Báo Công An Đà Nẵng

Doanh nghiệp Đà Nẵng trước “cú sốc” Covid-19! (Kỳ 2: “Bơi ngược giữa dòng nước xiết”)

Thứ ba, 07/04/2020 16:39

Mặc dù doanh thu giảm, cộng với gánh nặng tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo các nghĩa vụ tài chính chung, nhưng tín hiệu vui là các doanh nghiệp (DN) vẫn đang ngày đêm tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn và nhất là đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đường Bạch Đằng, tuyến đường du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng với hàng trăm hàng quán phục vụ du khách cũng “không một bóng người”.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Giám đốc Công ty TNHH KDTH Ân Điển cho rằng, khó khăn trong dịch Covid – 19 là khó khăn chung không ai mong muốn. Nguồn vốn của DN nhỏ và vừa chủ yếu là vốn xoay vòng, tích lũy, lợi nhuận được đồng nào đem tái đầu tư, mở rộng sản xuất đồng đó, nên trong dịch bệnh hoạt động rất khó khăn. “Tuy nhiên, Công ty Ân Điển vẫn đảm bảo trả lương 100% cho nhân viên và đảm bảo các quyền lợi cơ bản của người lao động. Bởi họ gắn bó, cống hiến cho DN và có đảm bảo quyền lợi cho người lao động họ mới yên tâm làm việc và cùng DN vượt qua khó khăn này”, bà Liên chia sẻ.

Chung quan điểm, ông Phạm Bắc Bình cho biết Công ty Bình Vinh vẫn duy trì trả lương đều đặn và đúng thời gian cho người lao động. “Trong kinh doanh cũng sẽ phải có khoảng lặng, tôi cho rằng Covid – 19 là khoảng lặng cho DN để nhìn lại và tái cấu trúc”, ông Bình lạc quan và cho hay, trong thời gian này Công ty cho phép lái xe xin nghỉ, tổng lực tu bổ bảo dưỡng xe để sẵn sàng vận hành khi dịch được khống chế.

Dịch bệnh Covid – 19 khiến hàng loạt DN lao đao, thậm chí phải thông báo tạm dừng hoạt động, nhưng riêng tại Công ty TNHH Giày BQ tình hình lại ngược lại. Ông Phan Hải - Giám đốc công ty cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty không nằm ngoài thực tế chung là đang bị tụt giảm, thậm chí doanh thu bán lẻ tại các cửa hàng giảm đến 50%. Tuy nhiên điều đó không làm hoạt động của công ty bị gián đoạn. Nguyên nhân theo ông Hải, là bởi công ty đã “biến nguy thành cơ” để có nguồn doanh thu mới bù đắp.

Cũng theo ông Hải, nhờ chủ động được nguồn cung nguyên liệu nên dù doanh thu bán lẻ tại các cửa hàng của công ty có sụt giảm nhưng công ty đã tận dụng được nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc để tìm kiếm cho mình nhiều đối tác mới phân phối sản phẩm giày BQ trong cả nước. Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh tương tác, bán hàng trực tuyến. “Doanh thu bán lẻ offline giảm mạnh, nhưng bù lại doanh thu bán hàng online tăng khoảng 30%, vì vậy, cũng phần nào giúp doanh thu chung của khối bán lẻ không trượt dài và giảm quá sâu”, ông Hải nói.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Liên thì cho biết, trong giai đoạn khó khăn chung, bản thân DN phải tự cứu mình trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ. “Để kích cầu tiêu dùng, Ân Điển thực hiện chính sách bán hàng không lợi nhuận. Bên cạnh đó, các DN thương mại – dịch vụ trong chuỗi liên kết kinh doanh của chúng tôi tiêu dùng sản phẩm của nhau, cùng tương hỗ để cùng vượt khó thành công”, bà Liên nói và khẳng định “Covid – 19 thực ra cũng chỉ là phép thử sức đề kháng của DN, trong đó có DN thương mại dịch vụ. Chúng tôi tin sẽ đủ sức đề kháng để mạnh mẽ vượt qua thử thách này”.

Một vấn đề cần kíp của DN nói chung và DN trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng bây giờ là nhà nước cần có chính sách thuế như thế nào để gỡ khó. Ông Nguyễn Đình Ân - Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng cho rằng, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều DN mong muốn gia hạn và giảm thuế. Tuy nhiên, Cục Thuế Đà Nẵng cũng phải chờ Nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính mới có thể triển khai việc này.

Về nguồn cung nguyên liệu cho các DN trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các đơn vị, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tìm kiếm các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu nước ngoài để thông tin cho các ngành sản xuất trong nước sớm có sự kết nối, thực hiện kế hoạch cung ứng phù hợp. Trong đó, các cơ quan ban ngành cũng đang tích cực kết nối để tìm cách tháo gỡ cho DN.

Theo ông Cao Trí Dũng, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh thì phải đến cuối tháng 6-2020 ngành du lịch mới có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, với tình hình diễn biến dịch bệnh đang lan rộng trên toàn cầu mà Châu Âu được dự báo là “ổ dịch” lớn nhất thế giới thì có thể phải mất nguyên năm 2020 du lịch mới có thể đứng dậy và phục hồi. Vì vậy thời điểm hiện tại, theo các DN du lịch đây là giai đoạn để củng cố và đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Ông Phùng Văn Thuận - Giám đốc Công ty CP Bảo Nguyên Food & Event cho biết, hiện Công ty đang nghiên cứu, thay đổi cách làm, thay đổi thiết kế các sân khấu phục vụ giải trí, đưa ra nhiều phương án để chuẩn bị sẵn sàng khi hết dịch có thể nhanh chóng đi vào hoạt động trở lại và hoạt động tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường tốt hơn. “Dịch Covid – 19 cũng là một bài học đắt giá để các DN du lịch phải nhìn lại mình, đúc rút kinh nghiệm để có hướng tích lũy, phòng ngừa rủi ro tương tự có thể xảy ra trong tương lai”, ông Thuận nói.

Để duy trì hoạt động của DN ở thời điểm dịch bệnh, hiện tại DN đã đẩy mạnh hơn lĩnh vực cung ứng thực phẩm bán lẻ. Nếu trước đây công ty chỉ phân phối, cung ứng thực phẩm cho hệ thống nhà hàng, khách sạn, điểm đến du lịch thì hiện tại DN tạm thời chuyển sang lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, giao hàng tận nơi cho từng khách hàng lẻ có nhu cầu tiêu dùng. “Vừa nỗ lực để duy trì công ty, vừa là cơ hội cho mình trong ngành cung ứng thực phẩm mới”, ông Thuận cho hay.

Còn ông Cao Trí Dũng thì cho biết, hiện các DN du lịch đang tiến hành song song nhiều công việc như vừa đào tạo nhân sự, vừa lên phương án xúc tiến tìm kiếm các thị trường khách mới, vừa cùng hợp tác để đưa ra những sản phẩm du lịch mới, nhất là sản phẩm du lịch về đêm, sản phẩm du lịch đường sông, đường biển, đặc biệt là xây dựng chương trình kích cầu du lịch để sẵn sàng kéo khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

(còn nữa)

D.HÙNG