Báo Công An Đà Nẵng

Đoàn kết giữa biển khơi

Thứ bảy, 29/09/2018 15:00

Ngư dân miền Trung “mở biển” đầu năm.

Sau những chuyến bám biển dài ngày, trở về đất liền, nhiều ngư dân và cả chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ cũng tìm mọi cách để ngồi lại với nhau kể về những kỷ niệm qua mỗi chuyến đi. Đó không chỉ là những vụ thu hoạch khá tràn đầy niềm vui mà còn là những gian truân, vất vả trong những ngày lênh đênh trên biển, đối mặt với biết bao hiểm nguy do thiên tai gây ra. Chủ tàu Phạm Văn Dũng, số hiệu ĐNa 90305 TS và ông Nguyễn Văn Đầm, số hiệu ĐNa 90718 TS (P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) kể:  “Dạo đầu năm nay, tàu tôi ra khơi bất ngờ bị chết máy trong điều kiện gió to, mưa lớn liền liên lạc với đất liền. Sau đó, chúng tôi được tàu cứu nạn, cứu hộ của Vùng 3 Hải quân lai dắt vào bờ an toàn”. Khi nói về việc xây dựng tổ, đội khai thác hải sản xa bờ vững mạnh, gắn sản xuất trên biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND P.Thanh Khê Đông cho biết “Cái tên ban đầu là vậy nhưng sau này đã đổi lại là Tổ đoàn kết sản xuất trên biển cho ngắn gọn. Đây là một mô hình mới được chính quyền địa phương xây dựng với mục tiêu là phát triển kinh tế theo hướng ngư nghiệp thì bảo vệ chủ quyền biển, đảo là yêu cầu cấp thiết, trong đó ngư dân đóng vai trò nòng cốt và tiên phong”. P.Thanh Khê Đông là một trong 4 phường ven biển của Q.Thanh Khê, hiện có 50 tàu thuyền, trong đó có 36 tàu thuyền hoạt động trên vùng biển xa, dài ngày, gồm có các ngành nghề chính: lưới vây, lưới rê trôi tầng mặt, lưới rê 3 lớp…, số còn lại hoạt động ven bờ. Do điều kiện đánh bắt xa bờ nên đã có 8 tàu trang bị máy thông tin liên lạc ICOM 710, 36 máy định vị VX1700, địa bàn và khu vực hoạt động trong vùng đánh cá chung (Vịnh Bắc bộ) và phía ngoài quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và dàn khoan DK1. Chủ tịch UBND P.Thanh Khê Đông Lê Hữu Khanh cũng nhìn nhận, trong những năm qua, tình hình khai thác, đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn do tranh chấp ngư trường, tông va vướng lưới, trộm cắp, trấn cướp trên biển vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của ngư dân, để lại hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục trong một thời gian ngắn. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của ngư dân và nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

BCH BĐBP TP Đà Nẵng khen thưởng ngư dân Q.Thanh Khê trong hoạt động thông tin liên lạc trên biển.

Xuất phát từ tình hình trên, P.Thanh Khê Đông đã vận động ngư dân đóng mới tàu thuyền, tham gia tổ, đội khai thác hải sản xa bờ (nay là Tổ đoàn kết sản xuất trên biển). Từ đó, chính quyền đã phối hợp vận động ngư dân đóng mới tàu cá được 11 chiếc (1 tàu vỏ thép và 10 tàu vỏ gỗ) và dự kiến cuối năm 2018 sẽ hạ thủy thêm 2 chiếc tàu còn lại, góp phần tăng dần số lượng tàu cá hoạt động ở vùng biển xa qua từng năm. Theo Thiếu tá Phạm Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Lộc, từ khi thành lập 8 Tổ khai thác hải sản xa bờ, các tổ trưởng thường xuyên thông tin liên lạc với nhau về ngư trường, tương trợ giúp đỡ khi gặp sự cố trên biển. Đặc biệt, các tổ thường liên lạc với Hội Nông dân phường, Đồn Biên phòng Phú Lộc, Chi cục Thủy sản và Trung tâm cứu hộ, cứu nạn Đà Nẵng thông qua máy ICOM 710 trong công tác thông tin liên lạc trên biển, nhất là việc nắm tình hình an ninh trên biển, qua đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Điều này đã giúp cho công tác cứu hộ, cứu nạn các tàu cá khi gặp nạn trên biển được kịp thời và hiệu quả. Trong những năm qua, địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Phú Lộc, Vùng 3 Hải quân vận động nhiều chủ phương tiện tàu cá lai dắt các tàu gặp nạn vào bờ an toàn như: Tàu cá ĐNa 90307 TS của ông Nguyễn Phú Hùng lai dắt tàu cá ĐNa 90422 TS của bà Lê Thị Huệ; tàu cá ĐNa 90043 của ông Hồ Văn Thanh đã lai dắt 2 đợt tàu cá ĐNa 90244 TS của bà Lê Thị Khá và tàu ĐNa 90385 của ông Hồ Tấn Phước; tàu cá ĐNa 90449 TS của ông Nguyễn Văn Trọng lai dắt tàu cá của ĐNa 90255 của ông Nguyễn Đình Châu…Ngay sau những lần cứu hộ, cứu nạn thành công đó UBND đã phối hợp với Hội Nông dân phường, Đồn Biên phòng Phú Lộc  kịp thời đến động viên, thăm hỏi các tàu cá đã lai dắt cũng như tàu gặp nạn vào bờ an toàn; đồng thời đề nghị quận, thành phố hỗ trợ cũng như khen thưởng động viên kịp thời các tàu nói trên.

Đề cập đến việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, bà Nga đề xuất: “Công tác tuyên truyền đối với ngư dân cần chú trọng về nội dung sao cho dễ hiểu, đa dạng, phong phú, sát thực tiễn trước mỗi chuyến ra khơi và cả khi đang khai thác hải sản ở các vùng biển khơi của Tổ quốc. Chú  trọng hỗ trợ nguồn vốn vay cải hoán tàu thuyền và vốn vay lưu động từng chuyến biển gắn với quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ việc cứu hộ trên biển để ngư dân yên tâm bám biển”.

PHƯƠNG KIẾM