Đổ xô lên bãi rác kiếm... Tết
(Cadn.com.vn) - Khi những ngày Tết cận kề cũng là lúc lượng người đổ lên bãi rác Khánh Sơn (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tăng đột biến. Họ đổ dồn lên bãi để tìm kiếm "lộc tết" từ rác hoặc để được nhận những món quà Tết từ các tổ chức từ thiện hay chí ít cũng kiếm thêm được mỗi ngày vài trăm ngàn đồng lo Tết.
Bới rác tìm Tết
Mỗi chiếc xe chở rác vào bãi là hàng trăm người lại ùa tới. Với họ, bất kể ngày thường hay ngày Tết, rác chính là cuộc sống. Anh Trần Bá An (35 tuổi, Đà Sơn, P.Hòa Khánh Nam) cho biết, vợ chồng anh đã nhặt rác ở bãi hơn 10 năm nay. Hai đứa con nhỏ những dịp cận Tết sau khi nghỉ học cũng theo ba mẹ lên bãi để phụ giúp. Theo anh An, mỗi ngày bám trụ trên bãi từ 8 giờ sáng tới tối thu nhập khoảng 200 ngàn đồng. Cuộc sống ở bãi chẳng nói thì ai cũng biết cơ cực thế nào, nhưng ngoài công việc này chẳng biết làm gì để mưu sinh. Anh An kể, càng gần Tết, số người nhặt rác trên bãi càng tăng cao, công việc mưu sinh ở đây cũng thêm phần khó khăn. Nhiều người nhặc rác đồn nhau rằng, dịp cuối năm, trong rác thường có "lộc" nên họ cứ ùn ùn kéo lên.
Tết năm trước, khi mở vỏ hộp quà để thu lượm ni-lông, bìa cứng, chị Xuân, một người nhặt rác vô tình lượm được cả chỉ vàng trong đó thế rồi thông tin đồn ra ngoài, hôm sau không biết từ đâu cả trăm người cũng kéo lên bãi với hy vọng tìm được "lộc". Anh An bảo, việc trúng vàng hay tiền cũng có, nhưng hy hữu lắm. Thường thì dịp Tết, khi các "sếp" nhận được nhiều quà cáp, trong đó có những món quà giá trị nhưng họ vô tình không kiểm tra kỹ, thế là món quà giá trị từ trên trời đó bỗng "rớt" xuống đầu người nhặt rác. "Tất nhiên là mừng rồi, những phải có duyên lắm mới "bắt được vàng", chứ như tui nhặt rác cả chục năm rồi có bao giờ tìm được "lộc" đâu, chỉ có rác và rác thôi", anh An chia sẻ.
Vừa chuyện trò nhưng mắt và tay không rời khỏi đống rác, ông Phan Quang Ánh (53 tuổi, trú P.Hòa Khánh Nam) nói, trước đây làm nghề phá rừng nhưng sau đó "rửa tay" để lên bãi rác mưu sinh. Việc nhặt rác ở bãi tuy cơ cực, trong môi trường ô nhiễm, tổn hại nhiều tới sức khỏe, nhưng cũng là cái nghề mưu sinh chính đáng, vì thế 2 vợ chồng ông đã "bán mặt cho rác" suốt từ 13 năm nay. "Chúng tôi không có học hành gì cả, không nhặt rác thì kiếm đâu ra mỗi ngày 200 ngàn để sinh sống", ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, hơn 10 năm nay không có cái Tết nào rời khỏi rác. Người khác có thể nghỉ ngơi, vui chơi đón Tết chứ riêng những người nhặt rác như ông, dù là sáng mùng một Tết, có xe rác về cũng phải lao vào bới móc. Càng Tết thì lượng rác càng nhiều, càng thu lượm được nhiều phế liệu tốt, có giá từ rác. Tương tự, vợ chồng anh Phạm Văn Hải (36 tuổi, trú Q.Thanh Khê) cũng tâm sự, thời điểm cận Tết thì số người nhặt rác đông nghịt, nhưng qua giao thừa, người ta nghỉ ngơi bớt vì quá mệt mỏi, lúc đó những người có hoàn cảnh cơ cực như vợ chồng anh (phải nuôi ba con nhỏ, thường xuyên đau ốm) càng phải tranh thủ làm cật lực.
Gần Tết lượng người nhặt rác đổ về Khánh Sơn tăng đột biến. |
Chưa biết tính sao
Trung bình mỗi ngày có khoảng 700 tấn rác khắp thành phố được chở về Khánh Sơn. Giám đốc Xí nghiệp quản lý bãi và xử lý chất thải Khánh Sơn, ông Hà Văn Thái cho biết, mỗi ngày có khoảng 100 người nhặt rác ở bãi, tuy nhiên càng gần Tết thì số lượng người càng tăng lên, có khi gấp hai lần, thậm chí gấp 3 lần. Theo số liệu người đăng ký nhặt rác trên bãi là 580 song thực tế chỉ trên dưới 100 người mưu sinh trên bãi thường xuyên. Vào những dịp "nhạy cảm" như giáp Tết, nhiều đơn vị, tổ chức tới bãi rác để tặng quà tết cho những mảnh đời hẩm hiu, bất hạnh cũng là lúc số lượng người nhặt rác tăng đột biến. Ông Thái kể có bữa một đơn vị mang tới khoảng 100 thùng mì tôm, vì theo tính toán số lượng người nhặt rác thường xuyên như thế là đủ, song không biết nghe thông tin từ đâu, người nhặt rác kéo lên với số lượng 300-400 người, đặt đơn vị trao quà vào tình thế "dở khóc dở cười".
Cũng theo ông Thái, đơn vị quản lý bãi luôn mong muốn giảm số lượng người nhặt rác trên bãi, bởi lẽ họ lao động trong môi trường ô nhiễm, quá trình phân hủy rác diễn ra liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà không có đồ bảo hộ. Song, để tìm việc làm mới cho họ quả không dễ. Năm 2009, Q.Liên Chiểu đã giao cho P.Hòa Khánh Nam chuyển đổi công việc nhặt rác cho họ bằng cách giới thiệu vào các nhà máy ở KCN. Tuy nhiên, phần lớn họ đều có trình độ lớp 3 lớp 4, không thể sử dụng máy móc làm việc được. Một số có thể làm công nhân được, nhưng thu nhập thấp quá nên họ cũng bỏ để về nhặt rác. Nói gì đi nữa, công việc nhặt rác cũng giúp họ kiếm được 1-2 trăm ngàn/ngày, đủ để họ mưu sinh, giờ bố trí công việc khác dễ gì đáp ứng được số tiền trên.
Theo lộ trình thì sau 5 năm nữa bãi rác Khánh Sơn sẽ đóng cửa, thế nên việc chuyển đổi công việc cho người nhặt rác càng sớm càng tốt. Đặc biệt hiện nay Cty Môi trường Việt Nam đang xây dựng nhà máy xử lý rác thải ép thành dầu FO, chỉ 1-2 năm nữa sẽ đi vào hoạt động "ngốn" mỗi ngày hơn 500 tấn rác. Lúc đó cơ hội việc làm cho người nhặt rác càng trở nên khó khăn hơn.
Hải Quỳnh