Báo Công An Đà Nẵng

Đồ xưa không cũ

Thứ tư, 20/05/2015 11:20

* BÀI 1: CHẠM TAY VÀO... QUÁ KHỨ

(Cadn.com.vn) - Một nhà văn đã nói “Cho dù bạn là ai đi chăng nữa, tới một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra rằng, tất cả những gì bạn đã làm chỉ là bóng dáng trên con đường tuổi thơ mà bạn đã đi qua”. Tuổi thơ – ký ức dù đáng trân trọng hay bị chối bỏ đều là phần hiện hữu và tác động sâu đậm đến cuộc đời của một con người. Vì lẽ đó, những món đồ cổ xưa, gắn với những không gian sống quen thuộc của những thế kỷ, thập kỷ trước, mỗi khi được trưng bày đều gợi lại cho rất nhiều người những cảm xúc, suy nghĩ riêng...

Ở TPHCM có phố Lê Công Kiều, Hà Nội có phố Hoàng Hoa Thám là nơi tụ họp, thưởng ngoạn, mua bán đồ xưa rất nổi tiếng. Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, lâu nay, những người yêu thích và muốn tham quan, trao đổi những món đồ trong ký ức này, hầu như không biết tìm đến đâu để xem.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (giữa) và nhà sưu tập Bạch Lộc (phải)
trong Phiên chợ đồ xưa Đà thành 2015 .

Mong có phố đồ xưa

Gặp nhà sưu tập Bạch Lộc, Thư ký Chi hội sưu tầm cổ vật sông Hàn thuộc Hội Di sản văn hoá Việt Nam, ông hồ hởi cho biết phiên chợ đồ xưa Đà thành tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng vừa qua, dù lần đầu tiên không tránh khỏi những sơ sót, nhưng cái được lớn nhất là sự quan tâm của công chúng dành cho giới sưu tầm đồ cổ, đồ xưa ở Đà thành. Trước đây, mỗi năm một lần anh em phải kiếm mặt bằng nào đó bên vỉa hè rồi làm chợ xuân để bày bán nhưng hoàn toàn mang tính tự phát. Hiện tại, ở Đà Nẵng, không có 1 cửa hàng hay một dãy phố trưng bày, mua bán đồ xưa... Nhà sưu tập Bạch Lộc tâm sự, giới chơi đồ xưa ở Đà Nẵng chưa có điều kiện thuận lợi để phát triển. Trước đây anh em hay tụ họp nhau ở phố mua bán đường Đoàn Thị Điểm-Q.Hải Châu, nhưng ở đây có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, đồ thật đồ giả, rồi thỉnh thoảng trộm cắp trà trộn, vì thế dần dần bị dẹp bỏ. Những người đam mê đồ xưa chỉ có thể đến nhà nhau hoặc gặp ở quán cà-phê trao đổi, chia sẻ niềm vui khi tìm được một món đồ quý, hiếm.

Sau Phiên chợ đồ xưa Đà thành, nhà sưu tập Bạch Lộc cùng với những người mê đồ cổ đã có thêm nhiều động lực cho các hoạt động trưng bày, triển lãm đồ xưa tiếp theo. Họ đã quy tụ thành nhóm Chợ phiên Đà thành, và nhóm đang thực hiện kế hoạch phối hợp với một số quán cà-phê và Hội hoa viên, cây cảnh để có thể tổ chức trưng bày, trao đổi tại những địa điểm này. Trước mắt là như vậy, về lâu về dài, anh em trong nhóm đều mong muốn chính quyền thành phố sẽ tạo điều kiện để Đà Nẵng có được một  phố đồ xưa- nơi lưu giữ những ký ức thân thương của người dân thành phố.

Một cô gái Mỹ tham quan Phiên chợ đồ xưa Đà thành.

Bởi đồ xưa là ký ức...

Trong ngôi nhà nhỏ ở đường Thanh Duyên, không gian sống của nhà sưu tập Bạch Lộc cũng là không gian của ngổn ngang đồ xưa, của ngập đầy ký ức. Nhà sưu tập với hơn 30 năm kinh nghiệm này, được anh em trong giới sưu tầm đồ cổ, đồ xưa Đà Nẵng yêu quý, tín nhiệm chọn làm Hội trưởng Chợ phiên Đà thành. Ông tâm sự, những năm sau giải phóng, cuộc sống vất vả khó khăn, ông phải lang bạt khắp nơi làm nghề phân kim–chọn lọc trong đồ phế liệu để tách riêng các kim loại vàng, bạc, đồng, chì... bán lấy tiền sinh sống. Thời đó, nhiều người chưa ý thức rõ về giá trị của đồ cổ. Chưa hiểu hết về giá trị của những món đồ này, nhưng thấy tiếc nên ông Lộc cũng giữ lại được một vài thứ.

Bắt đầu từ ngày 16-5-2015, những ai quan tâm đến đồ cổ, đồ xưa có thể tham gia, trao đổi với anh em Chợ phiên Đà thành tại quán cà-phê Trúc Lâm Viên (số 8 & 10 Trần Quý Cáp, Đà Nẵng). Hoạt động này dự kiến sẽ được duy trì đều đặn vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần để tạo thành một điểm gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm của giới sưu tầm đồ cổ, đồ xưa và công chúng quan tâm tại TP Đà Nẵng.

Dần dà ông thu thập, tìm hiểu rồi tích lũy cho mình những vốn liếng về đồ xưa, đồ cổ lúc nào không hay. Ông Lộc tâm sự, ai đã yêu thích đồ cổ, đồ xưa thì lúc nào cũng bị  ám ảnh, tâm trí không thể làm được việc gì khác, nhiều khi vợ con cũng phiền lòng. Cuộc đời ông cũng nhiều truân chuyên nhưng hạnh phúc lớn nhất là được theo đuổi niềm đam mê, và giờ đây, ông có thể mãn nguyện khi tổ chức được một sân chơi cho anh em trong giới sưu tập đồ cổ Đà Nẵng. Trong phiên chợ đồ xưa Đà thành, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đến tham quan với tư cách cá nhân, tỏ ra rất thích thú khi lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức được hoạt động quy mô. Bởi ở các tỉnh thành khác, các phiên chợ cũng chỉ mang tính tự phát. Sự động viên của nhà sử học Dương Trung Quốc giúp anh em trong nhóm có thêm niềm hứng khởi để nâng cao tính chuyên nghiệp và tổ chức các hoạt động phong phú, lành mạnh, đến gần hơn với công chúng.

Một câu chuyện mà giới sưu tầm Đà thành hay nhắc đến, đó là lời dạy, lời khuyên nhủ của nhà sưu tập Bạch Lộc dành cho anh em trẻ yêu thích đồ cổ, đồ xưa: Hãy nhớ sự tích Thạch Sùng. Thạch Sùng tưởng như đã có tất cả mọi thứ trong tay, tưởng mình giàu có bậc nhất, thì trong cuộc thách đố, anh ta đã bị thua cuộc, tức giận đến nỗi biến thành con thạch sùng; bởi anh ta đã không có duy nhất một thứ. Đó là thứ anh ta đã coi thường, đã đập bể - cái mẻ kho - là cái nồi đất mẻ mà những người nông dân nghèo khổ dùng để nấu cơm, kho cá...

Phạm Quỳnh Nam
(còn nữa)