Báo Công An Đà Nẵng

Đoạn trường sau "cơn mê" (Kỳ cuối: Nối nhịp cầu thiện lương)

Thứ tư, 06/11/2019 20:30

Thời gian qua, việc tổ chức cho các học viên thuộc các câu lạc bộ (CLB) Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy thăm quan, thực tế tại cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường giáo dưỡng số 3 luôn được Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng) duy trì. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của những người vừa "chớm" sử dụng ma túy, hạn chế lây lan người nghiện ma túy trong cộng đồng...   

  Hội viên các CLB Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy tại Đà Nẵng thăm quan cơ sở xã hội Bầu Bàng.

Cuối tháng 10 vừa qua, gần 150 thành viên các CLB Dự phòng nghiện ma túy của 6 phường gồm Bình Hiên (Q. Hải Châu), Hòa An (Q. Cẩm Lệ), Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn), Nại Hiên Đông và Thọ Quang (Q. Sơn Trà) tiếp tục được Chi cục PCTNXH thành phố tổ chức chuyến đi tham quan, thực tế tại cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an). Theo cảm nhận ban đầu của đa số thành viên các CLB, thì đây là chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa, nó không chỉ làm thay đổi về mặt nhận thức, tư duy mà ý nghĩa hơn là đã cho những người mới "chớm" sử dụng ma túy trực tiếp "mắt thấy tai nghe" hậu quả, tác hại của ma túy để từ đó có ý thức hơn trong việc tránh xa ma túy cho bản thân, gia đình và xã hội...

Sau khi được tận mắt chứng kiến hàng loạt các hình ảnh, từ những "phân cảnh" vật vã, đau đớn của những người vừa mới vào cơ sở và đang trong giai đoạn cắt cơn; đến hình ảnh của những người đang lao động, học tập tại đây, H.V.Q (hội viên CLB P. Hòa Minh) xúc động bày tỏ: "Nếu không đủ tỉnh táo, kịp thời nhận ra sai lầm của mình, có thể em sẽ là một trong những học viên đang phải nằm vật vã điều trị, hoặc may mắn hơn là học tập, lao động tại cơ sở xã hội này. Dù cơ sở có khang trang, sạch đẹp đến mấy, dù học tập, lao động có vui vẻ chừng nào thì tốt nhất cũng không bao giờ nên bước chân vào đây. Đi để thấy, được sống yên ấm với gia đình, có công ăn việc làm ổn định, có một gia đình nhỏ hạnh phúc là điều tốt đẹp nhất. Và muốn có được điều đó thì đừng bao giờ dính vào ma túy". Q. cho biết trước đây, trong một lần dự sinh nhật cùng nhóm bạn, sau cuộc nhậu "tới bến", cả bọn tìm đến quán keraoke để chơi. Tại đây, có một người trong nhóm đưa "hàng đá" ra rủ rê dùng thử.

Mặc dù kiên quyết từ chối, nhưng do trong người có hơi men, lại chướng tai trước những lời khích bác của đám bạn, cho rằng không đáng mặt đàn ông, không phải là người có bản lĩnh..., nên Q. tặc lưỡi nghe theo. Và cũng trong một lần tương tự, Q. bị lực lượng chức năng bắt quả tang và bị xử phạt hành chính. Người nhà biết chuyện, ai cũng sốc. Đặc biệt mẹ Q., người từng rất tự hào và tin tưởng con trai đã ngã quỵ, kiệt sức vì đau khổ. Vốn là người tình cảm, thấy được hậu quả mà mình đã gây ra, Q. sực tỉnh và quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Để chứng minh, Q. tự nguyện tham gia vào CLB của phường. Theo Q., từ khi tham gia vào CLB, qua những lần tham gia sinh hoạt, học tập, bản thân đã rút ra được rất nhiều điều bổ ích. Trước hết là hiểu rõ hơn về tác hại, hậu quả của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp gây ra; qua đó hiểu rõ hơn về giá trị của cuộc sống, của tình yêu thương, của sự sum họp, vui vầy, hạnh phúc bên gia đình... 

Đồng quan điểm với Q., N.P.T.H (thành viên CLB P. Nại Hiên Đông) cho hay, qua chuyến tham quan thực tế tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, H. nhận ra việc mình từng thử dùng ma túy là một sai lầm lớn. Và chính sớm nhận ra sai lầm nên H. đã không ngần ngại tham gia vào CLB, trở thành thành viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên trên địa bàn phường lánh xa ma túy. "Với các bạn trẻ, tôi thấy có chơi gì thì chơi nhưng đừng bao giờ chơi ma túy, đừng bao giờ đặt chân vào cơ sở xã hội này", H. chia sẻ. Còn với các học viên tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, H. cho rằng, vào đây rồi cũng chưa quá muộn. Hy vọng mỗi người hãy cố gắng học tập, rèn luyện để sớm trở về với gia đình, cộng đồng và làm lại cuộc đời mới, tươi sáng hơn.

Nói về hoạt động của các CLB Can thiệp sớm dự phòng nghiện ma túy trên địa bàn thời gian qua, ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH thành phố cho biết, qua 4 năm triển khai, các mô hình CLB Can thiệp sớm dự phòng nghiện giúp cho hơn 78% hội viên mới sử dụng ma túy tiến bộ. "Quy chế đặt ra là mỗi tháng, các CLB tổ chức sinh hoạt tập trung 1 lần, riêng các nhóm trong CLB thì gặp mặt nhau thường xuyên trong tuần thông qua những lần đi chơi, dã ngoại... để cùng động viên nhau tránh xa sự cám dỗ của ma túy. Ngoài ra, Chi cục PCTNXH thành phố đều có chương trình định kỳ mỗi năm 1 lần đi thực tế ở Trường Giáo dưỡng số 3 và Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Chính những lần được tiếp xúc, trao đổi với người thật, việc thật tại đây đã giúp hội viên các CLB hiểu hơn sự nguy hiểm của ma túy, từ đó biết mà phòng tránh", ông Thái chia sẻ.

Cũng theo ông Thái, đến nay, cả 6 CLB đều phát huy được hiệu quả trong việc cảm hóa, giáo dục và ngăn ngừa thanh, thiếu niên sử dụng ma túy. Đồng thời cũng giúp nhiều hội viên quay trở lại con đường học tập, học nghề và có được công ăn việc làm ổn định; đặc biệt là ở những địa bàn có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm, hỗ trợ của các hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh...

Lần thứ hai trực tiếp đưa các thành viên CLB P.Thọ Quang thăm quan thực tế tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, ông Phi (Hội CCB P. Thọ Quang) bộc bạch, đây là việc làm thiết thực, có tác dụng rất lớn trong việc cảnh báo về hậu quả của ma túy, nhất là với những người mới chớm sử dụng. "Không có biện pháp giáo dục nào trực quan, sinh động hơn là cho các em thấy được cảnh sinh hoạt, chữa bệnh của các học viên tại đây. Chưa thể khẳng định tất cả các em tham gia chuyến đi thực tế sẽ thay đổi được nhận thức cũng như hành vi của mình. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là phần đông các em đã có thái độ nghiêm túc, cầu thị. Và tôi cho rằng, đây là biện pháp giáo dục rất tốt, nhất là với các cháu mới sử dụng ma túy", ông Phi chia sẻ.

D.N.H