Báo Công An Đà Nẵng

Doanh nghiệp FDI mong muốn gì từ Đà Nẵng?

Thứ hai, 27/09/2021 09:45

Doanh nghiệp (DN) FDI Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn, mong muốn TP có giải pháp hiệu quả đối phó với dịch bệnh, mở cửa sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, lao động...

Ông Kim Jinmo nêu kiến nghị với lãnh đạo TP tại buổi đối thoại hôm 24-9. 

Mở cửa sản xuất

Ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất nhà máy linh kiện hàng không vũ trụ UAC tại Khu CNC Đà Nẵng cho biết, do dịch bệnh, các qui định chống dịch thay đổi thường xuyên dẫn đến 6 khó khăn với DN. Nổi bật như đơn hàng chậm gây tổn hại đến uy tín của DN, gia tăng chi phí vận chuyển, chậm trễ trong việc lắp đặt và sửa chữa thiết bị do khó khăn trong việc đưa chuyên gia và lao động kỹ thuật nước ngoài vào TP. Từ thực trạng đó, ông Ciprian Bota kiến nghị thành phố cho phép các DN hoạt động với 100% lao động; mở cửa, giảm bớt các yêu cầu đầu vào (có xét nghiệm PCR âm tính, tiêm đủ 2 liều vaccine) đối với các chuyên gia, lao động nước ngoài. Ông Ikeda Naoatsu – Chủ tịch chi hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng thì cho rằng, hiện các DN gặp nhiều khó khăn, giảm đáng kể lợi nhuận, khách hàng ra đi, lao động giảm thu nhập, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, TP cần vận hành 100% hoạt động trở lại, sớm hoàn thành tiêm chủng 2 mũi vaccine kèm theo kế hoạch xét nghiệm cho lao động phù hợp với các DN.

Phó Giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, ông Kim Jinmo cho biết, khi TP chỉ đạo các nhà máy cắt giảm lao động được đi làm xuống 30% và phải duy trì tại chỗ thì phải cho DN thời gian để sắp xếp chỗ ăn, uống, nghỉ ngơi cho công nhân cũng như thông báo cho nhà cung cấp và khách hàng về tình hình tạm thời để tránh vi phạm hợp đồng gây nhiều thiệt hại cho DN. Ông Kim cũng kiến nghị thành phố lập kịch bản, trong đó có các biện pháp tương ứng dựa trên số ca nhiễm được công bố. Ví dụ, trường hợp thành phố phát hiện dưới 50 ca/ ngày thì biện pháp chống dịch sẽ bao gồm các nội dung gì, tương tự nếu phát hiện 100 ca, 200 ca thì sẽ áp dụng biện pháp gì… để DN có thể dự đoán tình hình, chủ động chuẩn bị đối phó và phối hợp.

Ông Nguyễn Thanh Phúc- Tổng giám đốc Heineken Đà Nẵng kiến nghị cho phép các DN được chủ động giải pháp, mô hình riêng để vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn. Phương án “ba tại chỗ” cần loại bỏ vì quá nhiều hạn chế, tốn kém. Đơn cử như DN duy trì “ba tại chỗ” cho 1.000 lao động, nếu tình hình không cải thiện, dự kiến tới cuối năm sẽ tốn khoảng 100 tỷ đồng. Cũng theo ông Phúc, TP cần cho phép di chuyển, lưu thông tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch. Bản thân DN khi phân phối hàng hóa bị chặn lại do địa phương không nhất quán trong cách giải thích “hàng hóa thiết yếu”, phải chờ đợi một tuần để xin cấp QRCode mới được lưu thông hàng hóa đến siêu thị, tạp hóa. 

DN kiến nghị loại bỏ phương án sản xuất “ba tại chỗ” mà thay vào đó để DN được chủ động giải pháp, mô hình riêng vừa chống dịch, vừa sản xuất an toàn.

Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, nhân lực

Ông Kim Jinmo cho rằng không cần thiết phải “đóng băng” việc di chuyển, nhất là cản trở DN đi lại mà thay vào đó cần đưa ra những cảnh báo những khu vực có nguy cơ cao để họ tránh đến các khu vực đó. Còn ông Ikeda Naoatsu cho biết, DN cần tuyển dụng nhân lực mới lên kế hoạch sản xuất bù đắp thời gian bị ngưng sản xuất, tuy nhiên dù có tuyển được nhân sự mới nhưng lại không có giấy thông hành thì cũng không thể đến ký hợp đồng chính thức. Vì thế, cần bãi bỏ giấy đi đường càng sớm càng tốt để giảm bớt gánh nặng cho TP, các DN mà thay vào đó là sử dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine. Những DN hàng ngàn người, phải làm thủ tục giấy đi đường trong thời gian ngắn rất khó khăn, không kịp thời gian. Ngoài ra, sản xuất của DN phải nhập nguyên vật liệu từ 2 đầu đất nước, tuy nhiên việc lưu thông giữa các địa phương đang bị hạn chế, trì trệ. Vì thế, ông Ikeda Naoatsu kiến nghị TP cần có những biện pháp nới lỏng như cho phép những tài xế đã tiêm vaccine được hoạt động di chuyển dễ dàng hơn ra phạm vi ngoài TP so với thời điểm hiện tại. Ông Ikeda Naoatsu cũng cho biết, hiện nhiều chuyên gia không thể di chuyển dẫn đến không thực hiện những việc như sửa chữa thiết bị hư hỏng, chạy thử và lắp đặt các thiết bị mới được áp dụng, đánh giá sản phẩm… từ đó gây trở ngại đến các hoạt động sản xuất. Vì thế, đối với những chuyên gia đã hoàn thành tiêm vaccine cần được di chuyển trong nước. Khi tới Đà Nẵng, các chuyên gia di chuyển trong nước (kể cả nhập cảnh vào TP) dựa trên cơ sở tiêm 2 mũi vaccine, xét nghiệm PCR cần rút ngắn thời gian cách ly.

Cùng kiến nghị, ông Kim Jong Bok -Giám đốc Trung tâm nghiên cứu LG VS tại Đà Nẵng rất mong có chính sách phù hợp về việc di chuyển trong/ngoài nước, hướng dẫn rõ ràng giúp DN sớm tiếp cận, triển khai tại cơ sở. “Với nhiều chi nhánh trải dài khắp Việt Nam, việc luân chuyển nhân sự giữa các chi nhánh là rất cần thiết với chúng tôi để đảm bảo hoạt động vận hành của tập đoàn. Bên cạnh đó tiến độ tuyển dụng nhân sự cũng bị ảnh hưởng nặng nề do một lượng lớn nhân sự tại các tỉnh thành khác không thể di chuyển về Đà Nẵng. Ngoài ra, với đặc thù là Trung tâm nghiên cứu, phần lớn các thiết bị cần sử dụng tại trung tâm đều được điều phối từ công ty mẹ. Trong điều kiện hiện nay, các thiết bị này đều đang phải vận chuyển về Hải Phòng thay vì trực tiếp về Đà Nẵng. Điều này làm tiêu tốn thời gian không cần thiết và gây ra nhiều rủi ro hư hỏng thiết bị do phải di chuyển thường xuyên. Nếu có thể gửi hoặc nhận thiết bị trực tiếp từ Đà Nẵng là giải pháp tối ưu cho những dự án mới của chúng tôi trong tương lai”- ông Kim Jong Bok nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị ngành Y tế có hướng dẫn sớm cho DN về thời hạn cách ly y tế đối với chuyên gia nước ngoài theo hướng rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm vaccine. Liên quan giấy đi đường mà các DN kiến nghị, ông Quảng cho biết tiến tới mỗi người dân Đà Nẵng sẽ có một mã QRCode tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân, xét nghiệm, số mũi vaccine… thay cho giấy đi đường. Khi đi làm việc trong cơ sở, nhà hàng, siêu thị, ra đường…chỉ cần đưa mã QRCode ra quét sẽ có đầy đủ thông tin, phục vụ truy vết, khoanh vùng, dập dịch thuận tiện hơn. Ngoài ra, trong tháng 10 TP sẽ hoàn thiện tiêm vaccine mũi 1, có lộ trình hết năm nay sẽ phủ 2 mũi cho toàn bộ người dân TP trên 18 tuổi. Sắp tới, TP sẽ mở cửa nhiều hoạt động kèm theo các điều kiện, giải pháp chống dịch. Trong đó, tại các KCN, nhà máy sẽ có kịch bản cụ thể, sẽ hướng dẫn rất rõ các đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, thành lập các đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ DN trong việc xử lý các tình huống khi có dịch xảy ra.TP sẽ hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho DN theo kế hoạch xét nghiệm.

HẢI QUỲNH