Báo Công An Đà Nẵng

Doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ

Thứ sáu, 26/04/2024 08:30
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND TP Trần Phước Sơn chủ trì buổi làm việc của Đoàn giám sát về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố đang thực hiện 38 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, 17 chính sách riêng của thành phố. Trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất, thuế, phí, lệ phí… đã giải quyết một phần khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và tăng thêm động lực, “sức đề kháng” để phát triển, từ đó đóng góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy vậy, trong quá trình triển khai các chính sách này vẫn còn gặp một số khó khăn dẫn đến chưa có nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng. Cụ thể như, một số chính sách có hiệu lực thi hành trễ dẫn đến chưa kịp thời giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ quy định khá phức tạp, gây khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng chính sách khi xác định nội dung và mức hỗ trợ; quy định về điều kiện hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, thành phần hồ sơ còn quá phức tạp hoặc quy định siết chặt khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách; chính sách được ban hành nhưng quy định chưa chặt chẽ, thiếu hành lang pháp lý đầy đủ để triển khai, áp dụng nên chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp...

Tại buổi làm việc, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng phản ánh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, nhưng điều kiện để tiếp cận rất khó khăn, doanh nghiệp không thể đáp ứng, không được hỗ trợ. Chưa kể, nhiều chính sách mức hỗ trợ thấp, thủ tục rườm rà, phức tạp, doanh nghiệp không mặn mà. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường, mặt bằng sản xuất, đảm bảo các điều kiện phòng cháy chữa cháy, đang bị kiểm tra, thanh tra rất nhiều về thuế…rất cần có chính sách để hỗ trợ, đồng hành để vượt qua. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan sát sườn tới doanh nghiệp, vì vậy trước khi ban hành cần tham vấn, lắng nghe tiếng nói từ phía doanh nghiệp, như vậy chính sách ban hành mới đi vào cuộc sống, doanh nghiệp mới tiếp cận được.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND TP, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì nhiều nhưng hiệu quả, sức lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp chưa như kỳ vọng. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá hiệu quả tất cả các chính sách, từ đó chọn lọc, tích hợp lại vài chính sách nhưng thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống. Ông Sơn cũng lưu ý một số phản ánh của đại diện cộng đồng doanh nghiệp cần đưa vào báo cáo giám sát của Đoàn. Cụ thể như xem xét hạ các tiêu chí để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển; sớm đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động tạo mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ, gỡ vướng về thủ tục phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng sản xuất trong các khu công nghiệp để cho các doanh nghiệp nhỏ thuê lại; việc kiểm tra, thanh tra phải có kế hoạch phù hợp với thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, tránh trùng lặp, nhiều lần, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Sơn cũng lưu ý đưa vào Báo cáo giám sát đề xuất của doanh nghiệp về việc có trụ sở tập trung cho các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thuê lại hoạt động, tạo thành cộng đồng có liên kết.

HẢI QUỲNH