề xuất nên nghiên cứu nguồn nước thô từ sông Vĩnh Điện dẫn về khu vực phía Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng nhà máy nước Hòa Liên để tăng năng lực cấp nước cho TP. Riêng hệ thống đường ống cung cấp nước dọc biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hiện quá tải, cần nâng cấp.

ĐB Tô Văn Hùng cho biết, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết cực đoan của đô thị Đà Nẵng còn nhiều vấn đề cần bàn. Đơn cử trong 2 ngày mưa lớn vừa qua, trên địa bàn TP có hơn 50 khu vực dân cư bị ngập úng sâu, 10 công trình thu gom - thoát nước trong đô thị và cửa xả ven biển bị hư hỏng nặng, nhiều điểm sạt lở thiệt hại công trình cấp điện, nước.... Bên cạnh đó, các bãi biển của TP tiếp nhận rất lớn các loại rác thải từ chai, lọ, cao su...Tổng lượng rác thu gom rác (từ ngày 10 đến 15-12) trung bình từ 1.100 đến 1.200 tấn/ngày, vượt mức bình thường từ 200 đến 300 tấn rác mỗi ngày.

 

ĐB Hùng nói thêm, rác và nước thải của Đà Nẵng hiện luôn quá tải so với khả năng xử lý của TP. Trong điều kiện bình thường đã khó, thời tiết cực đoan thì nước, rác tràn ra biển không tránh khỏi. Từ thực tế đó, ĐB Hùng đề nghị cần tính toán lại mức giá phí môi trường để có nguồn lực triển khai các giải pháp kỹ thuật như xử lý nước thải, rác thải rắn. Hiện mức giá thu thấp trong khi chi phí để xử lý rác thải, nước thải lớn hơn nhiều. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường sẽ không đáp ứng được.

 

Chủ tịch HĐND Nuyễn Nho Trung nói, việc mưa lớn, lâu như vừa qua không hệ thống cống nào thoát kịp. Tuy nhiên, Đà Nẵng đang ở trong vùng mưa lũ, đối diện với biến đổi khí hậu, phải dự kiến, dự báo, tính toán tới ngập khi dùng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới làm hệ thống thoát nước. Nhiều tuyến cống lớn được làm nhưng việc tính toán có chủ quan, thiếu đồng bộ. Chỗ đặt máy bơm thì không có nước, như Thuận Phước 4 cái máy bơm, nước không lên được đâu, trong khi nhiều chỗ ngập lại không có máy bơm. Một bất cập khác đã thành bài ca muôn thuở, là mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa thi công, gây ách tắc thoát nước, ngập úng. Ông Trung cũng đề nghị TP xem lại công tác nạo vét hệ thống cống, mỗi năm chi hơn 80 tỷ đồng, phải kiểm tra nạo vét có hết không?. Cuối cùng là ý thức người dân phải được nâng lên. Người dân cứ thấy chỗ có con muỗi bay lên, thấy hôi một tí  là ra bịt hố ga, nước không có chỗ thoát, mưa lớn chỉ có cách tràn vào nhà. Từ thực tiễn đó, ông Trung đề nghị UBND TP phải rà soát lại qui hoạch hệ thống nước thải, phân kỳ đầu tư cho có sự đồng bộ. Trước mắt cần bố trí vốn làm các điểm bức thiết để mùa mưa năm sau không tái diễn cảnh ngập lụt như vừa qua.

K.T-H.Q