Báo Công An Đà Nẵng

Doanh nghiệp Đà Nẵng trước áp lực tăng giá xăng dầu

Thứ tư, 01/07/2015 09:24

(Cadn.com.vn) - Xăng dầu tăng giá liên tục, chỉ tính 4 lần tăng giá gần đây giá xăng đã tăng lên xấp xỉ 5.000 đồng, gây áp lực lên nhiều ngành nghề, lĩnh vực và đời sống dân sinh.

Sản xuất đã khó càng thêm khó

Theo nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, quyết định tăng giá xăng dầu lúc này khiến họ đã khó lại chồng thêm khó. Giá xăng dầu tăng tác động đáng kể lên giá thành sản phẩm, đặc biệt là các DN ở các ngành sản xuất cơ khí, sắt thép, xi-măng, cao su,... Tuy nhiên, sức tiêu thụ trên thị trường còn yếu nên các DN cũng đang tập trung kìm giá để giữ khách hàng.

Ngành cơ khí là ngành đang chịu áp lực lớn nhất từ việc tăng giá xăng dầu... Ông Nguyễn Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Cty Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho biết, điện đã tăng cộng với giá xăng dầu tăng lần này đã gây áp lực nặng nề. Trong khi đó, ngành cơ khí cũng đang gặp khó khăn đối với đầu ra sản phẩm, khó khăn như chồng chất.

Đối với ngành sản xuất có chi phí nhiên liệu khá lớn như cao su, ông Hà Phước Lộc, Phó Tổng Giám đốc Cty Cao su Đà Nẵng cho hay: Từ đầu năm đến nay, ngành sản xuất như chúng tôi liên tục đón nhận thông tin về việc điều chỉnh tăng giá điện và xăng dầu, ngày 16-3 điện tăng giá 7,3%, còn xăng dầu liên tục tăng gần 5.000 đồng/lít đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào của ngành cao su. Sau khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải mới sẽ được các doanh nghiệp vận tải gửi đến cho Cty đề nghị tăng giá.

Theo ông Lộc, việc giá xăng dầu tăng liên tục ảnh hưởng rất lớn năng lực cạnh tranh của các DN, đặc biệt các DN có sản phẩm xuất khẩu như cao su. Hiện nay, cao su đã rớt giá khoảng 4% so với đầu năm, trong khi đó, chi phí nhiên liệu, vận chuyển và giá USD rục rịch tăng khiến Cty gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với DN nước ngoài...

* Là tài xế cho hãng taxi Vinasun, anh Huỳnh Kim Kỳ luôn tỏ ra chú ý mỗi khi có thông báo điều chỉnh giá cả xăng dầu trong nước. Theo anh Kỳ, mới cách đây 2 tháng, mỗi ngày anh chỉ bơm khoảng 300.000 đồng tiền xăng để đi lại. Tuy nhiên sau 5 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, số tiền mà anh phải bỏ ra gần như tăng gấp rưỡi. Anh Kỳ cho biết thêm, trung bình một ngày chạy hết khoảng 300.000 đồng tiền xăng, từ hôm giá xăng lên kết hợp thời tiết nắng nóng, sử dụng điều hòa rất nhiều, thì phải đổ khoảng từ 350.000 - 400.000 đồng tiền xăng. Phần xăng tăng thì anh Kỳ vẫn chịu thiệt vì giá cước chưa tăng.

Tài xế Huỳnh Kim Kỳ

Vận tải cầm cự chờ tăng giá

Với ngành vận tải hàng hóa và hành khách, chi phí nhiên liệu chiếm từ 30-40% giá thành đầu vào. Tuy nhiên, mức tăng gần 5.000 đồng/lít xăng trong 4 lần gần đây nhiều DN vận tải đang dở khóc dở cười. Theo ghi nhận, hiện tại tuy giá xăng dầu tăng mạnh nhưng giá cước vận tải hàng hóa, hành khách vẫn chưa có biến động. Nhiều DN vận tải vẫn giữ giá cũ, cước gửi hàng hóa tại đây cũng không tăng.

Nguyên nhân của việc giữ giá được các DN vận tải khách giải thích là do tính cạnh tranh giữa các DN ngày càng cao nên các đơn vị phải “gồng mình” để giữ khách. Tuy nhiên, cũng theo các hãng vận tải khi xăng tăng giá cao quá DN buộc phải tăng giá cước theo bởi DN khó cầm cự nổi trong thời gian dài.

Ông Lê Công Vinh, Giám đốc Cty CP Vận tải Tư Vinh cho biết: Xăng tăng giá khiến DN vận tải vốn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì mức giá cước cũ. Trong khi đó, các loại phí khác cũng đã tăng thêm 5-10%. Tình hình này rất căng thẳng, nhưng DN cố gắng duy trì. Ông Vinh cho biết thêm, dù rất khó khăn nhưng hãng này chưa “dám” tăng giá cước, vì cạnh tranh ngày càng khó khăn, để giữ chân được khách hàng, hãng này phải “cắn răng” chấp nhận chi phí đội lên.

Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng, kiêm Giám đốc hãng Taxi Mai Linh cho rằng, sức chịu đựng của các DN taxi có hạn. Một vài ngày tới các hãng dự kiến tăng giá cước thêm 5 –10% tương đương với mức từ 800 đồng – 1.000 đồng/km tùy loại xe để bù đắp chi phí tăng lên. Ông Nhân chia sẻ thêm, tăng giá cước là điều không hãng taxi nào mong muốn vì sẽ gây mất đi một lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi không còn cách nào khác.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, do tác động của xăng dầu tăng giá trong tháng 5 và tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng của Đà Nẵng tăng mạnh nhất trong 2 năm qua và tăng đến 0,6% so với đầu năm.

Xuân Đương